Đinh Đức Đạt
Thành viên mới
“Đinh Thúc Dự - Một tấm gương quả cảm vì quê hương”
Liệt sỹ Đinh Thúc Dự
(1911 - 1951)
Batinh.com - Sắp tới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với một số tác giả là hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định và gia đình đồng chí Đinh Thúc Dự đã sưu tầm các nguồn tư liệu lịch sử liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của liệt sĩ Đinh Thúc Dự, được giới thiệu trong các ấn phấm đã xuất bản như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định, Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường, Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Thành... Đặc biệt trong đó có trích một số chương trong Tư liệu lịch sử họ Đinh Đông An, Chuyện một gia đình của tác giả Đinh Văn Sáu; một số tư liệu là những truyện ký, hồi ký, các bài báo và tham luận của nhiều tác giả, một số tư liệu quý hiếm do Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Báo ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam) và tư liệu riêng của gia đình cung cấp để xuất bản cuốn sách “Đinh Thúc Dự - Một tấm gương quả cảm vì quê hương”. Cuốn sách có nội dung phong phú và sâu sắc, trình bày mạch lạc với nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện xúc động lần đầu được nhắc tới. Chúng tôi xin trích một số bài viết, chương mục tiêu biểu trong cuốn sách để giới thiệu cùng bạn đọc.(1911 - 1951)
Để bạn đọc có điều kiện tìm hiểu thêm về thân thế, gia cảnh và sự nghiệp cách mạng của Liệt sỹ Đinh Thúc Dự, Chúng tôi trích đăng bài viết rất xúc động của tác giả Đinh Đức Đat. Tác giả Đinh Đức Đạt là con trai út của liệt sỹ Đinh Thúc Dự và bà Đào Thị Lộc. Thời tuổi trẻ, ông dời ghế trường đại học để nhập ngũ và có mặt ở chiến trường ác liệt những năm đầu chiến tranh chống Mỹ; rồi được ra Bắc học tiếp, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông trở thành kỹ sư điện tử - sĩ quan quân đội, sau chuyển ngành về làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Ông đã nghỉ hưu và mấy năm gần đây dành nhiều thời gian và công sức để chuyên tâm nghiên cứu khoa học tử vi, nên đã đạt được những thành công bước đầu rất ấn tượng, nhất là trong việc tìm lại thân thế và mạo diện những bậc tiền bối của dòng họ Đinh Đông An mà bụi thời gian đã khỏa lập. Bài viết này minh chứng một phần kết quả công việc nghiên cưu công phu của ông…
KÝ ỨC VỀ NGƯỜI CHA KÍNH YÊU
Ký ức về người cha trong tôi chỉ in đậm gương mặt rạng ngời với nụ cười luôn tỏa sáng của cha trong bức ảnh mà mẹ tôi cất trong chiếc thắt lưng bao bằng tơ tằm luôn mang theo bên mình. Hình ảnh về người cha thương yêu trong tiềm thức của tôi được vun đắp bởi những câu chuyện mẹ tả về vóc dáng, thói quen hay sở thích của cha tôi. Cha rất thích ăn cơm nếp đỗ đen, nhất là miếng cháy đáy nồi; ông thích mặc đồ tây, đội mũ “cát”, mê chụp ảnh và cưỡi ngựa đi tuần du khắp đó đây trong phủ huyện. Và còn rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về cha mà tôi được nghe kể lại bởi chú bác, cô dì - những người đã từng làm việc, gắn bó với cha tôi. Nói về ông, cả một thế hệ cùng thời, ai nấy đều nể trọng và đều gọi bằng hai tiếng thân thương: “Anh Dự”.
Có lần tôi hỏi người bác họ là Đại tá Đinh Thế Hinh, quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường. Ông nguyên là nhà sư (pháp danh Đại đức Thích Pháp Lữ), là một trong 27 tăng ni của chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) khởi nguyện vào đội quân “Nghĩa sĩ phật tử” nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp, phất cờ đào, tiến quân ra mặt trận vào sáng ngày 27-2-1947. Khi về nghỉ hưu ông là Chính ủy Sư đoàn 316.
