Những di tích đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình

Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Bộ Lĩnh, người anh hùng dân tộc thống nhất Đất nước được ghi đậm trong sử sách và trong lòng dân Việt Nam. Qua điều tra, chúng tôi được biết hiện nay còn có 12 di tích đình, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh:

1, Đền Vua Đinh, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư

2, Đình Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

3, Đình Yên Trạch, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

4, Đình Trung Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư.

5, Đền động Hoa Lư xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn.

6, Đình Viến, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn.

7, Đền Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn.

8, Đình Kính Chúc, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn.

9, Đền Thượng Kính Chúc, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn.

10, Đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan.

11, Đình Ngọc Nhị, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan.

12, Đình Ngọc Ba ( đình Rối ) xã Gia Thủy, huyện Nho Quan.

Sử sách cho biết Đinh Bộ Lĩnh sinh khoảng năm 924, quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nhưng không cho biết ở một làng cụ thể nào.
Truyền thuyết dân gian ở Gia Viễn có câu " Đại Hữu sinh Vương, Điềm Giương sinh Thánh " ( nghĩa là làng Đại Hữu sinh ra Vua Đinh, làng Điềm Giương sinh ra Thánh Nguyễn Minh Không ). Làng Đại Hữu xưa gồm 3 thôn: Văn Bòng, Văn Hà và Vĩnh Ninh, ngày nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ở đây có núi Kỳ Lân, trên đỉnh núi có một phát tích của Nguyễn Bặc, có gò Bồ Đề, tương truyền là nền nhà của Đinh Bộ Lĩnh. Đặc biệt còn có ngôi đền ở thôn Văn Bòng thờ Đinh Tiên Hoàng và Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Ở trong đền có đôi câu đối:
Tứ hải thành gia, Đại Hữu chí kim lưu thắng tích.
Cửu Châu vi thổ, Trường Yên tự cổ cựu danh đô.

nghĩa là:
Bốn biển là nhà, làng Đại Hữu còn lưu thắng tích.
Chín châu là đất của ngài, Trường Yên từ cổ là đất đóng đô của ngài.

Như vậy, ngôi đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cùng các tài liệu khác xác minh rõ quê hương của ông ở đây.

Cũng chính vì sử sách ghi chép Đinh Bộ Lĩnh quê ở động Hoa Lư, nên gây ra sự nhầm lẫn giữa động Hoa Lư, nơi Đinh Bộ Lĩnh khởi binh, kinh đô Hoa Lư và quê hương của ông. Theo chữ Hán thì động có chữ " Sơn " bên trên chữ " Đồng " là nói về động núi còn có bộ chấm thủy bên cạnh chữ động nghĩa là một thung lũng bên trong có nước, cũng có thể hiểu động Hoa Lư là một địa danh hành chính ở miền núi.

Thế kỷ XIX, trong bộ sử Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết: " Hoa Lư là sơn phận hai xã Uy Viễn, Uy Tế thuộc Ninh Bình. Nơi đây bốn mặt đều có núi đá đứng thẳng như bức vách, trong đó có một chỗ hơi bằng phẳng rộng rãi, người xứ ấy gọi là động Hoa Lư ”. Theo sách An Nam kỷ yếu, Hoa Lư ở về huyện Lê Bình. Lê Bình bây giờ là Gia Viễn, trong lòng động rộng hàng hai trượng, có một cái lạch nước quanh co khuất khúc chảy đến phía Nam thành Hoa Lư. Thành Hoa Lư cũng ở huyện Lê Bình. Họ Đinh nhân thế núi đắp thành ấy, chu vi năm trăm trượng. Vết thành cũ vẫn còn. Như thế thì động Hoa Lư là chỗ Đinh Bộ Lĩnh khởi binh; thành Hoa Lư ở Trường Yên là nơi đóng đô của họ Đinh. Có thuyết cho rằng hai phủ Yên Khánh và Thiên Quang xưa kia đều gọi là Hoa Lư cả nếu bảo động Hoa Lư ở núi Trường Yên là lầm.

Động Hoa Lư nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, có ngôi đền thờ Đinh Bộ Lĩnh và Quốc sư Nguyễn Minh Không, có tấm biển đề ba đại tự " Hoa Lư động ". Đền thờ này cho chúng ta xác định rõ động Hoa Lư, căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh chính là nơi này.

Nhưng đây không thể là nơi Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu được. Vì động Hoa Lư là nơi hiểm thung Ông, rộng khoảng 16 mẫu, nằm trong sơn khối đã vôi từ Hòa Bình đổ về, cách sông Bôi khoảng 2 km về phía Đông. Đây là một thung lũng bốn bề núi đá bao quanh, lối vào chỉ có một quèn nhỏ cao khoảng 30m, phía ngoài động có đầm Cút, như một con hào thiên nhiên chắn giữ, từ đây có thể nhanh chóng tiến ra vùng đồng bằng ven sông Đáy, sông Hồng và có thể theo đường núi rút vào cá thung lũng đá vôi.

