Tôi được gặp một người họ Đinh Trân Quý - tháng 10 năm 2020.
.Sáng sớm khi mặt trời vừa ló rạng, điện thoại của tôi rung lên báo rằng vợ chồng người họ Đinh trân quý đang qua đón rước, về quận 9 thăm nhà người quen.
Một buổi sáng đẹp trời giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội, tôi lại có dịp gặp gỡ vợ chồng người họ Đinh đa tài và nhiều tâm huyết với họ tộc, làng quê, giáo dục... đó là Nhà thơ - Tiến sĩ Toán học Đinh Tấn Phước, cùng vợ là cô giáo ươm mầm xanh Trần Kim Phú.
Người họ Đinh ấy quê ở Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Một gia đình với nhiều người thành danh trên con đường học tập, sự nghiệp. Đặc biệt là lòng kính yêu họ tộc Đinh - thờ lạy Tổ Tiên dòng họ luôn thấm đượm, trọn chữ Đạo Hiếu.
Nhà thơ - Tiến sĩ toán học Đinh Tấn Phước tôi đã có cơ duyên gặp nhiều lần ở Sài Gòn, lúc thì chỉ có 2 người bên quán cà phê, lúc thì thêm một vài người bạn quý. Là một tiến sĩ Toán học, đã từng làm thầy dạy học, Phó hiệu trưởng chuyên Lê Khiết, Giám đốc sân bay Chu Lai - và là người với tâm hồn nghệ sĩ thích làm thơ - đàn hát những bản nhạc trữ tình lãng mạn, những video đăng tải trên Youtube nghe thật nhiều cảm xúc, vì hồn thả vào từng nốt nhạc lời ca.
Một Tiến sĩ Toán học, một nhà khoa học thực thụ nhưng bên trong không hề khô khan như những con số - công thức, mà tràn ngập một vườn nghệ thuật, tạo ra những bài thơ mà câu chữ thành vần hay cùng ý đẹp... Một phong cách thơ mới với chữ rất ngắn mà độ sâu diệu vợi, đọc lướt qua e rằng chỉ là câu thơ rất vần, nhưng ngẫm nghĩ một hồi thì mới biết đằng sau đó là cả một trời điều thấu hiểu, về thế thời - sự vận, chuyện đời buồn vui.
Lần gặp đầu tiên tại cà phê ở đường Nguyễn Du, quận 1, Sài Gòn.
.
Một dịp khác tại Nhà hàng Đất Nước Nam - gặp gỡ cùng nhà thơ Bùi Chí Vinh.
Nói về Nhà thơ Đinh Tấn Phước thì vị Giáo sư Trường Lưu - nguyên là Viện trưởng Viện văn hóa chia sẻ: "Qua “n Bài Thơ Ngắn” của Đinh Tấn Phước (Nxb Văn Học, 2012), ta bắt gặp một kiểu cấu trúc tân kỳ mang tính thể nghiệm, và tiếp xúc một tâm hồn thơ phóng khoáng: thoát ly mọi ràng buộc của cảm xúc sáo mòn trong một khung cảnh chật hẹp. Tác giả vừa làm nghệ thuật ngôn từ trong những bài thơ ngắn đến mức vượt giới hạn cô đúc, vừa phi lộ: “nội dung có thể nằm hoặc không ở những câu chữ”. Không hẳn tác giả đưa triết lý toán vào thơ như có người đã cảm nhận, song nếu không có toán học trong con người thi sĩ Đinh Tấn Phước thì vị tất đã xuất hiện “n Bài Thơ Ngắn”! Thơ vốn không phải bao giờ cũng biểu hiện cái cụ thể. Cái không cụ thể trong tình ý sâu xa ở đây, gắn với ý niệm ngắn của bài thơ, câu thơ, lặn sâu vào những câu chữ tưởng chừng mông lung và hư ảo, tạo nên hình tượng và dáng vẻ thơ độc đáo. Phong cách thơ Đinh Tấn Phước bắt đầu từ đấy. Những cái có vẻ mới và lạ trong “n Bài Thơ Ngắn”, tuy không ngoại lệ song cũng không là thông lệ. Thơ là “lĩnh vực của vô cùng” cho mọi ý tưởng sáng tạo. Trong thời đại văn minh trí tuệ như hiện nay, thơ càng tiến xa vào nhiều vùng tìm tòi, khám phá. Đi trong thời đại ấy, Đinh Tấn Phước từ “Chạm Bóng” (Nxb Văn học, 2009) đến “n Bài Thơ Ngắn” đã góp tiếng nói có phong vị và hương sắc riêng vào nền thơ Việt Nam".
Tôi xin chia sẻ cùng quý vị một bài thơ ngắn của Nhà thơ Đinh Tấn Phước - trong tập thơ "n BÀI THƠ NGẮN":
1.
tiếng sóng
chạm bát cơm dân chài
mặn chát
2.
những con bò
vẫn đang gặm cỏ
trên cánh đồng vắng Tư Duy
3.
bầy khướu trên đỉnh núi
hót những lời nên thơ
người tiều phu quảy củi
4.
trong những đống tro tàn
phủ giấy hoa
đám con gián đỏ, đen
cặm cụi.
Khi tôi được nói chuyện với những người đáng quý, thì cảm giác như thời gian trôi qua rất nhanh, vụt cái đã hết một buổi sáng cuối tuần... thôi đành hẹn lại một dịp không xa, có thể một nơi nào đó chứ không phải Sài Gòn.
Oct 09, 2020
Đinh Thanh Hải