Tôi hỏi:
- Thưa bác, khi bố cháu mất, cháu còn quá nhỏ nên bây giờ không nhớ được nhiều, bác có thể nói cho cháu một đôi điều về bố cháu được không ạ?
Bác Hinh ôn tồn nói:
- Ai chứ bố các cháu với bác thì không chỉ là anh em mà còn là bạn tâm giao nữa. Bố cháu là người giác ngộ cách mạng cho bác, bác được như bây giờ phần lớn là nhờ công chỉ dắt của bố cháu. Mọi người ai cũng thương yêu, nể trọng không phải vì bố cháu là chủ tịch, hay bí thư cấp huyện, cấp tỉnh, mà bằng biểu hiện trong công việc hằng ngày. Dù là lao động chân tay hay trí óc, bố cháu đều có một cách giải quyết riêng, thông minh, độc đáo và thuyết phục. Bố cháu là tấm gương lớn về sự quả cảm và hết mình vì quê hương, vì đồng đội. Khi được tin bố cháu hy sinh, bác khóc mất mấy ngày. Bây giờ nghĩ đến bố cháu, bác vẫn còn rất nhiều thương cảm…
Thời gian trôi nhanh, năm nay đã kỷ niệm 103 năm ngày sinh và 62 năm ngày mất của cha tôi. Năm tháng đã tính bằng thế kỷ! Những câu chuyện về cha tôi cũng theo cố nhân về cõi vĩnh hằng. Nhiều sự kiện liên quan đến cha tôi nay đã trở thành huyền thoại, bụi thời gian hàng thế kỷ sẽ tạo thành nhiều góc khuất, làm mờ phai lịch sử.
Cha tôi tên đầy đủ là Đinh Thúc Dự (1911 - 1951) người xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông nội cha là Đinh Mẫn Cấp, từng đỗ đạt trong kỳ thi Hương năm Bính Tý (1876), nhưng nội tự thấy mình không phù hợp chốn quan trường, nên trở về quê làm nghề dạy học, vì thế quen gọi là cụ Hương Cấp hay cụ Hương Đồ. Cụ là nhà nho khí khái, lại giàu nhất làng, nên ngay cả bọn kỳ hào ác bá ở địa phương cũng phải nể trọng. Cụ đã từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và phong trào Đông du.
Thân phụ cha tôi là Đinh Đức Hợp, từng học chữ quốc ngữ tại trường Xuân Bảng, huyện Xuân Trường cùng với người em trai là Đinh Văn Bính thường gọi là Tổng Cáp. Ông nội tôi bỏ dở việc học, về làng tiếp tục nghiệp cha làm nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người. Ông nội tôi có hai đời vợ. Người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Mộc, sinh cho ông được ba con trai và hai con gái. Sau khi bà Mộc qua đời, ông nội tái giá với em ruột vợ là bà Nguyễn Thị Quỳ, bà Quỳ chỉ sinh cho ông một người con gái duy nhất đặt tên là Đinh Thị Mậu (tức là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Vân). Cô Mậu mới được sáu tháng tuổi thì thân phụ qua đời, tất cả sáu anh chị em của cha tôi đều được ông nội là nhà nho, lương y nổi tiếng Đinh Mẫn Cấp nuôi nấng và dạy bảo. Vì vậy mà cha tôi chịu ảnh hưởng tinh thần dân tộc, tinh thần Đông Kinh nghĩa thục, chống lại cường quyền áp bức của thực dân, phong kiến.
ở đây tôi cũng xin nói thêm, trong số sáu anh chị em ruột thịt của cha tôi, thì cô Vân và cha tôi là có tình thân rất đặc biệt, mẹ tôi bảo từ tấm bé hai anh em cứ “bện” lấy nhau, nhường nhịn và thương yêu nhau đến kỳ lạ, bởi hai anh em bú chung bầu sữa và cùng lớn lên trong vòng tay của mẹ Nguyễn Thị Quỳ.
