Đền Sâm còn gọi là đền Bà Vú Sữa, bà Vú cho Hoàng tử Lê Tư Thành (Vua Lê Thánh Tông) bú khi mới sinh, sự tích liên quan đến dòng họ Đinh - Nông Kỳ, đền rất linh hiển tại làng Sâm, xã Đông Đô, Hưng Hà. Ảnh đẹp của Bùi Đình Trận.
KHÁI QUÁT DÒNG HỌ ĐINH TRÊN ĐẤT NÔNG KỲ
(nay là xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà , tỉnh Thái Bình)
(Vùng đất Nông Kỳ xưa gồm huyện Hưng Hà và huyện Đông Hưng, Thái Bình)
Theo quyển Thần Khê Đô Kỳ Đinh gia thế phả (tức quyển thế phả họ Đinh ở Đô Kỳ, huyện Thần Khê - nay là một vùng thuộc huyện Hưng Hà và huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), và quyển Đại Việt Thông sử do Lê Quý Đôn soạn, cho biết: “Thời Vua Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn chống quân Minh có ba anh em họ Đinh là Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt đi theo Lê Lợi, lập được nhiều công lớn. Về sau con cháu Đinh Liệt phân tán khắp nơi trong nước, đều đã phát huy truyền thống chống ngoại xâm và xây dựng đất nước”.Một chi phái con cháu người anh hùng dân tộc Đinh Liệt đã và đang cư trú ở các xã Chi Lăng và Đô Kỳ huyện Hưng Hà, xã Minh Tân và Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ngày nay đã viết lên những trang sử vẻ vang, bổ sung cho thành tích của dòng họ Đinh từ xưa đến nay.
Trong quyển Thân Khê Đô Kỳ Đinh gia Thế phả, bản chữ Hán lưu trữ ở Bảo Tàng tỉnh Thái Bình đã dịch ra chữ Việt (Do ông Đinh Khắc Tịnh ở Đô Kỳ giữ) có chép rằng:
“Ở Việt Nam, dòng dõi họ Đinh đã có từ thời Hùng Vương đến thời Đường (Trung Quốc) đã có nhiều người trong họ Đinh cùng nhân dân đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Sang thời kỳ tự chủ, họ Đinh lại thống nhất Đất nước, đánh Tống, bình Chiêm, dưới bóng cờ lau của Hoa Lư động ”.
Lại có tư liệu chép rằng: “Họ Đinh ở các xã Chi Lăng, Đông Đô, Minh Tân và Lô Giang ngày nay là dòng dõi Nam Việt Vương Đinh Liễn từ Thanh Hoa (tức Thanh Hoá) di cư tới đây lập nghiệp. Dưới thời Trần, trong họ Đinh thuộc dòng dõi Đinh Liễn ở sách Thuý Cối (sau đổi là Mỹ Lâm), huyện Lương Giang (sau đổi thành huyện Thuỵ Nguyên, nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá) có một cụ già làm nghề nông kiêm nghề thuốc được nhân dân mến yêu. Một hôm, cụ gặp hai anh em họ Hoàng đến nhà cụ ở nhờ; người em tên là Kình, người em tên là Côn, làm thầy địa lý người Trung Quốc. Hai anh em họ Hoàng được cụ giúp đỡ nhiều. Trước khi trở vê quê quán, họ tặng cụ một ngôi đất quý để tạ ơn.
Cụ già họ Đinh theo lời dặn của hai thầy địa lý đã bốc hài cốt của cụ Tổ để vào kiểu đất ấy (nay ở Kiều Sơn, xã Thanh Nê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá vẫn còn mộ). Chuyện kể rằng: Khi chọn kiểu đất ấy, hai anh em họ Hoàng tranh luận rất nhiều. Ngườì em nói: “Kiểu đất này chỉ phát đến công thần”. Người anh bảo: “Nếu đứt rồi lại phát có sao đâu, nhưng hiềm vì dòng suối dội thẳng vào tim, tiếng sóng gầm vang không dứt, đất sẽ phát lâu đời, tuy nhiều khanh tướng, nhưng e rằng không tránh khỏi nạn đạo kiếp (nạn giặc cướp), tai vạ toàn gia”. Người anh đưa thế đất ra thảo luận, người em xem tiếp rồi nói: “Không sợ! Được hình không bằng được thế. Anh mới xét bề mặt, chưa rõ căn nguyên. Đất này từ chiều hôm cho chí ban mai có muôn thác triều (chầu) về, từ sớm đến chiều có muôn dòng lui tới. Ban đêm như mặt trời soi bóng, ban ngày thanh sáng tựa ánh trăng. Sa cao tam trĩ triều lai, cận tiếp bình dương tác chuẩn . Đó là đất đời đời khanh tướng, thế thế công hầu, ngại gì đạo kiếp tai vạ toàn gia ! ”
Sau khi để ngôi đất ấy, dưới thời Trần, con cháu họ Đinh nhiều người hiển đạt, làm quan ở kinh đô. Sau này, do phản kháng Hồ Quí Ly chèn ép Vua Trần không thành, nhiều người trong Họ sợ liên lụy đã phải trốn tránh đi xa.
Nhân quốc sự triều Trần, có một ông họ Đinh tên là Thỉnh văn hay chữ giỏi, đã bỏ làng đến đất Đô Kỳ làm gia sư (thầy dậy học trong nhà) cho nhà họ Phạm, vừa để lương thân, vừa để chờ thời.
