Đinh Danh Vùng
Moderator
Vào những năm thập niên 20 của thế kỷ trước, vùng đất ngã tư Trung Hiền (nay là đường phố Minh Khai) còn khá heo hút. Con đường nhỏ nối ngã Tư này với làng Quỳnh Lôi, Mai Động rộng chừng 3 - 4 mét, rải đá dăm. Hai bên đường là ao, là ruộng và vài nhà dân thấp hơn mặt đường gần một mét. Năm 1920, chợ Mơ chuyển từ giữa phố xuống cuối phố Bạch Mai. Phía ngoài chợ có bãi đất rộng làm nơi bán tre, nứa, lá, nên người dân gọi là Bến Nứa và phía bên kia đường là trại Mai Hồ.Năm 1932, ông chủ hiệu gạch ngói Hưng Ký chi 20.000 đồng Đông Dương dựng một ngôi chùa lớn trên cánh đồng thôn Đoài làng Hoàng Mai. Kiến trúc ngôi chùa độc đáo, tam bảo, tam quan, nhà bia được trang trí bằng gốm men màu rất đẹp. Từ đó, chùa Hưng Ký phố mới hình thành, dân kéo đến ở quanh chùa. Ngày ấy, hai bên con đường từ làng Hoàng Mai đến dốc đê Vĩnh Tuy là đồng ruộng, gò bãi. Vào buổi sớm, chiều tà đường vắng tanh, vì sợ cướp, người lỡ độ đường thường tụ tập thành nhóm 4 - 5 người rồi mới giám đi.
Khoảng năm 1930, nghĩa trang Hợp Thiện được làm trên đất làng Quỳnh Lôi, Mai Động. Năm 1942, người ta lại mua thêm 100 mẫu đất của làng Mai Động để mở rộng nghĩa trang. Nghĩa trang xây dựng đẹp tựa công viên với những hàng cây muỗm, nhà quàn 8 mái và cả một ngôi chùa lớn. Đối diện với nghĩa trang, phía bên kia đường có đống Chúng Sinh là nơi chôn cất những đứa trẻ chết không có người nhận. Năm 1929 các nhà hảo tâm đã xây tại đây nhà bia 8 mái, ở giữa đặt tấm bia đá lớn, nội dung nói về lòng thiện con người trước những số phận hẩm hiu. Trên đất xứ Bã Lùng, một người hảo tâm là bà Trương Ngọc xây 3 dãy nhà làm nơi ở cho những người lang thang cơ nhỡ, nên có tên gọi xóm Tế Bần. Tháng 3 / 1945, nghĩa trang Hợp Thiện là nơi chôn cất hàng vạn đồng bào ta bị chết đói thê thảm và bị chết do oanh tạc của giặc Pháp năm 1945.
Sau tháng 10 / 1954 có thêm người ở các nơi về mua đất làm nhà từ chợ Mơ đến cổng làng Quỳnh Lôi. Nhà dân ở hình thành 7 ngõ phía Bắc đường, được đặt từ ngõ Hòa Bình 1 đến ngõ Hòa Bình 7, phía đối diện là ngõ Gốc Đề. Từ ngày có chùa Hưng Ký nên dân gọi khu vực này là phố Chùa Mới hoặc phố chùa Hưng Ký; đoạn phố chạy qua làng Mai Động được gọi là phố Mai Động. Sau này các nghĩa trang này cũng được di rời đi, để nhường chỗ cho dân cư và xây dựng các nhà máy, xí nghiệp...
Năm 1964, con đường này được thành phố đặt tên là đường Minh Khai, tên của Liệt nữ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, quê ở ngoại thành Hà Nội, sinh năm 1910 tại Tp Vinh, vì phụ thân vào làm công chức ở Tp Vinh, Nghệ An. Năm 1927, Bà tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1930, Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Hồng Kông hoạt động. Năm 1931, Bà bị mật thám Anh bắt giao cho Quốc dân đảng cầm tù 3 năm tại Quảng Đông; năm 1934 được trả tự do. Bà được cử vào đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7, trong dịp này Bà đã kết hôn cùng Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Năm 1936, Bà được cử về nước hoạt động và được bầu làm Bí thư thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1940, Bà bị giặc Pháp bắt và bị kết án tử hình.