Ruộng đất của cụ Hương Cấp là tư điền hương hỏa của tổ tiên để lại, đều thuộc chân ruộng tốt nhất làng, là nguồn sống chính của gia đình. Song gia đình cụ lại không sống bằng nghề nông mà chuyên tâm vào nghề dạy học và bốc thuốc cứu người. Cha tôi sống trong một gia đình nho giáo, có truyền thống học hành, khoa bảng, tư chất lại thông minh, hiếu học, có tiếng là học giỏi. May thay, cha tôi lại được hưởng cái ân phúc trời cho là “mẹ kế nuôi con chị”. Bởi vậy, bà Quỳ đã dành trọn tình thương yêu, chăm sóc đặc biệt đối với cha tôi, bà tằn tiện, bớt ăn bớt tiêu để dành tiền nuôi cha tôi ăn học đến nơi đến chốn. Bà nội trẻ chỉ có mơ ước là sau này cha tôi sẽ mang lại vẻ vang cho dòng tộc như cái tên Đinh Thúc Dự mà ông nội đã đặt cho.
Cha tôi học tiểu học ở trường làng. Năm 1925, Trường tiểu học Hạ Miêu ở làng bà trẻ thành lập do thầy giáo Đào Đình Mẫn quê ởthôn Tu Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được quan trên “bổ” về dạy học theo chính sách “bảo hộ”. Hồi đó, tuy còn ít tuổi nhưng cha tôi đã có ý thức nhìn nhận về đời sống xã hội đương thời, suy nghĩ và quan tâm tìm hiểu thực trạng của xã hội qua những câu chuyện của dân chúng do các bạn nho của ông nội lạm bàn. Đúng lúc đó, thầy giáo Mẫn là người đã mang nguồn ánh sáng mới, gieo vào lòng cha tôi và những thanh niên hồi đó niềm hy vọng của những hạt giống vô sản đầu tiên của quê hương, trong đó nhóm học trò họ Đinh ở Đông An được thầy Mẫn bồi dưỡng lòng yêu nước, tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản để họ cùng có chung nguyện vọng đánh đuổi đế quốc phong kiến, giành độc lập cho dân tộc.
Tiếp sau đó, cha tôi và nhóm thanh niên yêu nước làng Đông An may mắn được sự giác ngộ cách mạng của đồng chí Phạm Quang Lịch, tên thường gọi là Hào Lịch - Bí thư Ban Thường vụ lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Thái Bình, trực tiếp nhen nhóm, gây dựng, tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đông An. Do đó, ngày 3-3-1933, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của xã Xuân Thành được thành lập, lấy tên là Chi bộ Đảng Đông An, cha tôi được cử làm Bí thư Chi bộ đầu tiên. Từ ngày thành lập, Chi bộ Đảng Cộng sản còn rất nhiều bỡ ngỡ và hạn chế, cha tôi đã từng bước kiên trì xây dựng tổ chức đảng cơ sở ngày một vững chắc và lớn mạnh, cấp trên đã tín nhiệm và giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Phong trào phát triển không những lan rộng, mà còn đi vào chiều sâu với khí thế cách mạng sôi nổi gắn liền với nguyện vọng và quyền lợi của quần chúng như: Sự kiện Chi bộ lãnh đạo quần chúng khởi kiện chủ thầu Đặng Vũ Chẩn tới Tòa Khâm sứ, buộc tòa bắt chủ thầu Chẩn phải trả tiền đền bù hoa màu cho dân do bị phá ruộng vườn để đắp đê. Phong trào giúp người nghèo thoát nạn mù chữ. Người nghèo đi học không mất tiền học và giấy bút, phong trào đảng viên đi thâm nhập thực tiễn lao động, v.v.. Thời kỳ này, Chi bộ đã bí mật cài cắm đảng viên vào hệ thống tổ chức chính quyền địa phương giữ chức phó tổng, lý trưởng nhằm nắm tình hình và che mắt địch. Chi bộ nắm chắc hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người dân, xây dựng cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng an toàn, vững chắc.