Lại nói về Đô Kỳ, khi ấy có một bà góa chồng quê ở làng Sang (nay xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), vì nghèo đói nên phải bế người con giá nhỏ sang Đô Kỳ làm thuê, cấy hái cho nhà ông họ Phạm để nuôi thân và nuôi con. Chồng đã chết, họ hàng thân thuộc không còn ai, dân làng Đô Kỳ không biết tên bà là gì, vì bà ở làng Sang nên dân làng cứ quen miệng gọi bà là bà Sang.
Vào một ngày tháng sáu, bà để người con gái ở nhà chủ và đi sang Đồng Ngày (nay là thôn Đa Phú xã Tây Đô) cấy lúa. Hôm đó, trời bỗng nổi mưa to gió lớn, chân tay bà tê cóng, bèn bò lên gò đất để tránh mưa gió, nhưng rồi bị chết ở đó. Hôm sau nhà chủ đi tìm, thấy đất mối đã phủ kín người bà, biết rằng trời đã chôn cất bà. Thời bấy giờ có thầy địa lý phúc kiểm đất này đã phê rằng: "Đấy là đất Tường vân bảo nguyệt, địa phát nữ tôn, nữ tằng vi Hậu (Mây lành trăng báu, đất phát cháu ngoại, phương Khôn có đống tròn làm ấn (con dấu), cháu gái phát lớn, chắt gái được phong Hoàng hậu)". Từ đó gò đất ấy có tên là Gò Bà Sang. Về sau mộ Bà xây thành hai tầng, tầng trên là lầu thờ, tầng dưới có xây vòm để trống, mắt trông thấy và sờ tay vào tới được lớp đất mối xông. Lầu có bức cuốn thư đề ba chữ: 生資德 Sinh Tư Đức (Sống nhờ đức). Và có đôi câu đối nhấn vào hai bên tường lầu:
奇地鍾靈傳自古 崇薹屹立日惟新
Kỳ địa chung linh truyền tự cổ.Sùng đài ngật lật nhật duy tân.
Nghĩa là:
Đất lạ khí thiêng truyền tự cổ.
Đài miếu đứng cao mới từng ngày.
Lúc đầu, xung quanh lầu lăng có một số gia đình họ Đinh ra đây làm nhà ở và trông nom mộ Tổ, thời gian sau số gia đình đông thêm, rồi có phần lãng quên nhiệm vụ chính là bảo quản phần mộ tổ tiên.
Sau khi bà Sang mất, ông chủ họ Phạm nuôi dưỡng con gái bà Sang làm con nuôi và đặt tên là Phạm Thị Gái. Hơn mười năm sau cô gái phương trưởng, ông bố nuôi họ Phạm gả cô con gái đó cho ông Đinh Thỉnh. Ít lâu sau, vợ chồng ông Đinh Thỉnh sinh được một con trai đặt tên là Đinh Tôn Nhân. Sau đó, gặp khi Hồ Quý Ly chèn ép Vua Trần, bởi nhớ quê và để tránh khỏi bị liên luỵ, ông Đinh Thỉnh cùng con trai là Đinh Tôn Nhân trở về quê cũ ở vùng Tam Trĩ. Sau đó, ông thấy đất Lam Sơn có vượng khí đế vương nên đã tìm đến nơi đó, cùng con trai theo giúp Vua Lê Lợi trong thời kỳ chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa chống xâm lược nhà Minh. Lê Lợi thấy cha con ông có nghĩa khí bèn nói với cha gả chị gái mình cho Đinh Tôn Nhân. Ông Đinh Tôn Nhân sinh được ba người con trai, đặt tên con trai cả là Đinh Lễ, con trai thứ hai là Đinh Bồ, con trai út là Đinh Liệt. Khi khôn lớn, ba anh em đã theo Lê Lợi tham dự hội thề Lũng Nhai (năm 1416), Lễ dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (năm 1418) chống quân xâm lược nhà Minh.
Sau Lễ dựng cờ khởi nghĩa, nghĩa quân đánh quân Minh ở Lạc Thuỷ (Thanh Hoá) rồi chuyển ra căn cứ Nghệ An. Ba ông cùng các tướng sĩ của Vua Lê Lợi đánh quân Minh, giải phóng cả miền Thanh Nghệ. Trong trận đánh ở Khả Lưu (nay thuộc huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), ông Đinh Bồ dẫm phải chông độc và hy sinh, được phong Quốc Công.
Suốt từ năm 1424 - 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến đánh quân Minh, giải phóng vùng đồng bằng và Tây Bắc. Đại quân chuyển từ Thanh - Nghệ tiến ra đánh giặc ở Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay). Bấy giờ ông Đinh Lễ giữ chức Tư Không (Phó Thủ tướng). Trong thời gian này, ông cùng các tướng của Vua Lê Lợi đã đánh thắng nhiều trận quan trọng, thắng lớn ở Ninh Kiều, Tốt Động, Chúc Động .v.v... (chỉ riêng trận Tốt Động, Chúc Động đại thắng, chém chết Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng cùng 5 vạn quân sĩ của nhà Minh, nước sông Ninh Giang bị tắc không chảy được vì giặc chết đuối rất nhiều, bắt sống được hơn một vạn tên giặc, thu khí giới nhiều vô kể), thừa thắng tiến lên vây đánh thành Đông Quan (Hà Nội). Ngày 8 tháng 3 năm Đinh Mùi (1427), trong trận đánh ở Tây Phù Liệt (thuộc huyện Thanh trì, Hà Nội ngày nay), Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân Thiết Đột tới ứng cứu cho Thái giám Lê Nguyễn theo lệnh của Vua Lê Lợi. Giặc Minh thua chạy, quân ta đuổi tới My Động (Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay). Vương Thông thấy hai ông ít quân lại không có quân tiếp ứng, bèn ép lại đánh, voi bị xa lầy, Đinh Lễ và Nguyễn xí bị giặc bắt đem về thành Đông Quan (Hà Nội). Nguyễn Xí bị giam, sau trốn thoát được. Còn ông Đinh Lễ không chịu khuất nên bị giặc sát hại. Vua Lê Lợi vô cùng thương xót và phong cho em ông, là Đinh Liệt chức Nhập Nội Thiếu Uý, tước Á Hầu. Đinh Liệt đang ở mặt trận Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay) được gọi về Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) ở bên Vua, chỉ huy đạo quân Thiết Đột.
