Đền Gôi Mỹ thờ 4 vị Phúc thần họ Đinh Nho: Tư liệu và chứng cứ

Đinh Nho Anh

Thành viên mới
Đền Gôi Mỹ thờ 4 vị Phúc Thần họ Đinh Nho: Tư liệu và chứng cứ

Ta hãy bắt đầu đọc cuốn "Đại Việt Sử Ký toàn thư", tập 1, trang 103 :
"Biểu dương người xã Do Lễ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là vợ bé Đinh nho Hoàn. Đinh Nho Hoàn đi sứ phương Bắc, chết dọc đường. Sau khi đưa về chôn cất, Phan thị thương nhớ tự thắt cổ chết. Việc này đến tai Triều đình. Sai quan cấp cho ruộng thờ, tặng phong là: "Á thận nhân", lập đền thờ và ban cho bảng vàng khắc 2 chữ "Tiết phụ" để biểu dương".

(Phan thị tên là Phan thị Viên). Tháng 10, mùa đông ,năm Đinh Dậu(1717)

Đền thờ bà chính là đền Gôi Mỹ (trước gọi là Gôi Vị) nay là ở xã Sơn Hòa huyện Hương Sơn.
Bản Triều gia phong: "Lương Tịnh Thục Diệu Nhàn Uyển Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Phúc Thần".
Như vậy "lí do" nhà vua phong tặng là đơn giản "tuẫn tiết theo chồng"! Thực ra đọc gia phả của Họ Đinh nho Hương sơn phần ghi chép về bà còn rất nhiều, hội tụ đủ đức tính của 1 người phụ nữ thời phong kiến: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

Xuất thân trong 1 gia đình con viên thủ bộ (chuyên giữ sổ sách, giấy tờ cho huyện), cha lại bị án oan sau được Ngài Đinh Nho Công (cha chồng bà là Đinh Nho Hoàn sau này) tra xét giải oan cho 2 mẹ con bán hàng nước ở Thăng Long kiếm sống thế mà bà giỏi thơ phú, hiểu lễ nghĩa như là xuất thân trong 1 gia đình nền nếp vậy!

Hãy điểm qua 1 vài tính cách của bà lúc sinh thời: Khi về làm vợ bé ông Hoàn bà tỏ ra hiếu kính với bà cả, thủy chung với chồng. Lúc chồng đi Sứ bà đã động viên chồng làm tròn phận sự. Chia tay ở Trạm Lữ Côi (Gia Lâm ngày nay), Bà nói với chồng: "Thiếp nghe nói kẻ đại trượng phu không được làm quan tướng mà được làm quan sứ, lấy miệng lưỡi mà dẹp yên việc nước cũng là sự hay. Xin quân tử giữ lòng trung trinh cho được như các quan sứ lành đời trước, đừng lấy cớ vợ con mà quan hoài". Bà còn làm 10 bài thơ tặng chồng để ngâm vịnh lúc xa nhà, tiếc rằng gia phả chỉ còn ghi lại được 3 bài. Trong 3 bài đó có những câu lược dịch như sau: Ngài đừng vì thiếp là vợ trẻ mà quan hoài. Ngài hãy mang cho được 2 chữ Lương Trung về thì hơn. Hoặc như câu: "Thành thị hôm nay là bầu trời nước Nam, áo mũ ngày khác đã là triều nước Tàu rồi. Phận sự Ngài đi sứ là như mặt trời nóng, gió thu lạnh. Còn về phận thiếp trẻ trung cũng không muốn ai quan hoài".

Sau khi chia tay bà về ở chung với bả cả hết mực khiêm nhường. Đến lúc hay tin chồng mất, bà vẫn bình tĩnh, và trước hôm tuẫn tiết theo chồng bà đã viết 3 lá thư: 1 bài điếu khóc chồng, 1 bài gửi mẹ, 1 bài gửi bà cả (tất cả đều được viết bằng chữ Hán kể cả những bài thơ tặng chồng–xin xem gia phả sẽ rõ). Đặc biệt trong thư gửi bà cả có câu biện minh lí do bà phải ra đi thật hợp lẽ nhưng cũng thật chua xót:

"Đốt hương khói ở nơi Miếu Tổ bà phải còn chăm sóc việc cúng cơm.
Sửa áo xiêm chầu Đức Ngọc Hoàng thiếp không thác lấy ai hầu hạ".
Sau này đền Gôi còn được thờ 3 vị Phúc thần nữa là:
*Tiến sĩ Đinh Nho Công (cha Đinh Nho Hoàn)-Anh Nghị Đại Vương Doan Túc Dực Bảo Trung Hưng Phúc Thần.
*Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn-Đắc Đạt Đại Vương Tuấn Lương Lượng Trực Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Phúc Thần.
*Tổng binh Hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn (em Đinh Nho Hoàn)-Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Phúc Thần.