Cấp trên nhận thấy Tân An (xã Xuân Thành) là cơ sở cách mạng thật sự lớn mạnh, nên Trung ương đã tin tưởng cử về địa phương nhiều đồng chí cán bộ cao cấp trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với Chi bộ Đảng địa phương vận động cách mạng, trong đó có các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Hồ Đen, Đặng Xuân Thiều, Đặng Quốc Bảo, Hoàng Văn Tiến... Được cấp trên tuyên truyền giác ngộ, các đảng viên trong Chi bộ được tiếp cận, mở rộng phạm vi hoạt động, phối hợp với nhiều chi bộ đảng trong và ngoài địa bàn huyện Xuân Trường. Từ đó, mỗi đảng viên được trang bị thêm nhiều kiến thức, lý luận cộng sản, những vấn đề bị bó hẹp trong địa phương nay đã được mở rộng ra phạm vi cả nước. Công tác lãnh đạo tuyên truyền, giáo dục quần chúng, kết hợp với sự chỉ đạo của Trung ương, sự kết hợp chặt chẽ trong những năm tháng trứng nước của phong trào đã giúp cho Chi bộ luôn đi đúng hướng, đúng quy luật vận động, nên không mắc phải sai lầm dù là nhỏ nhất làm ảnh hưởng và phương hại đến cách mạng. Vì vậy, Chi bộ Đảng Đông An là một trong những Chi bộ Đảng hoạt động nổi tiếng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám ở phủ Xuân Trường.
Cha tôi là người thông minh, quyết đoán, nhưng rất cầu thị. Tự rút kinh nghiệm trong thời gian trực tiếp lãnh đạo và tiếp thu sự lãnh đạo từ Trung ương, nhất là nhóm trí thức cách mạng ở Hành Thiện như các đồng chí: Đặng Xuân Thiều, Đặng Quốc Bảo...,ông đã vượt qua được những hạn chế về trình độ lý luận chính trị, về tư duy cục bộ, bản vị, địa phương. Cha tôi đã đem lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin áp dụng vào thực tiễn cách mạng ở địa phương. Ông khẳng định: Phải giữ vững quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với cách mạng, gắn chặt tinh thần yêu nước với phong trào quần chúng, chấp hành và tranh thủ sự lãnh đạo của Trung ương là con đường duy nhất, đúng quy luật để đi đến thành công.
Vì vậy, dưới sự cổ vũ và giúp đỡ của các đồng chí Trung ương về địa phương hoạt động cách mạng, ông đã nhanh chóng trở thành người có lý luận mácxít vững vàng, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của đảng viên và quần chúng nhân dân ở địa phương.
Từ sự kết hợp lý luận chủ nghĩa Mác với thực tiễn cách mạng qua các phong trào ở địa phương là tiền đề để ông tiếp bước trên con đường cách mạng sau này với những cương vị và trọng trách cao hơn.
Ngày 20-8-1945, cha tôi đã lãnh đạo Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Xuân Thành và quần chúng nhân dân trong huyện thực hiện thành công lệnh tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện lỵ Xuân Trường và Giao Thủy không mất một viên đạn và không đổ một giọt máu nào, là thắng lợi có ý nghĩa lớn nhất của cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo tài tình, biết vận dụng thời cơ của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông An do ông làm Bí thư.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cha tôi được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Chủ tịch ủy ban kháng chiến và Bí thư Huyện ủy Xuân Trường. Trong những ngày cách mạng mới thành công, cơ sở vật chất còn vô cùng thiếu thốn, để thống nhất sự chỉ đạo thường xuyên và liên tục trong mọi hoạt động nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, nên trụ sở Huyện ủy Xuân Trường đầu tiên được đặt tại nhà bà Đoàn Thị Nhỡ (xóm 4, thôn Đông An, xã Xuân Thành, sau đó cơ quan Huyện ủy Xuân Trường chuyển về Trà Bắc, xã Xuân Bắc ngày nay).
