Chuyện về những chiếc hầm bí mật

Đinh Đức Đạt

Thành viên mới
Chuyện kể về những chiếc hầm bí mật.
Đến thời chúng tôi, năm sáu mươi tuổi là về hưu.Rất nhiều người giống như tôi, khi về hưu chúng tôi có hai thứ, một là một cái sổ hưu để sống ở một địa chỉ nhất định, hai là có thời gian để tham gia hội hè, du lịch, Tất nhiên cũng có những người phải bươn trải kiếm thêm .
Tôi tự nguyện tham gia một “hội“, hội này hình thành một cách tự nhiên. Tuy có ngày lập hội, có người đứng đầu gọi là trưởng hội. Nhưng hội này quản lý rất “mở”: gia nhập không phải đơn từ, khó khăn không muốn thì thôi không tham gia. Khi cần triệu tập thì cần điện thoại hoặc nhắn tin có liên quan đến C9 là chúng tôi có mặt. C9 là phiên hiệu của một đại đội gồm một trăm sinh viên các trường: Đại học Bách Khoa Hà Nội
( khoa Vô tuyến điện tử, Cơ khí, Động lực), Đại học Tổng hợp( khoa Văn, Sử), Đại học Sư phạm Ngoại ngữ ( khoa tiếng Trung, Nga), nhập ngũ ngày 3 tháng 9 năm 1991 và được huấn luyện tại Trường Sĩ quan CANDVT Sơn Tây. Anh em chúng tôi, sau giải phóng sống ở khắp Bắc,Trung, Nam vẫn nhớ về nhau, tình cảm thân thương và gắn bó vô cùng.
Tháng ba vừa rồi, tôi nhận được điện thoại “ Dũng Còm, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra chơi, muốn gặp anh em, đến nhé; Ở Hight Land – Bảo tàng Quân Đội ấy”. Được lời như mở tấm lòng, tôi có mặt ngay sau đó.
Tôi và Dũng cùng nhập ngũ, sau huấn luyện chúng tôi lại được phân về cùng một đơn vị là Trạm cửa khẩu Nậm Cắn, đồn 75 CANDVT Nghệ An. Dũng ít tuổi hơn tôi, người cao, gầy, con của một cán bộ cao cấp, sống tình cảm, hơi có dáng vẻ nghệ sĩ hay hát nhạc vàng và biết chơi đàn ghi ta. Thời còn ở đồn Biên phòng chúng tôi coi nhau như anh em. Có lần cùng về phép tôi đã đưa Dũng về Xuân Trường thăm mẹ tôi. Tôi và Dũng còn nhớ mãi món quà của má Dũng gửi biếu mẹ tôi là một gói mắm “ Ruốc” nặng đến một kg, mua được ở cửa hàng cung cấp Tôn Đản. Sau giải phóng Dũng xin vào công tác ở cơ quan Bộ tư lệnh CAVT( sau này đổi thành Bộ đội biên phòng) ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế là đã hơn bốn mươi năm rồi, chúng tôi mới gặp lại nhau.Thật là cảm động. Vì có đông bạn bè nên chúng tôi không tâm sự được nhiều, Dũng cho địa chỉ khách sạn và hẹn tôi chiều đến chơi. Buổi chiều như đã hẹn, tôi đến khách sạn thăm bố con Dũng. Do có hẹn nên Dũng chờ tôi một mình, cậu con trai đi thăm một người bà con bên ngoại trên phố hàng Giấy. Dũng vẻ hơi buồn buồn chia sẻ với tôi: “ Sau khi về Nam em cưới vợ, Phương vợ em khi ở Hà Nội học Sư phạm ngoại ngữ Anh văn vào trong này bố em xin cho một chân bán lưu niệm trong sân bay, em làm ở hậu cần của cơ quan Bộ Tư lệnh, cuộc sống nói chung là ổn định. Mãi đến năm 1990 (Canh Ngọ) thì sinh được thằng cu, em đặt tên cho nó là Bắc, vài năm sau đó chúng em lại có thêm một cháu gái đặt tên là Phượng. Hai cháu ngoan và học được, cháu Bắc sau khi tốt nghiệp phổ thông thi đỗ Đại học Kiến Trúc, theo phong trào vợ chồng em cố chạy cho cháu sang Pháp học. Nhưng học mãi chưa lấy được tấm bằng. Cuối năm ngoái cháu Email về nói là con sẽ về thăm bố mẹ để kết thúc sáu năm học cho bố mẹ, và sang đi làm lấy tiền tự học cho mình. Vợ chồng em tưởng cháu đùa, sau hỏi ra mới biết là ở bên Pháp, kiến trúc là một nghề tinh, đòi hