Vua Đinh với 12 sứ quân

dinhvandat

Thành viên mới
ap_20111117103607855.jpg
VUA ĐINH VỚI 12 SỨ QUÂN
(www.hodinhvietnam.com) Đinh Tiên Hoàng đế tên là Đinh Bộ Lĩnh, cha là Thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ, mẹ là Mai Thanh Điểu (theo Gia phả “Lê triều sinh hạ” do Hoàng huynh Lê Trừ, anh thứ hai vua Lê Thái Tổ lập năm 1430). Bà Mai Thanh Điểu còn có nhiều tên khác là Đàm Thị hoặc Đàm Gia Loan, do người ta không biết tên bà nên gọi theo tên làng của bà). Bộ Lĩnh có thể là tên gọi tôn kính đối với Vua Đinh , bởi vì chữ Bộ có nghĩa là Thống nhất, chữ Lĩnh có nghĩa là Lãnh tụ. Xưa nay quen gọi như vậy, mà sử sách thì vẫn ghi như thế, chứ không có gì khác nữa.

Bộ Lĩnh từ bé đã có tài bơi lội, hoạt bát, nhanh nhẹn, có nhiều ‘sáng kiến’ trong khi chơi bời cùng trẻ chăn trâu. Ông tổ chức ‘đánh trận giả’ cho trẻ chăn trâu, rồi dần dần trở thành đánh thật. Khi đánh ‘có bài bản’, ông liền tổ chức một đoàn đi đánh nhau với trẻ các làng khác. Thắng tất cả trẻ con trong vùng, ông dùng cỏ lau để làm cờ rồi cho bọn trẻ công kênh mình như ngồi kiệu để rước đi như là rước Hoàng đế để mừng chiến thắng. Ông cho giết con trâu đầu đàn của chú Đinh Công Dự để ‘khao quân’. Bởi vậy, chú Dự đuổi đánh ông. Thế là Bộ Lĩnh đi trốn và chẳng về nhà nữa. Và từ đây ông phiêu bạt khắp nơi… Có rất nhiều giai thoại nói về thời trai trẻ của Bộ Lĩnh. Phần lớn những chuyện ấy đều đã ‘nhân cách hoá lên’ như là Bộ Lĩnh được ‘ứng mệnh Thiên Tử’ nên có thần trợ giúp…

Ông đến Bố Hải Khẩu vào gặp Sứ quân Trần Lãm, trước là bạn đồng liêu với cha và xin được sung quân. Thấy Bộ Lĩnh nhanh nhẹn, hoạt bát, nói năng lễ độ, lại chững chạc Sứ quân Trần Lãm mới cho ông làm lính Thân vệ. Trong những lần Sứ quân họp bàn cùng tướng lĩnh về việc binh nhung, Bộ Lĩnh được đứng canh cửa nên hiểu biết việc quân cơ khá nhanh. Một hôm Sứ quân bàn bạc với các tỳ tướng cách thu phục Sứ quân Tế Giang là Lã Đường. Nhiều ý kiến nêu lên nhưng chưa có ý kiến nào chắc chắn và hợp lý cả. Thấy vậy Bộ Lĩnh mạnh dạn bẩm rằng:

- Thưa! Theo thiển ý của tôi, muốn đánh Lã Đường tất phải đi qua Đằng Châu của Phạm Bạch Hổ. Đằng Châu và Lã Đường đánh nhau liên miên mấy năm nay không phân thắng bại. Chi bằng ta cho người qua Đằng Châu nói sẽ hợp lực với quân của họ để đánh Lã Đường. Đánh xong Lã Đường thì lấy Đằng Châu dễ như lấy vật trong túi áo vậy. Đấy là kế ‘mượn đường diệt Quắc’ của người xưa đó.

Sứ quân Trần Lãm vỗ đùi khen phải, rồi nhìn ra thì đó là Bộ Lĩnh, một lính chắp kích đứng hầu chưa được bao lâu. Rồi Sứ quân ngẫm nghĩ mà rằng:

- Nhưng lấy ai là người sang Đằng Châu để thuyết phục cho được…
- Tiểu nhân xin được đảm đương việc này… Nói rồi Bộ Lĩnh lại thêm:
- Mình sang để giúp họ thì tất họ phải đồng ý quá đi chứ…

Bộ Lĩnh một người một ngựa sang Đằng Châu, dùng tài hùng biện để phân tích cho Phạm Bạch Hổ đồng ý hợp quân đánh Lã Đường. Bộ Lĩnh chỉ huy quân tiên phong cùng Phạm Bạch Hổ đánh thắng quân Tế Giang, sau đó thôn tính luôn Đằng Châu. Thấy chỉ trong có mươi ngày mà quân Bố Hải Khẩu đã thu phục được cả hai Sứ quân rộng lớn là Tế Giang và Đằng Châu, Sứ quân Trần Lãm liền gả con gái là Trần Nương cho Đinh Bộ Lĩnh, đồng thời giao cho Bộ Lĩnh chỉ huy toàn bộ việc binh nhung của mình.