Khi Liễu Thăng đem 10 vạn quân tiếp viện cho Vương Thông, Mộc Thạch đem 5 vạn quân từ biên giới qua Lào Cai tiến vào nước ta, Vua Lê Lợi sai Đinh Liệt và Lê Sát đem quân Thiết Đột cùng các tướng sĩ của Lê Lợi lên Lạng Sơn để chặn đánh. Tương truyền rằng: “Trước ngày ra trận, ông Đinh Liệt về quê ngoại Đô Kỳ thăm hỏi người thân, bái yến mộ Tổ ngoại và tế lễ cầu đảo ở đền thờ bà Cẩm Hoa (tướng của Hai Bà Trưng)”. Về sau nhân dân lập thờ ông Đinh Liệt bên đền thờ bà Cẩm Hoa. Trong đền thờ bà Cẩm Hoa có đôi câu đối:
Nghĩa Phụ Trưng Vương vong Bắc quốc.
Linh phù Đinh tướng phục Nam bang.
Dịch nghĩa:
Nghĩa khí phò Trưng Vương diệt vong Bắc quốc.
Hiển linh giúp Đinh tướng khôi phục Nam bang.
Ngày ông Đinh Liệt về thăm quê ngoại Đô Kỳ và Y Đốn, con cháu ông ở Thanh Hóa cũng về theo, rồi ở lại để mở mang làng mạc và trông mộ Tổ khi đất nước chưa sạch bóng quân Minh xâm lược. Do vậy, con cháu dòng họ Đinh đã hình thành trên đất Đô Kỳ và Y Đốn cho đến ngày nay.
Sau khi thăm viếng quê ngoại, ông Đinh Liệt kéo quân lên ải Chi Lăng chặn đường viện binh của giặc Minh, cùng các tướng trực tiếp chỉ huy chém chết tướng giặc là An Viễn Hầu Liễu Thăng ở núi Mã Yên, quân giặc thua to, ta thu được bằng sắc và ấn kiếm của hắn đưa về Bồ Đề. Vua sai người mang ấn kiếm của Liễu Thăng lên Lào Cai cho tướng giặc Minh là Thái Phó Kiều Quốc Công Mộc Thạch xem. Mộc Thạch thấy được, rất hoảng sợ, 5 vạn quân phút chốc tan vỡ tháo chạy và bị tiêu diệt. Mộc Thạch chỉ còn một mình một ngựa chạy về Trung Quốc. Sau đó Vương Thông ở Đông Quan cũng mở cổng thành ra hàng.
Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên năm thứ nhất (1428), cho luận công khen thưởng các Khai quốc công thần. Vua ban quốc tính (họ nhà Vua) và phong cho ông Đinh Liệt là Vinh Lộc Đại Phu, Tả Kim Ngô Đại Tướng Quân, tước Thượng Trí Tự; ban quốc tính và phong cho ông Đinh Bồ là Trung Lượng Đại Phu, Tả Phụng Thần Vệ Tướng Quân, tước Đại Trí Tự; ban quốc tính và phong cho ông Đinh Lễ là Trung Vũ Đại Phu, Câu Kiềm Vệ Tướng Quân, tước Trí Tự. Sau này, năm Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Lê Thánh Tông gia tặng ông Đinh Lễ là Thái Sư Bân Quốc Công và sau tấn phong là Hiển Khánh Vương. Năm Quang Thuận thứ Nhất (1460), vua Lê Thánh Tông phong cho ông Đinh Liệt chức Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Nhập Nội Thái Phó Á Quận Hầu, sau đó tấn phong ông là Thái Sư Lân Quốc Công và khi ông mất được tấn phong là Trung Mục Vương.
Ông Đinh Liệt là một trong những người có công đầu (Khai quốc Nguyên huân). Ông được ban chức Thái Tử Thái Phó, giúp Vua Lê Thái Tông cầm quyền. Khi ấy Thái Tông còn nhỏ tuổi trong triều đình có nhiều người xích mích với nhau. Ông cùng với các ông Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí cố gắng làm tròn mọi việc. Về sau, gặp chuyện Vua Lê Thái Tông bị đột tử ở vườn vải (vụ án Lệ Chi Viên), Nguyễn Trãi bị giết oan. Tháng 7 năm Giáp Tý (1444) ông và vợ con ông bị mẹ Vua Lê Nhân Tông là bà Nguyễn Thị Anh bắt giam dưới hầm sâu vì có kẻ vu cáo. Ông bị giam 4 năm trong lao hầm, còn vợ con ông còn phải sau hai năm nữa mới được tha ra. Ông một lòng vì dân vì nước nên không oán hận gì, vẫn tiếp tục giúp Vua còn nhỏ tuổi. Đồng thời ông bí mật chỉ thị cho con cháu họ Đinh ở Đô Kỳ, Y Đốn chuẩn bị lực lượng để dùng vào việc bất trắc xảy ra.
