Lão niên xuân xứ

Dinh Trong Phuc

Moderator
Staff member
ongdogia.jpg


Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
(Vũ Đình Liên )

[FLASH]http://www.nhaccuatui.com/m/CunBKDFGoq[/FLASH]

Xoay lui- xoay tới, Tết Tân Mão 2011 đến bên chân rồi đây! Không hẹn chẳng hò mà những cái tết cứ "tà tà" xấn tới . Bên nhà tháng ni gần tháng chạp âm lịch rồi . Chắc giờ ni ai ai cũng chạy hết tốc lực mà lo cho cái tết đang đến cập kề bên chân.

Còn tại xứ người ta thiệt tình tui nghĩ ít ai quan tâm đến chữ TẾT. Ra xứ người nghĩ về không khí ấm cúng cùng những hương vị Tết ngày xưa khi 'năm hết tết đến' nó "bốc hơi" không biêt khi mô ?

Tui nhớ về hồi còn niên trẻ tại Quảng trị, hương vị Tết nó náo nức làm răng ! Trái lại xứ người có công ăn việc làm là TẾT rồi đó!

Tui liên tưởng đến hình ảnh tay mang túi đồ ăn, tờ mờ sáng nổ máy xe chạy lên hảng cho kịp giờ . Ngã tư đèn đỏ, liếc qua cửa kiếng thấy mấy "ông Tây bà Đầm" người "quẹt quẹt" vào mặt, người thì "tranh thủ húp cà phê" thì tôi tự an ủi :

"ai ai xứ ni cũng vội cũng vàng , cũng khổ như mình cả "

“than thở làm chi , có job là OK rồi ”

Bởi rứa, có khi mồng 1 Tết xứ ‘cờ Hoa’ người ta phải đi làm , "ma ne giơ" họ có "khe" mô! mình là thiểu số , là nhược tiểu mà ! Nhưng tui cũng còn có thứ an ủi cho mình bởi vì còn có "gióp' nó làm ấm lòng cho những "chiến sĩ đi cày " mà !

Tại xứ người khi cầm được cái "chét" trong tay. Thứ cảm giác sung sướng khi vân vê mấy "trự tiền đô" , tức có cái mà lo Tết hay nói đúng ra là chuyển đổi tình cảm về quê hương VN. Bên nớ tức Ba Mạ họ hàng anh em cật ruột hay đáp đền người ơn kẻ nghĩa v. v.

Trước bàn thờ tai xứ người ta, ôn mệ có đi theo con cháu bên ni cũng thông cảm cho hoàn cảnh cháu con . Cái "gióp" bận bịu có khi phải xin "cúng bù" vào "wít ken" thế 30 hay mồng Một. Còn năm mô "wít ken" trúng vào dịp cúng giao thừa mồng một thì quá may mắn rồi . Tui nghĩ về hai chữ 'lay- óp" nằm vắt chân ở nhà thở dài thườn thượt mà rùng rợn : thở vô thở ra , lấy chi trả "biêu" nào nhà? nào rác? nào nươc? nào điện ?!!!

Nói cho cùng lý, kinh tế là "năm bơ oăn" là trên hết ,tức là "cái gióp"; đó là lý luận bên ni. Xứ nguời đi mô cũng gặp những người "cặp mắt xanh lè" họ nói từng tràng tui nghe chẳng biết "mô tê chi hết" ngẩn ra như "ông Phỗng Đá" nghĩ cũng rầu .

Ở đây ưu tiên là chuyện đi làm , cúng giỗ, cưới hỏi chi cũng bù vào "wít ken"; ngay cả đi chùa ,nhà thờ cũng rứa! "làng răng Xạ Năng rứa" -'nhập gia tùy tục” – “đáo giang tùy khúc " chừ mới thấy thấm ; tui hay ai cũng chấp nhận thôi . Quen rồi , tui hết "làm ràm " chuyện này . Mà nghĩ cho cùng thời buổi suy trầm kinh tế tại xứ "cờ Hoa " ni có đi làm là "sướng rên" rồi, tui nghĩ ai giờ ni chắc không dám hó hé "còm p len" mô!

Tui lại miên man thả hồn về bên quê nhà. Cứ ngày tết chuyện chi cũng bỏ. Công chức tư sở chi cũng nghỉ một "lèo" đến cả chục ngày mới "lò mò" đi làm lại. Buôn bán thì thì ngày đầu năm phải coi ngày tốt mới dám mở cửa lại. Trong nhà bánh tét thịt kho, dưa món, củ kiệu đưa men cũng đặng 2 tuần. Có khi cả tháng cũng còn bánh tét để mà chiên lại . Bánh tét nguội chiên lại ngó rứa mà ngon đáo để; giờ thì "răng cỏ" lung lay hết rồi món bánh tét chiên ai cho tui cũng “đập” .

Tôi xin trở lại xứ ‘Cờ Hoa’ bên ni.

Tết về các khu buôn bán thị tứ VN có đông thì đông đó, bánh mứt dưa hành không thiếu thứ chi. MAI -ĐÀO-CÚC-THỌ thi đua khoe sắc. Nhưng năm mô Tết trùng vào "wit ken" thì ăn nên làm ra. Còn không trùng thì thường thường lỗ vốn . Thiên hạ bên ni, nhà VN thì có sắm sanh bánh mứt bánh tét bánh chưng chẳng thiếu thứ chi . Thế mà lạ lắm! cái không khí hưởng Tết nó "vô vị" dữ lắm ! Trong nhà ngày Tết kẻ đi làm chưa về, người ngủ bù vì làm ca đêm . Phòng mô cũng im lìm , ngó ra đường "xóm vắng đìu hiu" vì nhà mô cũng "cựa đóng then gài " ngàn năm lặng ngắt !

