Đi tìm nguồn gốc họ Đinh

dinhvanbinh

Moderator
5514625732_11ac60f432.jpg



Tư liệu Gia phả

(Trích trong phần “Bài tựa gia phả họ Đinh ” trong cuốn Đinh tộc gia phả Hàn Giang, Hải Dương, NXB Thế Giới 2003).

Các con của Tứ Nhạc (bề tôi của Vua Nghiêu) phò tá vua Vũ (vua mở ra nhà Chu. Vào thời vua Nghiêu, ông nối nghiệp cha tiến hành trị thủy thành công chín dòng sông ở Trung Hoa, được phong cho nước Hạ, sau được vua Nghiêu truyền ngôi cho), góp phần công lao vào việc trị thủy nên được tập phong làm Hầu quốc. Khi nhà Hạ mất, họ này bị giáng xuống làm thứ dân, trải suốt đời nhà Thương, cho đến khi Khương Tử Nha (Khương Tử Nha: Họ Lã, tên Vọng, thường câu cá ở bờ sông Vị, sau được vua Văn Vương nhà Chu vời về triều làm thày dạy cho Vũ Vương. Ông có công phò giúp Vũ Vương đánh thắng nhà Ân, được phong nước Tề, tức Tề Thái Công.) phò tá Chu Vũ Vương, được phong cho nước Tề. Con của ngài là Lã Cấp giữ chức Hổ Bí (còn đọc là Hổ Bôn, chức quan nhà Chu, chuyên cai quản các nghi thức bảo vệ vua chúa khi đi ra ngoài kinh thành.), đổi hiệu là Đinh công (Đây là trường hợp lấy tên thụy của tổ tiên làm họ. Theo thiên Thị tộc lược sách Thông chí chép, vào thời Tây Chu (thế kỷ thứ XI trước Công nguyên) cắt đất phong cho chư hầu, Khương Thái công (tức Khương Tử Nha) được phong đất Tề. Con của ông là Lã Cấp nối nghiệp, sau khi mất có tên thụy là Đinh Công, Hậu duệ về sau lấy tên thụy của ông làm họ Đinh. Sách Tính thị khảo lược cũng chép : «Họ Đinh xuất phát từ Lã Vọng, phân bố ở Tề Am, Tề Dương ». Tề Dương là tên quận đặt ra thời Tấn Huệ đế (ở ngôi năm 290-306) do cắt đất quận Trần Lưu, nay thuộc vùng đất huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tề Âm là tên nước được lập ra năm Trung Nguyên thứ 6 (năm 144) đời vua Hán Cảnh Đế, nay thuộc vùng huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Từ đấy họ này chia ra ngành trưởng lấy họ Lã, ngành thứ lấy họ Đinh. Nguồn gốc họ Đinh bắt nguồn như thế .

Thời Tây Chu phát triển thịnh vượng, các thế hệ dòng họ sau này kế tiếp nhau giữ chức Hổ bí. Khi nhà Chu chuyển dời về phía đông, họ tộc này cũng dời đi theo.

Thời Xuân thu Chiến quốc, họ này chạy loạn về đất Giang Nam. Trải suốt từ thời nhà Hán cho đến nhà Đường, họ này sống yên ổn bằng nghề nông. Đến khi có loạn Hoàng Sào (người Tào Châu, Sơn Đông đời Đường. Năm Càn Phù thứ 2 (874) tham gia cuộc khởi nghĩa của Vương Tiên Chi. Sau khi Vương Tiên Chi chết lên thay làm thủ lĩnh, hiệu là Xung Thiên Quân Bình Đại Tướng quân, đem quân đánh phá Quảng Châu, rồi tiến lên phía bắc đánh Lạc Dương, vào Trường An, lập ra chính quyền Thiên Tề, đặt niên hiệu Kim Thống. Sau bị Lý Khắc Dụng đánh bại, cuối cùng phải tự vẫn năm Trung Hoa thứ 4 (884), người họ Đinh phải rời đất liền ra biển, ngồi thuyền lênh đênh trôi nổi theo sông nước, không gặp được gió thuận nên phiêu bạt xuống phương nam, một mình đơn độc gửi thân sống ở Gia Viễn, Ninh Bình. Mãi sau này, người họ này sinh được hai người con trai. Hai người con trưởng và con thứ mỗi người lại sinh được một con trai. Người anh cả mất sớm. con của ông anh cả rất có tài bơi lặn dưới nước, năm 12 tuổi chuyên nghề lặn sông bắt cá nuôi mẹ, họ cùng sống nương tựa vào ông chú. Con trai của ông chú tên là Đinh Điền, mới 4 tuổi thường chăn trâu chơi đùa với cánh trẻ con trong làng. (còn tiếp)

KS Đinh Văn Bình,
(Trích từ Đinh tộc gia phả Hàn Giang, Hải Dương, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2003 của Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội).
 
Top