Sở dĩ phải xây dựng lực lượng này vì người vợ sủng ái nhất của Vua Lê Thái Tông là bà Nguyễn Thị Anh luôn luôn ghen ghét đố kỵ với bà vợ thứ của Vua là bà Ngô Thị Ngọc Giao đang có thai. Bà Nguyễn Thị Anh nhiều lần mưu toan ám hại bà Ngô Thị Ngọc Giao nhưng không thành, bèn cách tước vị Tiệp Dư (dưới hàng Phi) của bà Ngô Thị Ngọc Giao và cho ra ở chùa Huy Văn (khu Văn Chương, Hà Nội ngày nay), chờ bà Ngô Thị Ngọc Giao sinh đẻ, nếu là con trai thì liệu tính sau.
Khi bà Ngọc Giao bị giam lỏng ở đó, tướng quân Đinh Liệt đã đưa bà về quê ngoại ở Đô Kỳ - Y Đốn. Tương truyền rằng ông Đinh Liệt đã xây dựng căn cứ ở Đô Kỳ, công khai xây thành đắp luỹ ở đó, nhưng thực tế lại chuẩn bị cơ sở đưa bà Ngô Thị Ngọc Giao về làng Đún Ngoại (tức Ngoại Thôn, xã Y Đốn) sinh đẻ và lánh nạn. Khi võng cáng bà Ngọc Giao vừa tới cầu Tray nơi tiếp giáp giới hai huyện Duyên Hà và Thần Khê (đó là làng Chép thuộc xã Gia Lạp, huyện Duyên Hà và làng Sâm thuộc xã Mậu Lâm, huyện Thần Khê) thì bà trở dạ đẻ, không thể đi được nữa. Quân tướng đi theo hộ tống phải dừng lại quây màn cho bà sinh đẻ. Tới khi gần sáng vẫn chưa sinh đẻ, mọi người lo lắng, sợ triều đình truy đuổi. Bà Ngọc Giao thắp đèn hương vái trời đất cho sinh đẻ, nếu không thì cho chết để khỏi lụy đến mọi người. Bài văn khấn có câu mà tới nay người dân Đô Kỳ - Y Đốn vẫn còn truyền tụng là:
Có phải con mẹ, con cha
Thì sinh ở đất Duyên Hà - Thần Khê.
…………….
Nhược rằng bác mẹ chẳng sinh,
Thì quăng ra đất Vạn Ninh cho rồi.
(Vạn Ninh: chỉ nơi yên lặng muôn thủa, tức là bãi tha ma nghĩa địa).
Lời khấn vừa dứt thì bà Ngọc Giao sinh được một con trai, đặt tên là Lê Tư Thành, sau này là Hoàng Đế Lê Thánh Tông. Mọi người mừng rỡ, vào làng Sâm tìm được một bà đang nuôi con thơ tới cho Hoàng Tử bú và đưa mẹ con bà Ngọc Giao về Ngoại thôn xã Y Đốn (trong Lịch Triều Hiến Chương loại chí, Quyển XI trang 254 của Phan Huy Chú viết: “Đinh Liệt đón Lê Thánh Tông lên ngôi ” không nói đón từ đâu. Tại đây có phần mộ hai bà nhũ mẫu này, ngày nay vẫn còn ở Đường Vuông thuộc xứ đồng Bà Lễ, gần Đầu Cừ (trong lăng họ Đinh), xã Bình Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà mẹ cho Hoàng Tử bú lúc mới sinh ra được thờ ở làng Sâm, nhân dân gọi đền thờ ấy là đền Bà Vú Sữa.
Chùa Đô Kỳ - Điện thờ Quốc mẫu Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (Liên quan đến Vua Lê Thánh Tông và Thái sư Đinh Liệt)
Họ Đinh ở Y Đốn nuôi Thánh Tông từ thuở lọt lòng và số danh nhân của dòng Họ đã kế tục được truyền thống của các thế hệ phò tá triều Lê, nêu cao tấm gương trung dũng, nên từ đường họ Đinh tới nay vẫn còn ba đôi câu đối đắp vữa trên các hàng cột như sau:
Đôi thứ nhất:
國史留碑地繼瑞亭湯沐邑
神州興讓名馳美里裔遺香
Quốc sử lưu bi, địa kế Thụy đình thang mộc ấp,
Thần Châu hưng nhượng, danh trì Mỹ lý duệ di hương.
Nghĩa là:
Quốc sử lưu bia đá, ấp thang mộc nơi đây kế tiếp với đất Thụy.
Huyện Thần khôi phục ngôi Vua, danh vang làng Mỹ nay còn thơm đến cháu con.
(Thụy: Huyện Thụy Nguyên, nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, là quê Vua Lê Lợi. Ấp thang mộc: Thang mộc nguyên nghĩa là tắm rửa; ấp thang mộc là nơi nuôi Vua khi mới sinh ra, cũng là đất phong cho quý tộc).
(Thần: Huyện Thần Khê; Mỹ: Sách Mỹ Lâm, huyện Thụy Nguyên, quê hương của các ông Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt).
Đôi thứ hai:
護國庇民平北寇除邪輔政顯丁門
Hộ Quốc tý dân bình Bắc khấu.
Trừ tà phụ chính hiển Đinh môn.
Nghĩa là:
Giữ nước giúp dân, dẹp yên giặc Bắc,
Trừ tà phò chính, rạng rỡ họ Đinh.
Đôi thứ ba:
翊扶中運光前史欽嶺皇恩裕後昆
Dực phù trung vận quang tiền sử,
Khâm lĩnh hoàng ân dụ hậu côn.
Nghĩa là:
Giúp khôi phục ngôi vua, ngời sáng sử trước.
Vâng mệnh nhận ơn vua, rạng rỡ cháu con.
(Trong quyển Đinh Tộc Thế Phả, có chép cả bằng chữ Hán của các câu đối trên).