Tấm gương sáng chói của bà Phan thị và những đóng góp cho dân cho nước của các vị phúc thần được ghi đầy đủ trong Gia phả của dòng họ và đang lan toả chẳng những trong con cháu nội tộc qua nhiều thế hệ mà cả trong nhân dân quanh vùng. Do đặc điểm về kiến trúc của đền và những đóng góp to lớn của các vị thần thờ trong đền mà năm 2008 Đền Gôi Mỹ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đáng tiếc là sau bao biến cố lịch sử, đền Gôi Mỹ đã xuống cấp nghiêm trọng: đồ tế khí bị hư hỏng mất mát, khảm thờ bị mối xông, nhà Hữu Vu bị dùng làm nhà hội quán của xóm, cổng vào tường bên trái bị đổ bậc ,cửa Thượng điện bi gãy mộng, cánh cửa thì xộc xệch ...v...v... Thế nhưng từ ngày di tích được công nhận lại nay đã 4 năm nhưng trên chỉ "quan tâm" cấp kinh phí sửa chữa 1 lần rất bọt bèo (hình như là 50 triệu VNĐ thì phải!). Xã có hỏi thì trên bảo chưa có dự án sửa chữa trình lên để trên duyệt! Thậm chí ngày lễ, tết cũng chẳng có cho 1 thẻ hương để thủ từ nhang khói!

Những cổ vật quý còn sót lại là: Chiếc Khánh Mặc Trai do cụ Hoàn thuê thợ làm năm Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh thịnh triều Lê (1712) nhưng nay giá đỡ đã bị mòn và lún, 2 con voi đá, riêng 2 con chó đá thì bị vứt ở rảnh nước kề bụi tre bên góc đền!

Đặc biệt có 1 hiện vật cổ mà không ai quan tâm-kể cả các nhà nghiên cứu, đó là chiếc Am xây bằng gạch vồ ở phía sau Đền. Tương truyền đây là vị trí mà bà Tiết phụ đã treo cổ tuẫn tiết theo chồng? Hiện tại Am tháp đã bị cỏ, cây dại mọc đầy, gạch vữa nhiều chổ đã bị bong, rơi vỡ, nhưng vì nằm khuất phía sau Đền nên chẳng ai biết và quan tâm! Nếu có nhà Khảo cổ nào đến nghiên cứu thì chắc chắn sẽ biết được niên đại của gạch xây tháp đó! Có thể minh chứng cho sự tồn tại cái Am này: Trong thượng điện của đền có đôi câu đối: Nhất môn tác thuật xướng tùy, phong thanh trường tại, Thiên cổ tháp am bi khánh, pháp vật như tân!
Còn trong bài thơ ca ngợi 4 vị phúc thần (thường gọi là bài Tán) của cụ Đinh Nho Tĩnh (hiệu Hy Tăng-đời thứ 13 của dòng họ còn cụ Hoàn là đời thứ 8) có câu:


Dựng Am Tháp mấy tòa tịnh túc

Đặt tự điền hương bộc phân canh

Rỏ ràng bi ký khánh minh

Để cho con cháu tuân hành lưu xa!



Kết thúc bài viết này xin được chốt lại một ý khẳng định là Đền Gôi khi được sắc phong lập thờ cho bà Phan Thị Viên (dân trong vùng thường gọi tắt cho dễ nhớ là "Đền Bà Tiết") nhưng sau đó thờ thêm 3 vị phúc thần của họ Đinh Nho là: Đinh Nho Công (cha chồng), Đinh Nho Hoàn (chồng) và Đinh Nho Côn (em chồng). Trong lịch sử dòng họ thật hiếm có 1 gia đình gồm cha, 2 con, dâu đều là Phúc Thần! Cũng trong bài Tán của cụ Tăng nói trên còn có câu:

Trên hộ nước ,dưới che dân

Một nhà bốn vị Phúc thần! Vinh bao!





Tiết thanh minh Nhâm Thìn 2012

Đinh Nho Quỳ

 

Những đính kèm

  • IMG_021111_0122A.jpg
    IMG_021111_0122A.jpg
    19 KB · Xem: 252
  • IMG_021111_0123A.jpg
    IMG_021111_0123A.jpg
    24.3 KB · Xem: 212
  • IMG_021111_0117A.jpg
    IMG_021111_0117A.jpg
    24.5 KB · Xem: 225
  • IMG_021111_0124A.jpg
    IMG_021111_0124A.jpg
    26.6 KB · Xem: 219
  • IMG_021111_0119A.jpg
    IMG_021111_0119A.jpg
    18.5 KB · Xem: 221
Last edited:
Top