Sử sách cũng cho biết Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha từ nhỏ, phải cùng mẹ về ở cạnh đền Sơn Thần. Quốc sử quán triều Nguyễn cũng cho biết nơi ấy là Long Viên: " Long Viên ở xã Đề Cốc, nhà mẹ Đinh Tiên Hoàng ở đấy, tức chỗ ở cũ của Đinh Tiên Hoàng lúc còn ẩn náu, nền nhà cũ này vẫn còn nên gọi là " Long Viên " trước mặt trông ra sông, có cầu Ngự, cầu Phanh, bên tả vườn có gò bằng phẳng tức là chỗ bày trận cờ lau ".

Ở thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy huyện Nho Quan ngày nay còn có ngôi đền Long Viên thờ Long Viên Đốc Khánh Công chúa, tương truyền là người đỡ đẻ cho Đinh Bộ Lĩnh, đình Mỹ Hạ thờ Đinh Bộ Lĩnh.

Như vậy là khi mồ côi cha, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng với mẹ về ở bên hữu ngạn sông Bôi, đi chăn trâu cho chú là Đinh Thúc Dự. Truyền thuyết cũng cho biết Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau ở cánh đồng Rộc Xéo. Ở đây còn có đồng Trống là nơi đánh trống, đồng Quân là nơi hội quân, cầu Mổ là nơi Đinh Bộ Lĩnh mổ trâu hay mổ bò của chú để khao quân, bến Vội là nơi Đinh Bộ Lĩnh vội chạy qua khi bị chú đuổi... Đinh Bộ Lĩnh còn chăn trâu ở bên bờ tả ngạn sông Bôi, tức cánh đồng bên ngoài động Hoa Lư. Ngày nay nơi đây còn có đường Vua Đinh.

Vậy Vua Đinh cùng với mẹ về đây vào thời gian nào. Sử sách, thần phả ở các di tích không cho chúng ra biết rõ điều này. Chỉ biết rằng ông Đinh Công Trứ, thân sinh ra Đinh Bộ Lĩnh là Thứ sử Hoan Châu ( Nghệ An ) thời Dương Đình Nghệ. Năm 939, sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô ở Cổ Loa, vẫn để Đinh Công Trứ làm quan chỉ một thời gian ngắn và mất. Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ ở cạnh đền Sơn Thần Long Viên, bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh khoảng 15 - 16 tuổi. Thời kỳ này là thời kỳ " Cờ lau tập trận " của Đinh Bộ Lĩnh.

Sử sách cho biết Đinh Bộ Lĩnh còn chăn trâu ở núi Mã Can hay Mã Thiên. Trong sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, Nguyễn Tử Mẫn cho biêt: " Núi Mã Can ở địa phận thôn Phúc Lai, Đông Thịnh, cách 19 dặm phía nam huyện Phụng Hóa. truyền rằng Đinh Tiên Hoàng hồi còn trẻ đem mục đồng đến diễn tập trận ở đây, người đời sau lấy miếu ấy lập miếu thờ ”.

Núi Mã Can ngày nay ở xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, phía Nam huyện Gia Viễn. Ở đây còn có hòn đá Vua Ngự, tương truyền là nơi " Ngự " của Đinh Bộ Lĩnh, cách động Hoa Lư khoảng 10 km theo đường chim bay. Ngày xưa huyện Gia Viễn là vùng đồng chiêm trũng, vào tháng 7, tháng 8 ( âm lịch ) nước cả mênh mông, trâu được thả ở một vùng rộng lớn. Việc Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu và tập trận cờ lau ở hai nơi cách xa nhau như thế cũng là điều dễ hiểu.

Truyền thuyết kể rằng Đinh Bộ Lĩnh da ngăm đen, cương nghị và nghiêm khắc. Tương truyền, một hôm Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, Quý Minh và Trần Cao Minh đến chậm, bị Đinh Bộ Lĩnh cho quân đem ra chém đầu. Ngày nay đình Bình Khang, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn còn thờ Quý Minh Đại vương và đình Mai Xá, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan thờ Trần Cao Minh là hai người đến chậm bị Đinh Bộ Lĩnh chém đầu.