Hai cây thị cổ hơn 500 tuổi làng Đô Kỳ, xã Đông Đô, tương truyền do Lê Tư Thành trồng
Đến khi trưởng thành, Lê Tư Thành sang Đô Kỳ ở và xây dựng doanh trại ở đó, nhờ vào chùa để làm việc. Cổng vào doanh trại trồng hai cây thị để làm cột cổng, hiện nay hai cây thị này đã sống được hơn 600 năm vẫn còn, tỉnh giao cho xã và dòng họ bảo quản.
Ở Thăng Long, nghe tin xây thành đắp lũy ở Đô Kỳ, bà Thái hậu Nguyễn Thị Anh sai quan về thanh tra khám xét. Quan quân về đến nơi chỉ thấy thành lũy bỏ không, ở giữa một ngôi chùa cổ. Quan Khâm sai cũng phải thảng thốt rằng: “Quả là một kỳ đô!” cho nên địa danh “ Đô Kỳ ” có từ đấy.
Trong lúc ông Đinh Liệt xây dựng lực lượng ở Đô Kỳ thì Lê Nghi Dân đã cùng bọn quyền thần như Phạm Đồn, Phạm Ban và Trần Lăng giết Thái hậu Nguyễn Thị Anh và Vua Lê Nhân Tông (em của Nghi Dân) để cướp ngôi Vua. Đinh Liệt cùng Nguyễn Xí đã lãnh đạo các quan đại thần diệt trừ bọn Đồn, Ban, Lăng, truất bỏ Nghi Dân và đón Tư Thành về Thăng Long lên ngôi Vua, tức là Hoàng đế Lê Thánh Tông. Xét về công lao phò giúp Lê Thánh Tông lên ngôi Vua, ông Đinh Liệt được xếp vào hàng đầu (sau khi ông Đinh Lễ hy sinh, con gái của ông Đinh Lễ là bà Đinh Thị Ngọc Kế làm con nuôi chú ruột là ông Đinh Liệt. Ông Đinh Liệt gả Ngọc Kế cho con trai tướng quân Ngô Bội là Ngô Từ. Thái Uý Diêm Ý Dụ Vương Ngô Từ sinh ra Ngô Thị Ngọc Giao. Bà Ngô Thị Ngọc Giao sinh ra Vua Lê Thánh Tông và bà được phong là Hoàng Thái hậu).
Sau khi Vua Lê Thánh Tông đánh thắng Chiêm Thành, Hoàng Thái hậu về thăm mẹ là bà Đinh Thị Ngọc Kế ở Sáo Đền - An Lão (thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày nay) và về bái yến phần mộ Tổ ngoại họ Đinh là mộ bà Sang ở gò bà Sang tại Đô Kỳ. Trở về kinh đô, Hoàng Thái Hậu nói cho Vua biết ý định của bà xây hai ngôi đền thờ tổ tiên họ ngoại: Một ngôi ở Đô Kỳ và một ngôi ở Sáo Đền. Vua ra lệnh làm ngay theo ý của Hoàng Thái Hậu. Đền ở Đô Kỳ gọi là Dụ Phúc Điện, dân ở đây gọi là đền thờ bà Quốc Mẫu, bên trong thờ các Vua Lê và Hoàng Thái Hậu Ngọc Giao, cho Tổ họ Đinh và Tổ họ Ngô phối hưởng. Dụ Phúc Điện nay không còn nữa. Đền ở An Lão gọi là Đốc Hữu Điện. Hoàng Thái Hậu Ngọc Giao sai Công chúa Bảo Thánh hàng năm phải về lo cúng giỗ họ ngoại ở hai nơi này. Thái Hậu sai ông Đinh Thế Biểu là cháu nội ông Đinh Liệt về ở Đô Kỳ, giao cho 27 mẫu ruộng để lo việc thờ cúng tổ tiên; lại sai ông Đinh Vĩnh Thái là con ông Đinh Lễ về Sáo Đền ở và giữ 100 mẫu ruộng để lo liệu hương hoả phụng thờ.
(Theo ông Đinh Khắc Lưu, trưởng họ Đinh ở Đô Kỳ cho biết: Dụ Phúc Điện đã bị phá rỡ để lấy gạch ngói xây trụ sở Ủy ban hành chính xã. Nền Dụ Phúc Điện trở thành nền của Ủy ban Nhân dân xã Đông Đô (Đô Kỳ cũ), huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay).
Sau này, khi về trí sĩ, ông Đinh Thừa Cận (đời thứ 8) có lúc đã về Sáo Đền, An Lão. Mộ ông để ở Hòa Trai (làng Hò) xã Hoành Mỹ (nay là xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà), con cháu có người ở đó trông nom lăng mộ của ông gọi là Lăng Thuý Quận Công. Sau này, con cháu họ Đinh cũng về ở Sáo Đền, An Lão (nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Do vậy, từ đường họ Đinh và lăng mộ Dương Quận Công Đinh Phúc Diên (đời thứ 9) ở đó, hình thành một chi phái của dòng họ Đinh ở Sáo Đền, An Lão (nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Do vậy, từ đường họ Đinh ở Sáo Đền, An Lão còn có câu đối:
Đồng bào tam Quốc Công, quán Đô Kỳ thiên Thuý Cối, biệt cư An Lão trang, đức trạch thần thai kim tử tính.
Nhất đường nghĩa đại phúc, thế tướng tể tế hầu vương, biểu tôn Hoàng Thái Hậu, Đinh thanh nhân ngưỡng cổ trung hiền.
Nghĩa là:
Anh em ruột ba Quốc Công, quê ở Đô Kỳ rời sang Thuý Cối biệt ra ở trang An Lão, ân đức nòi thần truyền cho con cháu đến ngày nay.