Đường phố Minh Khai dài 2.475 mét chạy qua đất các làng Hoàng Mai, Quỳnh Lôi, Mai Động, cùng với chùa Hưng Ký. Ngày nay đường Minh Khai qua các phường Vĩnh Tuy, Thanh Lương, Minh Khai và phường Trương Định của quận Hai Bà Trưng. Đường phố Minh Khai được nối với các phố Đại La, Trương Định, Bạch Mai, Tam trinh, Kim Ngưu, Mạc Thị Bưởi, Vĩnh Tuy, Lạc Trung và Nguyễn Khoái. Trên phố còn có một số di tích lịch sử văn hóa, như đình Mai Động thờ tướng Tam Trinh, người có công "Phù Trưng lập quốc". Đình Quỳnh Lôi thờ thần Cao Sơn, một trong 4 vị thần thờ ở tứ trấn Thăng Long. Đền Quán Cổng (làng Mai Động) thờ bà Chúa Liễu Hạnh. Trên đất nghĩa trang xưa còn có ngôi chùa Hợp Thiện và Đài tưởng niệm các đồng bào bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945.
Phố Minh Khai cách đây 20 năm khi tôi mới chuyển đến là vùng tù hãm, đường xóc và bụi, xe công nông còn chạy thung thăng trên phố…Sau xậy dựng cầu Vĩnh Tuy, đường Minh Khai đang được mở rộng 53,5 mét, dựng đường bộ trên cao, nay liên tục sảy ra tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm.
Đường Minh Khai là đường vành đai 2, nút giao thông quan trọng của Thành phố, tạo nên vòng cung khép kín bao quanh trung tâm Hà Nội, kết nối với ngoại thành và các tỉnh Đông bắc. Nhiều dự án giao thông lớn của thành phố kết nối với đường Minh Khai như mở rộng gấp đôi đường Tam Trinh nối đường Minh Khai với đường vành đai 3, dự án đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, dự án mở rộng cầu Vĩnh Tuy...
Trước năm 2010, phố xá Minh Khai còn thưa thớt và lộn xộn, nhiều nhà máy xí nghiệp, nhiều kho bãi dịch vụ thương mại đóng hai bên phố, như nhà máy Dệt 8/3, Dệt Minh Khai, Dệt Màn tuyn HN, Mực Cửu Long, Bánh kẹo Hải Châu, Kho vận thương mại, Nông Lâm sản, các cơ sở công nghiệp nhẹ gây ô nhiễm…
Sau năm 2010, theo quy hoạch của thành phố, các nhà máy xí nghiệp, dịch vụ được di chuyển ra ngọai ô và các tỉnh lân cận. Các dự án đô thị lớn được xây dựng như khu đô thị Vinhomes Times City - Park Hill số 458 Minh Khai - Chung cư Hòa Bình Green City số 505 Minh Khai - Chung cư Imperia Sky Garden số 423 Minh Khai - Chung cư Hinode số 201 Minh Khai - Chung cư Green Pearl số 378 Minh Khai - Dự án Sunshine Garden, chợ Mơ mới… Các tổ hợp đô thị viết tắt tên đến người dân sống ở khu phố cũng không sao nhớ nổi.
Đường phố Minh Khai là một trong những con đường nhộn nhịp sầm uất của Thủ đô, được bày bán rất nhiều mặt hàng khác nhau, từ những thứ nhỏ nhất cho đến các cửa hàng đồ gỗ, chăn ga gối đệm, cửa hàng thời trang, ăn uống, cà phê. Các trung tâm thương mai lớn hoạt động tấp lập như Chợ Mơ, Time City, Hòa Bình Green City… càng làm tăng thêm sự sôi động ồn ào và hiện đại của đường phố.
Giờ đây, ai có dịp đến phố Minh Khai đều cảm nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng kỳ diệu. Con ngõ phố 461 Minh Khai là cái cổng gạch cổ cuốn vòm, có ba chữ Hán lớn “Nghĩa Trung Đường”, dưới cổng những hàng quán ăn đông đúc nhộn nhịp, nay mở rộng đường bị phá đi, để cho những ai đã ở và đến con ngõ nhỏ này nhớ mãi về một thời đã qua.
Bài và ảnh biện soạn theo Báo Hà Nội Mới và các tại liệu mạng
Đinh Danh Vùng