Có lực lượng trong tay, Bộ Lĩnh xắp xếp lực lượng rất phù hợp cho cả hai nơi mới và dời bản doanh chỉ huy về Hoa Lư động, lấy nơi ấy làm căn cứ để tính chuyện với các Sứ quân khác. Cuộc chiến với lực lượng còn lại của nhà Hậu Ngô do hai vua là Thiên Sách vương và Nam Tấn vương kéo dài gần chục năm, cuối cùng Bộ Lĩnh phải giảng hoà. Theo yêu cầu của nhà Hậu Ngô, Bộ Lĩnh phải cho con là Đinh Liễn, mới 10 tuổi sang làm con tin.

Thám tử báo về Cổ Loa cho hai Vương rằng, Đinh Bộ lĩnh ở Hoa Lư đang xây thành đắp luỹ, tuyển dụng binh lính đến 8 vạn người để đánh chiếm các Sứ quân khác. Hai Vua Ngô kéo quân đến đánh Hoa Lư. Quân Cổ Loa bao vây Hoa Lư hơn một thánh mà không làm sao chiếm được. Bí kế, Nam Tấn vương cho trói Đinh Liễn và treo ngược lên ngọn tre. Hai vương bắc loa gọi: “Nếu quân Hoa Lư không đầu hàng thì sẽ thả dây cho Đinh Liễn chết”.

Đinh Bộ Lĩnh quát lên: “Quân bất nhân bất nghĩa! Có giỏi thì hãy dàn quân nơi đồng nội, thử xem ai là hào kiệt anh hùng. Đừng có giở trò hèn hạ ấy. Chỉ có thể hăm doạ được đàn bà trẻ con thôi. Ta nào có sợ…”. Nói rồi Bộ Lĩnh sai mươi tên cung thủ bắn vào ngọn tre. Thấy vậy, hai Vương liền cho hạ ngay Đinh Liễn xuống rồi rút quân về Cổ Loa. Được vài năm thì Thiên Sách vương bị bệnh mà chết.

Đinh Liễn làm con tin ở Cổ Loa 10 năm, thấy chàng khôi ngô tuấn tú lại thạo việc binh đao nên Nam Tấn vương đã gả Công chúa Bảo Ngọc cho Đinh Liễn. Vương lại phong cho Đinh Liễn làm Phò mã Đô uý. Đinh Liễn củng cố quân binh của nhà Hậu Ngô rồi tăng quân số lên 7 vạn người và chuẩn bị đi đánh hai Sứ quân là Nguyễn Khoan ở Tam Đái và Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm. Hai sứ quân này đã liên kết lại với nhau, cho nên rất mạnh. Nam Tấn vường và Phò mã Đô uý Đinh Liễn tấn công quân Nguyễn Khoan. Nhưng chẳng may Nam Tấn vương bị trúng tên địch mà chết. Đinh Liễn hô quân đánh tràn sang và giết được Nguyễn Khoan, sau đó truy kích quân Đường Lâm, đuổi Ngô Nhật Khánh chạy dài. Về sau Nhật Khánh phải xin hàng. Thế là hai Sứ quân cứng đầu nhất đã bị Cổ Loa thôn tính. Vua Ngô không còn, Ngô Xương Xí là con út của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập thì hãy còn nhỏ. Đinh Liễn ở lại Cổ Loa thêm một năm để củng cố triều chính cho Ngô Xương Xí vợ rồi mới về Hoa Lư, nhưng Ngô Xương Xí sợ Đinh Liễn cướp ngôi nên bỏ Cổ Loa chạy trốn vào Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh hoá ngày nay). Về sau Đinh Bộ Lĩnh viết thư kêu gọi Ngô Xương Xí trở về với Hoa Lư. Khi đi làm con tin, Đinh Liễn mới 10 tuổi, nay trở về đã 20 tuổi lại là Đô úy Phò mã của nhà Hậu Ngô và đã bình định được 3 Sứ quân (Nguyễn Công, Đường Lâm và thêm nhà Hậu Ngô). Lúc chàng ra đi, cha đã bình định được 3 Sứ quân thì bây giờ chàng về đã dâng cho cha thêm 3 Sứ quân nữa. Quả thực, ‘hổ phụ sinh hổ tử’ có khác.