Phúc một nhà đời đời có nghĩa, dòng dõi tướng được phong vương hầu, cháu ngoại Hoàng Thái Hậu, từ cổ xưa đã kính mến sự hiền trung của họ Đinh nhân nghĩa sáng trong.
Vào những năm 1480 -1485 thời Vua Lê Thánh Tông, ông Đinh Thế Vĩnh từ huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá ra Đô Kỳ ở rồi sinh được một người con trai tên là Đinh Công Khánh, sau sang Ngoại Thôn (Làng Đún Ngoại) đổi tên là Đinh Bá Đỉnh.
Ở Hòa Trai (làng Hò), xã Hoành Mỹ, vào thời Vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông (1557 - 1599) ông Đinh Phúc Vận được phong tước Nam Quận công vào thời Vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông (1557-1599). Ông Đinh Phúc Vận đóng quân trên đất Hoà Trai, bảo vệ luỹ Việt Yên, đánh nhau với quân nhà Mạc. Con trai ông là Đinh Thừa Cận và cháu nội ông là Đinh Phúc Diên phò tá các Vua Lê Thế Tông, Lê Thần Tông và Chúa Trịnh Tùng, Trịnh Tráng (1573 - 1643), có nhiều công lao đánh giặc, diệt Mạc nên được phong ấp ở Sáo Đền và Y Đốn (Thái Bình), Cẩm Giàng (Hải Dương). Chúa Trịnh thưởng hai Kim Bài (thẻ vàng) cho hai ông Đinh Phúc Vận và Đinh Phúc Diên.
Vào những năm 1627, ông Đinh Phúc Diên đã xây dựng từ đường họ Đinh ở Ngoại thôn, xã Y Đún và đặt đất làm hai khu lăng dành riêng để chôn cất các bậc công thần họ Đinh (từ chức Lãnh Binh trở lên), cũng có tên là Lăng công thần họ Đinh trên đất Y Đốn (xưa hay gọi là khu cấm địa, các họ khác không được phép mai táng ở đây). Khu lăng gồm hai lô đất hình vuông gọi là Đường Vuông:
- Khu lăng thứ nhất ở xứ Bà Lễ, sát đầu cừ (con ngòi) diện tích khoảng 15m x 15m gọi là lăng Đường Vuông xứ Bà Lễ. Ở đây có hai ngôi mộ của hai bà họ Đinh là nhũ mẫu của Vua Lê Thánh Tông.
- Khu lăng thứ hai ở sau Vượt, nên có tên là Đường Vuông sau Vượt. Tương truyền ở đây có ngôi mộ cụ tổ họ Đinh đầu tiên về ở làng Đún Ngoại. Tại đây có phần mộ của các ông Đinh Phúc Liên, Đinh Thuần,… có người còn nói rằng mộ ông Đinh Thế Khoan cũng ở đây.
Sau khi đã định cư tại Y Đốn, ông Đinh Phúc Liên cùng con cháu ông Đinh Thế Khoan làm sớ tâu Vua Lê về công tích của tổ tiên. Năm 1714, Vua Lê Dụ Tông phong tặng ông Đinh Lễ một đạo sắc. Năm 1730, Vua Lê Đế Duy Phường phong tặng ông Đinh Liệt một đạo sắc. Tới năm 1783 Vua Lê Hiển Tông lại phong tặng hai đạo sắc cho hai anh em ông Đinh Lễ, Đinh Liệt và ban sắc lệnh cho nhân dân Ngoại Thôn, xã Y Đốn thờ hai ông làm Phúc Thần và cũng sắc phong cho hai ông làm Thành Hoàng ở địa phương này. Năm 1784 chúa Đoan Nam Vương Trịnh Khải phong chức Phó Đội Trưởng cho ông Đinh Do và điều ông về làm việc ở phủ Chúa.
Sau này nhà sử học Lê Quý Đôn đã đưa công lao thành tích của họ Đinh vào Đại Việt Thông sử, nói rõ về con cháu họ Đinh ở xã Y Đốn, tổng Y Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình ngày nay.
Sang thời nhà Nguyễn, năm 1924 Vua Khải Định phong hai ông Đinh Lễ và Đinh Liệt làm Trung Hưng Trung Đẳng Thần và ông Đinh Phúc Diên làm Trung Hưng Tôn Thần, ra lệnh cho nhân dân địa phương thờ phụng các ông làm Phúc hần của Ngoại Thôn, xã Y Đốn, tỉnh Thái Bình.
Suốt thời kỳ nhà Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc, con cháu họ Đinh ở đây không ai thi cử hoặc cộng tác với triều Nguyễn và làm việc cho Pháp. Tương truyền rằng khi Nguyễn Gia Long (1802 - 1820) lên làm vua, sai sứ mang chiếu chỉ về địa phương này mời con cháu họ Đinh ra làm việc, không ai trong họ nhận lời, có người còn ghi trong chiếu chỉ: “Tri Lê triều, bất tri Nguyễn triều ” (biết triều Lê, không biết triều Nguyễn). Vì thế, nhà Nguyễn phê mấy chữ: “Đinh thị bất đắc ứng thí ”(họ Đinh không được dự thi).
