Đinh Quang Tỉnh
Thành viên mới
Mâm cỗ giò độc đáo trong lễ tưởng niệm Mẹ
Mâm cỗ có những món Mẹ yêu thích. Ảnh: Anh Kiệt
Ngày 14 tháng 01 năm 2015 (24 tháng 11 năm Giáp Ngọ), là ngày giỗ năm thứ ba của cụ bà Đào Thị Lộc vợ liệt sỹ Đinh Thúc Dự. Hôm đó theo ngày sinh, là ngày cụ tròn trăm tuổi. Hai trong một, vừa ngày sinh mẹ, vừa ngày giỗ mẹ, đã được gia tộc tổ chức với niềm kính yêu, thương nhớ, đồng thời lại đầm ấm và rất độc đáo, mang hồn cốt của nơi đấng sinh thành từng sống.
Người Việt khi nghĩ đến làm cỗ giỗ chạp là làm theo cổ truyền 8 món, bốn bát, bốn đĩa.v.v…Ngày nay, con cháu “Tây học” đã có đôi chút thay đổi, hay dâng lên ông bà, cha mẹ…những món lúc sinh thời các cụ ưa thích. Nào là bún riêu, chả giò, cá rán, đôi khi mang cả chai rượu tây Chivas 18 năm vì nghĩ thời nghèo các cụ không biết mùi rượu Scotland.
Vốn quê ở Nam Định, bà mẹ theo con trai trưởng Đinh Thanh công tác tại Quảng Yên ( Quảng Ninh), cụ coi như quê hương thứ hai của mình. Hiểu tâm tư của người dưới suối vàng, nên con cháu đã tổ chức một Lễ tưởng niệm theo đúng hồn quê xứ sở của Mẹ.
Quê Quảng Yên có cách làm cỗ khá lạ. Họ chế biến các sản phẩm từ thịt lợn thành các loại giò, sinh động, đẹp…và tất nhiên, rất ngon. Tuy nhiên, cũng như nhiều nét tinh tế khác trong văn hoá sống hiện nay, ẩm thực cũng bị mai một dần. Người làm cỗ cầu kỳ tạo các loại giò từ các loại lòng cho đến thịt của lợn thành mâm cỗ độc đáo không còn nhiều.
Khoanh giò mang hình trái tim. Ảnh: Anh Kiệt.
Một con lợn, cụ Mô có thể làm đến 5 loại giò, trong đó có giò từ lòng lợn. Nhưng loại này không để được lâu, nên thường chỉ làm giò hoa, giò trái tim ngũ sắc…Cái khéo của người chế biến là lấy toàn bộ da của lợn để làm khuôn định vị cho các loại giò mình muốn làm. Những ai đã từng lọc bì để lấy mỡ rán, sẽ hiểu rất khó để lọc đều. Lọc làm sao không tận sát bì, để lại đều một lớp mỡ mỏng, chính lớp mỡ này, tạo viền ngoài cho khoanh giò và đó là thành phẩm đẹp.
Anh trưởng Đinh Thanh giới thiệu nghệ nhân Nguyễn Văn Mô (đội mũ)
với khách dự tiệc rượu
Trông như giò xào, ăn cũng giống giò xào, nhưng giò được luộc, độ ngon vừa, phụ thuộc vào tài năng của nghệ nhân xác định, với con lợn nào thì tương đương khoảng thời gian bao nhiêu, để cho giò chín vừa phải, không nhừ, không sượng bì.
Khi bó giò, lớp ngoài cùng là bì còn mỡ mỏng cỡ 0,2cm, đều đặn, lớp mỡ càng đều càng đẹp. Sau đó đến lớp trứng vàng, rồi cà rốt tạo hoa, mộc nhĩ, nấm hương, và các loại thịt nằm giữa. Khi bó đem luộc tạo hình chữ nhật tù hai đầu, tù hai đầu khéo độ cong, thì tạo ra được hình trái tim đẹp. Lúc thái giò, cần tính độ chéo nhọn, sao cho khi lật ngược, thì vừa khít độ nhọn của đỉnh trái tim.
Anh chị em bạn bè thân thiết, sau khi thắp nén hương tưởng nhớ cụ, ôn lại những kỷ niệm xưa về bà mẹ. Sinh thời Mẹ rất mê nghe hát văn, nên các con đã mời ca nương Hương Quế cùng nhạc sĩ dân tộc Xuân Ba đệm đàn hát dâng “Ngồi buồn nhớ mẹ”, cùng nhiều bài dân ca ưa thích của vùng Nam Định quê hương.
Ai cũng có mẹ để yêu, để kính, để nhớ. Mừng cho ai còn có mẹ để có nơi chốn nương níu tình thương mẫu tử. Chia sẻ với những ai chỉ có thể nhớ mẹ trong hoài niệm.
Phạm Tâm Hiếu
Ảnh: Anh Kiệt