Từ cờ lau tập trận, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn, thống nhất Đất nước. Vậy Đinh Bộ Lĩnh chiếm động Hoa Lư làm căn cứ ban đầu từ bao giờ. Sử sách cho biết sau khi Ngô Quyền mất ( 944 ), các sứ quân lần lượt chiếm cứ các nơi, gọi là loạn 12 sứ quân. Bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh đã hai mươi tuổi và có thể ngay sau đó ông đã chiếm động Hoa Lư làm căn cứ ban đầu. Sử cũ chép: " Khi ấy vua còn ít tuổi, binh thế chưa mạnh ". Người chú ( Đinh Thúc Dự ) chiếm sách Bông chống lại, Đinh Bộ Lĩnh bị thua chạy đến cầu Đàm Gia Hoan ( Đàm Gia Hoan sau là Điềm Giang, Điềm Xá ( Gia Tiến, Gia Thắng, Gia Viễn ) cầu gẫy, bị sa xuống bùn suýt bị đâm. Sau đó Đinh Bộ Lĩnh thu nạp tàn quân còn sót lại đánh thắng được Đinh Thúc Dự.

Đến năm 951, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư đã khá mạnh, đến nỗi Xương Văn, Xương Ngập ở triều đình Cổ Loa, đem quân đánh hàng tháng trời không thắng, bèn bắt Đinh Liễn đang làm con tin, treo lên cây sào mà nói rằng: " Nếu không hàng sẽ giết Liễn ".
Đinh Bộ Lĩnh tức giận nói: " Bậc đại trượng phu chỉ lập công đánh cho được, há lại bắt chước đàn bà mà thương tiếc con ư ", liền cho mười tay cung nỏ nhằm Liễn dọa bắn, Xương Văn, Xương Ngập sợ quá rút quân về.

Đinh Bộ Lĩnh đã lấy động Hoa Lư làm căn cứ của mình trong gần hai mươi năm. Sử cũ cho biết mãi đến năm Đinh Mão ( 967 ) trong nước không người đứng chủ, 12 sứ quân tranh giành lẫn nhau. Đinh Bộ Lĩnh nghe tin Trần Minh Công ở cửa Bố (Thái Bình) là người có đức độ mà không có con, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa, được Trần Minh Công nhận làm con nuôi rồi trao binh quyền cho. Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh đã mở rộng căn cứ của mình từ động Hoa Lư ra vùng đồng bằng ven sông Hồng. Từ đây, trong hai năm 967 - 968 ông đã tiến lên dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất Đất nước.

Năm 968, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Lúc đầu Đinh Tiên Hoàng định đóng đô ở Đàm Thôn ( Điềm Giang, Điềm Xá), nhưng vì ở đây trống trải, mới dựng đô ở Hoa Lư, nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đinh Tiên Hoàng ở ngôi 11 năm ( 968 - 979 ), thì bị Đỗ Thích sát hại. Đây là một nghi án. Hiện nay có nhà nghiên cứu đặt vấn đề vai trò, thế lực của Đỗ Thích ở trong triều chưa có, để có thể làm kế giết vua. Có thể chỉ là người bị lợi dụng và sau đó bị diệt bỏ. Sau khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long (1010), nhân dân ta đã xây dựng đền Vua Đinh cũng như đền Vua Lê để tưởng nhớ hai người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn.

Công lao lớn nhất của Đinh Bộ Lĩnh là thu phục được 12 sứ quân, thống nhất Đất nước, lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước riêng, đặt niên hiệu riêng, thể thiện tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc. Cho nên khi tạc tượng Đinh Tiên Hoàng ở đền Vua Đinh, xã Trường Yên, nhân dân ta đã tạc tượng ông đội mũ bình thiên, mặc áo long bào, uy nghi cả một vị Hoàng đế. Vua Lê Đại Hành cũng đội mũ bình thiên, nhưng lại có chữ Vương ở trán phải chăng đã bị hạ đi một bậc ?. Ở đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng còn thờ mũ " Bình Thiên " tượng trưng cho Đế quyền và cờ Thái Bình thể hiện niên hiệu Thái Bình của nhà Đinh.

Như vậy tỉnh Ninh Bình có đủ các di tích lưu niệm trong cuộc đời của Đinh Bộ Lĩnh. Đó là đền Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn ghi ấn quê hương của Đinh Bộ Lĩnh. Đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan và động Hoa Lư, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, ghi dấu ấn thời kỳ tập trận cờ lau, nuôi chí dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất Đất nước.

Động Hoa Lư còn ghi dấu ấn căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh. Đền Vua Đinh, ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư ghi dấu ấn thời kỳ Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, xây dựng kinh đô Hoa Lư, trị vì Đất nước. Đây cũng là ngôi đền tưởng niệm Đinh Tiên Hoàng ở nơi ông yên giấc ngàn thu.


Theo " Ninh Bình theo dòng lịch sử
 
Top