Trước khi ông Đốc Nhưỡng (tên là Đinh Khắc Nhưỡng, còn có tên khác là Đinh Quang Nghĩa) nổi lên xây dựng căn cứ chống giặc Pháp ở Đô Kỳ, hàng năm đại diện dòng họ Đinh ở Thanh Hoá vẫn ra thăm hỏi chi phái họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn, nhưng từ sau sự kiện ông Đốc Nhưỡng đánh Pháp thì cái lệ đó cũng bị lãng quên đi. Khi giặc Pháp xâm chiếm Thái Bình, ở Đô Kỳ có cai tổng tên là Đấm liên hệ với giặc Pháp muốn xây dựng tỉnh lỵ Thái Bình ở đất Đô Kỳ. Pháp đã quyết định cho cai tổng Đấm làm tri huyện. Ông Đinh Khắc Nhưỡng đã tổ chức giết chết cai tổng Đấm trong đêm hắn tổ chức khao vọng với bọn hào lý địa phương.
Từ sau ngày hai căn cứ của ông Thành Thà ở Đô Kỳ và làng Phươn bị tan vỡ do có kẻ làm phản (Thành Thà tức Nguyễn Thà hay Nguyễn Khả được Vua Hàm Nghi phong chức Thủ uý thành Nam Định rồi được phong chức Phó Lãnh Binh, nên được gọi là Thành Thà, sau khi thành Nam Định thất thủ ông quay về làng Phươn và làng Bổng xây dựng căn cứ và phối hợp với ông Bang Tốn đánh Pháp...), ông Đốc Nhưỡng chạy sang Hưng Yên phối hợp với ông Đốc Tít và ông Thương Lương (con ông Thành Thà) ở căn cứ Bãi Sậy, tổ chức lực lượng rải suốt từ Thái Bình, Nam Định lên đến Sơn Tây. Ông Đốc Nhưỡng bị Pháp bắt ở Sơn Tây năm 1892. Sau khi ông Đốc Nhưỡng bị bắt, một số con cháu họ Đinh ở Đô Kỳ -Y Đốn trước đây đi theo ông Đốc Nhưỡng xây dựng lực lượng chống Pháp đã phải phân tán đi nhiều nơi, có người phải lánh ra tới đất Hải Dương. Lại có một số người ở đây như ông Đinh Danh Giảng… đi theo phong trào của ông Bang Tốn (tức Nguyễn Tốn, người làng Phươn, xã Y Đốn được triều đình phong chức Bang Biện Quân vụ, nên gọi là Bang Tốn), nhưng phong trào này ít lâu sau cũng bị dập tắt.
Ông Đốc Nhưỡng là một trong những người con ưu tú của dòng họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn và cũng là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào Cần Vương đánh pháp thời bấy giờ. Ông đã kế tiếp được truyền thống cứu nước chống giặc ngoại xâm của tổ tiên tự thuở đánh giặc Minh. Từ đó, dòng họ Đinh ở Đô Kỳ -Y Đốn không ai làm quan cho giặc. Đối với ngôi thứ trong làng cũng nhiều người không nhận, như ông Đinh Danh Khì được dân quý mến bầu làm Xã Sử cũng từ chối không làm, lấy cớ nhà nghèo không có tiền làm khao vọng. Trong thời Pháp thuộc, có một số trường hợp con cháu họ Đinh ở Y Đốn làm Lý trưởng, Chánh tổng thì cũng nhằm bảo vệ con cháu và giữ gìn dòng họ; hoặc có người được gọi là “ông Lý bà Cai, bà Xã …” thì cũng là cái “chức danh mua” để tránh việc phu phen tạp dịch phiền nhiễu và để đương cai việc tế lễ đình đám của làng mà thôi.
Vì không chịu khuất phục triều đình nhà Nguyễn và không chịu theo Pháp, con cháu họ Đinh ở Đô Kỳ -Y Đốn nhiều người nghèo khó, phải di cư tản mát đi nhiều nơi để làm ăn sinh sống, một số người trong họ bảo nhau: “Đói ra Bắc, chạy giặc vào Nam” đã thiên cư đến một số nơi như Hải Dương, Phả Lại, Chí Linh (Ngô Đồng, Thiên Ngái ), v.v… Họ tên của vua nhà Nguyễn có lót chữ “Phúc”, con cháu họ Đinh ở Y Đốn cũng đổi chữ lót “Phúc” mà lấy chữ lót là “Danh”, và họ Đinh ở Y Đốn gọi là họ Đinh Danh để tránh tai mắt của thế lực đương thời.
Từ đời thứ 19, trong Họ có tranh luận về câu: “Quốc công hầu, dân xã tổng lý ” nghĩa là: “Ở triều đình phải làm đến công hầu khanh tướng, ở làng xã phải làm Chánh tổng, Lý trưởng”. Sau ngã ngũ là phải có ngôi thứ trong dân để bảo vệ di tích của tổ tiên và bảo vệ con cháu. Từ đời này trở đi Phái thứ nhất và Phái thứ ba đã có người ra làm Chánh tổng, Lý trưởng để cùng các họ khác trong làng xã giải quyết mọi việc ở đình trung và cũng để bảo vệ, giữ gìn con cháu và dòng Họ.
*
* *
Họ Đinh ở Y Đốn từ đời thứ 15 đến nay đã hình thành 3 Phái, mỗi Phái thờ một ông Tổ là các ông Đinh Phúc Thuần (Đinh Thuần - Phái thứ nhất), ông Đinh Phúc Thời (Đinh Thời - Phái thứ hai), Ông Đinh Phúc Nghiêm (Đinh Nghiêm - Phái thứ ba), Ba Phái cùng thờ ông Tổ chung ở đời thứ 14 là Ông Đinh Nhân Hậu, cùng thờ ông Thuỷ Tổ là ông Đinh Thỉnh, các ông Tổ Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt và các Tổ khác của dòng họ Đinh ở Y Đốn - Đô Kỳ, Thái Bình.Từ đời thứ nhất đến đời thứ 16, họ Đinh ở Đô Kỳ -Y Đốn liên tục có người ra làm quan ở trong triều, đã đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Đất nước và bảo vệ Tổ Quốc. Do đó đã có nhiều người được phong tặng chức tước cao (chỉ mới kể những người ghi chép được trong Đinh Tộc Thế Phả này):
* Bốn vị được phong tước Đại Vương:
1. Ông Đinh Thỉnh: Mục Huệ Đại Vương
2. Ông Đinh Lễ: Hiển Khánh Đại Vương - Thượng Đẳng Phúc Thần,Trung Hưng Trung Đẳng Phúc Thần - Phúc thần của Ngoại thôn xã Y Đốn, tỉnh Thái Bình.
