Những cây thị làng tôi

Đinh Công Tem

Thành viên mới
NHỮNG CÂY THỊ LÀNG TÔI.

Làng tôi ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, xưa thuộc vùng đất Nông Ký, Làng có hai cây thị đôi, có đền Quốc Mẫu, và những câu ca gắn liền với lịch sử đấu tranh xây dưng và bảo vệ đất nước của Dân tộc, của làng Đô KỲ và của dòng họ Đinh nói riêng

Đô Kỳ, cái tên của làng tôi. Cái tên này có từ thời vua Lê Thái Tông tại vị.
Làng tôi có rất nhiều thị nên có câu: “Vật Du Đô Kỳ Thị”


Trên sơ đồ mặt bằng nếu tìm tọa độ của từng cây kẻ nối lại với nhau trông như một trận đồ bát quái. Thị đứng phân bổ đều các ngả như những võ quan khổng lồ đang vươn ngàn tay, mở ngàn mắt che chở bảo vệ cho dân, cho làng.

Hai cây Thi Đôi đứng uy nghiêm như hai người lính gác cổng thành, rễ trồi lên sần sùi đen như sừng, thân rỗng ba bốn người chui vào ngồi vừa. Hồi kháng chiến chống Pháp, Đội Du kích hoạt động bí mật thường chui vào trong đó để phục kích địch qua đường. Hòa bình trẻ con chúng tôi chơi trò trốn tìm hay chui vào hốc thị ẩn.

Rất nhiều câu chuyện bí ẩn liên quan đến hai cây thị này. Người nói đã nhìn thấy hai người đội mũ cánh chuồn ngồi ở cây thị. Người nói đã nhìn thấy bà Tiên, Người nói hai cây thị là chỗ ở của Bà Làng…Gần đây nhất có một chuyện thực sự sẩy ra, Người nào đã đào một cái hố vuông và sâu mỗi cạnh khoảng 2m ở chính giữa khoảng cách hai cây. Chẳng ai hay biết, mấy nhà ở ngay đó cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Sáng ra nhìn thấy cái hố. Xuống xem thấy thành hố nhẵn thín, không hề có một vết rễ thị nào đứt. Dân làng ồn gã lên cho là kẻ nào đã đào lấy vàng. Dăm tháng sau đứa con trai 18 tuổi nhà ở canh cây thị tự dưng chết, làm cho sự việc thêm huyền bí.

Theo mọt số tư liệu lịch sử và câu chuyện truyền tụng trong làng. Hoàng Đế Lê Thánh Tông, còn nhỏ có tên là Tự Thành, lánh nạn (vụ án Lệ chi viên) về quê ngoại là Đô KỲ, Y Đôn ở, khi trưởng thành đã xây dựng doanh trại tại đây, nhờ vào nhà chùa để làm việc. Ông đã cho trồng hai cây Thị để làm cột cổng doanh trại. Phong trào Cần vương chống Pháp, ông Đốc Nhưỡng là một người con tiêu biểu của họ Đinh làng tôi cũng lấy nơi này làm căn cứ. Như vậy hai cây Thị Đôi đến đời chúng tôi bây giờ đã 600 năm tuổi.

600 năm nay thị đứng đó, đã chứng kiến bao biến đổi vần xoay của xóm làng. tận mắt thấy từng cái hay cái dở, cái vinh, cái nhục cay đắng, buồn vui của mỗi nhà, của mỗi kiếp người.
Năm Cải cách ruộng đất cây thi được xếp vào loại tài sản cố định,(nguồn thu nhập của gia đình) nhà nào có phải kê khai, quên không kê khai là bị quy kết tội ngoan cố, chống đối…
Những năm đói kém thị đã cứu được bao người trong làng thoát chết

Gốc thị là chỗ tập trung vui chơi của tụi trẻ trong làng; Nơi nghỉ ngơi trú mưa nắng của người qua lại; Nơi hẹn hò nỉ non của các cặp trai gái phải lòng nhau; là hồn quê, là nỗi day dứt của những người đi xa!

Máy trăm năm nay, qua bao triều đại, bao biến đổi. bão gió, nắng mưa, lũ lụt, đạn bom …Thị vẫn xanh tươi, rễ bám sâu vào đất, cành vươn với trời xanh. Rợp bóng mát, tỏa hương thơm, đều đặn mỗi năm một mùa quả làm chộn rộn xóm làng tiếng rao mua, bán.