Với thế lấn lướt như vậy, Đinh Bộ Lĩnh đã được khắp nơi tôn làm Vạn Thắng vương, ông liền tiến hành một chiến dịch ‘tấn công trong hoà bình’ đến 6 sứ quân còn lại, bằng cách viết thư kêu gọi thống nhất sơn hà. Thế rồi các Sứ quân Kiều Công Hãn ở Phong Châu, Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động, cả hai Sứ quân này xin làm ‘phên dậu’ cho Hoa Lư. Ông dẫn binh đến các Sứ quân Lý Lãng Công ở Siêu Loại, Nguyễn Lệnh Công ở Tiên Du, Kiều Lệnh Công ở Hồi Hồ, tất cả đều thần phục cả.

Riêng Sứ quân Nguyễn Hữu Công ở Tây Phù Liệt chống cự mạnh mẽ nhưng quân Hoa Lư tấn công dữ dội, đốt cháy quân doanh làm cho Nguyễn Lệnh Công phải phá vây chạy trốn. Đến bờ sông Hồng thì hết đường chạy, Lệnh Công nhảy xuống sông tự vẫn.

Thế là chỉ tiến binh có mươi tháng trời mà các Sứ quân còn lại đã được dẹp yên, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, thất khó có người sánh kịp.

Đinh Bộ lĩnh được quần thần tôn là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình, đúc tiền đồng “Thái bình Thiên bảo”, lập 5 Hoàng hậu, xây dựng quốc gia phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta, với thể chế và quy mô rất bài bản, được nhiều người giỏi giang phò giúp như Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ sỹ sư Lưu Cơ, Tứ trụ Trịnh Tú, Tăng thống Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn…Đinh Liễn được cử đi sứ nhà Tống, lần đầu tiên xin Hoàng đế Trung Hoa sắc phong cho Vua Đinh. Nhà Tống cử sứ giả sang thụ phong cho Đinh Tiên Hoàng đế làm Giao chỉ Quận Vương, với chế văn rất là ca ngợi, rằng: “Nhà Đinh đời đời là họ đàn anh, giữ được cõi đất phương xa có chí mộ hoá Trung Hoa, thường muốn nội phụ. Nay chín châu thống nhất, Ngũ lĩnh lặng yên, bèn vượt biển trèo non, dâng nộp chức cống. Ta khen ý tốt, cho con sang xưng thần, mới cho cha được chia đất nhận phong, được giữ binh quyền, được thu thuế má. Để khen người đức tốt, sắc mệnh đâu có hệp hòi”. Lại phong cho Đinh Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư Tĩnh hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Chính vì được nhà Tống phong cho Đinh Liễn làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ (về phía triều đình nhà Tống thì chức ấy to hơn Quận Vương) nên Đinh Liễn cảm thấy mình còn to chức hơn cả cha. Do đó khi vào chầu vua, Đinh Liễn định không quỳ mà chỉ đứng rồi tâu. Đinh Điền thấy vậy liền nhắc Đinh Liễn: “Dẫu sao, ngươi vẫn là con”. Bấy giờ Đinh Liễn mới quỳ một chân mà tấu lên vua cha. Từ đấy Vua và Đinh Liễn bắt đầu có sự rạn nứt về tình cảm, nhất là việc Đinh Liễn còn cho tay chân trèo tường vào giết Hoàng Thái tử Đinh Hạng Lang. Nhưng rồi Đỗ Thích đã đánh thuốc độc giết vua. Đinh Liễn hay tin chạy vào Hoàng cung liền bị phục binh của Đỗ Thích đâm chết.

Vua chỉ ở ngôi có 12 năm, nhưng ông đã có công lớn lao là dẹp yên loạn lạc cho đất nước, xoá bỏ tình trạng cát cứ, xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên, có đủ triều nghi, phẩm phục, có quân đội hùng mạnh, pháp chế nghiêm minh…Trên cơ sở đó mà sau này nhà Tiền Lê đã chiến thắng quân Tống một cách oanh liệt.

“Tiên Hoàng tài năng, sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng cường cát cứ, đánh một cái mà 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu (Việt) vương chăng?”(Theo Đại việt sử ký tiền biên).

“Bậc Đế vương chính thống của nước Việt ta khởi đầu từ đấy. Các bậc ‘Vua thánh Đế thần’ tiếp nhau chấn tác sau này cũng đều to rộng theo bài học của triều Đinh” (Theo Văn bi ở đền thờ Vua Đinh, Ninh Bình).
ĐINH VĂN ĐẠT (đăng)
 
Top