3. Ông Đinh Bồ : Linh Cảm (Uy Dũng) Đại Vương. Trung Đẳng Phúc Thần của xã Phúc Điền, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
4. Ông Đinh Liệt : Trung Mục Đại vương- Thượng Đẳng Phúc Thần, Trung Hưng Trung Đẳng Phúc Thần - Phúc thần của Ngoại Thôn xã Y Đốn, tỉnh Thái Bình.
*Hai vị được phong tước Quốc Công:
1. Ông Đinh Tôn Nhân : Hùng Quốc Công
2. Ông Đinh Thế Khoan : Triệu Quốc Công.
* Ba vị được phong tước Quận Công:
1. Ông Đinh Phúc Vận : Nam Quận Công.
2. Ông Đinh Thừa Cận : Thuý Quận Công.
3. Ông Đinh Phúc Diên : Dương Quận Công - Trung Hưng Tôn Thần, Phúc Thần của Ngoại Thôn, xã Y Đốn, tỉnh Thái Bình.
* Hai mươi bốn vị được phong tước Hầu:
1. Ông Đinh Trung : Tước Hầu.
2. Ông Đinh Huệ : Tước Hầu.
3. Ông Đinh Vĩnh Thái : Trung Nghĩa Hầu
4. Ông Đinh Công Đột : Văn Thẳng Hầu
5. Ông Đinh Công Minh : Lương Nghĩa Hầu
6. Ông Đinh Tiến Lộc : Triêu Dương Hầu
7. Ông Đinh Khắc Thận : Mỹ Lâm Hầu
8. Ông Đinh Nhân Thực : Lễ Toàn Hầu
9. Ông Đinh Thế Biểu : Sùng Thiện Hầu
10. Ông Đinh Thế Hoàn : Hoằng Tuy Hầu
11. Ông Đinh Trọng An : Trinh Nghị Hầu
12. Ông Đinh Tịnh : Bái Dương Hầu
13. Ông Đinh Tấn : Tước Hầu
14. Ông Đinh Thế Vinh : Tước Hầu
15. Ông Đinh Công Kiệt : Tước Hầu
16. Ông Đinh Công Xiêm : Đặng Xá Hầu
17. Ông Đinh Phúc Tiến : Khuông Cầu Hầu
18 Ông Đinh Phúc Tuyển : Vũ Toàn Hầu
19 Ông Đinh Phúc Đạt : Phan Lộc Hầu
20. Ông Đinh Phúc Liên : Trí An Hầu
21. Ông Đinh Văn Chất : Triệu Vũ Hầu
22. Ông Đinh Văn Tài : Kiên Dũng Hầu
23. Ông Đinh Văn Chuyên : Tước Hầu
24. Ông Đinh Văn Nghi : Khôi Thọ Hầu
*Hai vị được phong tước Bá:
1. Ông Đinh Công Hiến : Triệu Xương Bá.
2. Ông Đinh Văn Giám : Điền Phương Bá
Dòng họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn từ hội thề Lũng Nhai phò Vua Lê Lợi khởi nghĩa đánh thắng quân Minh xâm lược đến ông Đinh Do (đời thứ 16) được gọi về Kinh giữ chức đội Phó Đội trưởng đã luôn luôn cùng họ Lê gắn bó với vận mệnh của Đất nước. Đến khi Nguyễn Phúc Ánh lên làm vua, con cháu họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn cũng không vì giàu sang mà quyên lãng lời thề của tổ tiên ở hội thề Lũng Nhai. Trong lúc khó khăn nguy hiểm, con cháu họ Đinh ở Y Đốn lại đổi chữ lót từ chữ “Phúc” ra chữ “Danh” để tránh tai mắt của thế lực đương thời (vì họ của vua Nguyễn có chũ lót là chữ “Phúc”).
Từ cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ, con cháu họ Đinh ở các xã Bình Lăng huyện Hưng Hà, Minh Tân và Lô Giang huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống đánh giặc cứu nước và công cuộc xây dựng Đất nước hoà bình, thống nhất, văn minh và giàu đẹp, nhiều con cháu họ Đinh đã có mặt ở tuyền tuyến chống quân xâm lược và trên các lĩnh vực xây dựng kinh tế, chính trị, khoa học, văn hoá và xã hội. Mới tính sơ bộ Nhà nước phong tặng hơn 150 huân chương và huy chương các loại cho con cháu họ Đinh ở các xã Bình Lăng, Minh Tân, Lô Giang, chưa kể các huân, huy chương trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; đã có 16 người là Liệt sĩ hy sinh cho Đất nước. Trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hoá và xã hội, nhiều người trong dòng họ Đinh ở các xã Bình Lăng, Minh Tân và Lô Giang đã và đang tham gia các công tác ở nhiêu ngành từ trung ương đến cơ sở xã thôn, nhiều người là cán bộ trung cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan trong lực lượng vũ trang, là cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, giám đốc, giáo viên… đã có nhiều cống hiến tốt đẹp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Biên soạn và đưa tin: ĐINH XUÂN VINH