Từ cuối năm 1949, nhiều huyện lỵ của tỉnh Nam Định bị địch tạm chiếm. Đây là thời kỳ toàn quốc kháng chiến, cơ sở đảng ở vùng địch hậu rút vào hoạt động bí mật. Những năm tháng gian khó, cam go của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp được gọi là “Thời kỳ hai năm bốn tháng”. Quân địch lập “tề”, bắt lính và khủng bố rất tàn khốc những gia đình có người tham gia kháng chiến. Mặc dù vậy, cha tôi vẫn kiên cường bám đất, bám cơ sở để trực tiếp chỉ huy chống Pháp ở ba huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Ông đã được nhiều cơ sở cách mạng đùm bọc và che giấu, nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng dũng cảm của người dân đã không sợ hy sinh gian khó, dũng cảm bảo vệ cha tôi thoát khỏi sự truy sát của địch.
Thời kỳ này đáng nhớ nhất là phong trào “Phát động du kích chiến tranh”. Chỉ trong một đêm, đúng giờ đã định, toàn bộ các điếm canh của địch ở khắp các làng tề đều bị quân du kích đốt cháy. Đêm ấy, toàn huyện Xuân Trường và một số điếm canh ở hai huyện Giao Thủy và Hải Hậu bốc cháy như một biển lửa. Trận đánh bất ngờ, không có tiếng súng mà chỉ có ngọn lửa căm hờn đã khích lệ và tiếp sức cho phong trào du kích toàn vùng, đồng thời làm cho địch hoang mang lo sợ, khiến lực lượng của chúng phải co cụm lại, tạo điều kiện cho lực lượng kháng chiến mở rộng địa bàn kiểm soát.
Cuối năm 1949, cha tôi được Đảng giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Nam Định. Năm 1950, ông vinh dự được bầu là một trong hai đại biểu chính thức của tỉnh Nam Định đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Đại hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên trong cả nước .
Sau khi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, từ Tuyên Quang trở về Liên khu III,cha tôi được Trung ương điều động sang quân đội để phụ trách công tác hậu cần phục vụ chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là chiến dịch Quang Trung). Mở đầu từ ngày 28-5 và kết thúc ngày 20-6-1951, do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ huy, nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Đáy của thực dân Pháp ở mặt trận Hà Nam Ninh (thuộc địa bàn ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình ngày nay).
Nhiệm vụ của công tác hậu cần phục vụ chiến dịch với nội dung cô đọng như sau: “Công tác hậu cần chuẩn bị khẩn trương, phải bảo đảm vật chất cho gần 50.000 bộ đội và 45.000 dân công. Tháng 5-1951 phải hoàn thành khối lượng vật chất gồm 2.870 tấn gạo, 1.450 tấn thực phẩm (trong đó có 80 tấn thịt), 190 tấn đạn, chuẩn bị cơ sở và phương tiện cứu chữa cho 2.000 - 2.500 thương binh với 5.100 giường bệnh. Đến ngày nổ súng, mọi công tác chuẩn bị đã đảm bảo để chiến dịch nổ súng đúng thời gian”.
Chiến dịch Hà Nam Ninh đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, tạo nên một thắng lợi về chính trị trong chiến dịch. Do đó, ngày 27-6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen các chiến sĩ tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh tiêu diệt hơn 20 đại đội địch, “đã làm lay động tinh thần ngụy quân, đã phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng”.
Đây là trận đánh cuối cùng của cha tôi. Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, trong một chuyến công tác hậu địch, ông đã anh dũng hy sinh vào ngày 8-10-1951 (tức ngày mồng 8 tháng 9 âm lịch), khi ấy ông mới tròn 40 tuổi.