Nay chính con người mà thị đã từng che chở, đã từng cứu sống vì cái lợi trước mắt đã tàn phá thị không một chút thương tiếc. Bởi vì đất đai bây giờ có giá, bóng thị che mất nhiều diện tích. Quả thị bây giờ bán không được giá. Hương thơm của thị chẳng ai đẻ ý. Lá Thị chẳng ai quét đun. Gỗ thị bây giờ lại được giá... Chảng ai đưa bị ra cầu xin “ Thị ơi thị rơi bị bà…”.

Nhiều cây có tên tuổi đã bị phá, mấy cây sót lại rễ chẳng biết bám vào đâu. Cành la cành bổng bị chặt trơ trụi…

Hai cây Thị Đôi, di tích của dòng họ Đinh xưa là của làng, từng thời kỳ có người quản lý, ngày nay đã thuộc về cá nhân từ lúc nào chẳng ai để mắt tới. Nhà ông Hân một cây, nhà ông Trang một cây, họ xây bao gốc lại để nuôi lơn, nuôi gà vịt và làm công trình phụ. Những bộ rễ thị đen như mun, hình con rồng con phượng, chỗ đặt lễ cúng thần cây mỗi khi đến mùa thị chin, nay là bệ ị của người, của lơn, của vịt, gà,…

Xưa vào mùa thị ra hoa ai đi qua cũng muốn dừng lại ở gốc thị đẻ nghỉ ngơi, thưởng thưc mùi thơm ngọt ngào dìu dịu của hoa thị. Ngắm những bông hoa như những bình đá cẩm thạch nhỏ tí hon từ các vòm lá chui ra, bay lửng lơ rồi nhẹ nhàng đặt trên mặt đất. Nay mỗi khi đi qua gốc thị phải nín thở qua cho nhanh để khỏi hít vào cái mùi phân lợn, phân gà vịt ăn cám công nghiệp.

Thời kỳ đổi mới, bộ mặt làng tôi biển đổi hàng ngày. Nhà mái bằng, ti vi, xe máy… chẳng kém phố phường. Đời sống nâng cao rõ rệt.

Cơ chế thị trường, cạnh tranh phát triển, đua nhau làm kinh tế, nhìn thấy tiền là làm. thị, trúc tre không kinh tế - chặt. Ao hồ không kinh tế - lấp. Ruộng cấy không kinh tế - bán… Chăn nuôi nhanh” phất” đua nhau làm chuồng trại.

Chẳng còn một bóng cây bên đường mà trú lắng trú mưa. Chẳng còn đâu tiếng xạc xào của tre của trúc.

Trời nắng mùi phân lợn, phân bò bốc lên nồng nặc. Trời mưa, nươc phân, nước cống các nhà tràn ra đường chẳng có chỗ nào mà bước.

Họ Đinh là dòng họ đông nhất làng, có tới gần chục chi nhành với các tên đệm khác nhau như: Đinh Văn, Đinh Huy, Đinh Tiến, Đinh Trong, Đinh Khắc, Đinh Bá, Đinh Quang, Đinh Công….
Lịch sử đấu tranh xây dưng và bảo vệ đất nước của Dân tộc, của làng Đô Kỳ và của dòng họ Đinh nói riêng có nhiều chứng tích, trong đó di tích quan trọng, thiêng liêng là hai cây Thị Đôi, Đền Quốc Mẫu (bà Ngô Thị Ngọc Giao) và câu ca truyền tụng:
Có phải con mẹ con cha
Thì sinh ở đất Duyên Hà Thần Khê
Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh
Thì quăng ra đất Vạn Ninh cho rồi.

Câu ca còn đó và còn truyền tụng mãi mãi cho các thế hệ con cháu mai sau, không mất được vì nó là phi vật thể.

Đền Quốc Mẫu bị phá thời có chính sách bài trừ mê tín dị đoan nay nhân dân đã công đức xây lại.

Những cây thị trên 600 năm tuổi, tích tụ linh khí thiêng liêng của trời của đất nếu bị phá có trồng lại cũng phải 600 năm nữa mới dược như bây giờ…

Đô Kỳ tháng 8- 2011
Đinh Công Tem
 

Đinh Công Tem

Thành viên mới
Xin mời bạn đọcquan tâm vào trang Làng Đô kỳ xem " Ngày ấy ở vùng quê" do cháu Nam tải lên. Đây là bài tôi viết về làng Đô Kỳ trong những năm Cải cách ruộng đất, theo những câu chuyện và những con người hoàn toàn có thật. với mong muốn là để cho thế hệ mai sau biết dược quê mình đã có những thời điểm như thế, những con người như thế,
 
Top