Lai thêm cái buồn bên xứ ni nữa ! Tết đến xuân về ít ai còn có cái thú nhâm nhi chút mứt chút bánh , chén trà ly rượu nhàn nhã như năm xưa nữa ! Ai cũng hết cái thú thưởng thức vài lát bánh tét, góc miếng bánh chưng . Ai ai cũng ngán đồ ngọt, chất bột , chất nếp vì sợ cao đường hay "ô tăng sông" ; nên những thứ ni tại đây sắm ra cho có lễ thôi , chứ ai cũng nhìn chúng với ánh mắt "vô hồn vô cảm " !?

Còn chuyện ngày đầu năm đươc bận áo quần mới đi chúc tết nhau là chuyện quá khứ. Bên ni ngày đầu năm tui hay các bác trông chờ mấy cú phôn gọi thăm chúc Tết nhau hình như càng lúc càng thưa lần , chơ nói chi chuyện thiệp TẾT bỏ trong phong bì !( ngoại trừ THIỆP CƯỚI đó nghe)

Ngang đây tui mới nhớ đến hình ảnh các quán sách Tao Đàn, Lương giang, Sáng Tạo hay Văn Hoá , TÙNG SƠN ngày xưa tại chợ Qtri chi lạ. Hồi đó, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, các quán sách này bày đủ thứ thiệp. Sang thì mua thiệp đắt tiền còn học sinh như tui thì mua thiệp cái mô rẻ nhất mà thôi . Nhưng ngày đó ai ai cũng gởi tặng thiệp đầu xuân và trịnh trọng gắn lên những cành mai vàng trong ba ngày tết trông dễ thương và tình cảm chi lạ !

Năm nay tóc ai cũng bạc cả rồi . Qua xứ ni quá bận bịu lo toan , lận đận lao đao công ăn việc làm. Dần dà mọi tập tục xưa từ từ rơi rụng như mấy cái răng cọng tóc thưa dần theo ngày tháng . Hơn nữa , nói lui nói tới chi đây là xứ người ta đất người ta mà!

Nói như rứa, ở quê người ăn tết cổ truyền , ai muốn ấm lòng khi nhớ quê thì tốn vài thẻ điên thoại gọi về thăm bà con làng nước mà thôi . Ở đây nói đủ mà thiếu . Thiếu là thiếu lời chào tiếng hỏi , thiếu cơ hội ‘chộ’ mặt nhau vì ai cũng mịt mù nơi hảng xưởng; Cho đến lúc về già thì vô "nớt xing hom" mất rồi !
Con cháu có vô thăm thì năm khi mười hoạ . Nhưng cũng không trách chúng vì con cháu cũng phải giữ cái 'gióp" là trên hết . Tui còn nhớ câu tục ngữ xứ Quảng khi xưa "cha chết không bằng hết ăn ?" mà!

Huống chi, đây con cái mình còn lo cho con cho vợ nó?

Có khi con vợ mà nó nói rằng "anh chọn mạ hay chọn tui ?" thì coi bộ 'CHIA TAY SỚM' thì tội cho chúng lắm .

Đó là sướng mà lại khổ, có hiện tại nào hoàn mỹ mô ?

Nghĩ về các cụ trong "nớt xinh hom' tuổi già 'gặm nhắm" trong 4 bức tường. Y tá có khi mệt bực nặng tay ,la mắng. Chồng chất tuổi hạc đã cao, suy nghĩ lao lung nhớ về quê hương bản quán. Đó là nỗi buồn tuổi già xứ lạ. Còn lớp trẻ thì ngày đêm miêt mài căng thẳng công ăn việc làm nỗi doạ mất 'GIOP" sức ép càng lúc càng cao . Lo toan tính toán chúng không ngày giờ rảnh rang lo cho cha mẹ đó là cái tội nghiệp cái thiệt thòi cho con cháu chúng ta bên ni, chúng chẳng muốn vậy mô .

Quê hương mình làm quần quật một năm 12 tháng, có cực chi nhà ai cũng có cái lo ba ngày TẾT; đó là tục lệ ngàn năm rồi . Cho đến lúc này thứ hương vị "bánh chưng xanh , câu đối đỏ" mới thực sự có sức hấp dẫn và lạc thú của nó .Cái thế giới quê nhà -TAM ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG , TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG trong ba ngày Tết lúc nớ sao đầy đủ tình cảm dạt dào và vuông tròn hiếu để .

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?(VDL)

Rứa là tui hiểu ra rồi : khi những lớp tuổi già VN đang trú ngụ tại quê người chọn "nớt xinh hom" là "bến đổ" buồn tủi như rứa thì chữ TẾT chẳng còn cái ý nghĩa chi.

CUNG CHÚC TÂN XUÂN
ĐINH TRỌNG PHÚC
CHÚ THÍCH: "ma ne gio" : manager :người quản lý
"còm plen" : complain : phàn nàn
"khe" : care : để ý
wit ken: weekend : cuối tuần
lay-óp : laid off : mất việc làm
"giop" : job : công việc
" Ô tăng sông ": haut tension: cao áp máu
'nớt sing hom" : nursing home : nhà dưỡng lão
 
Top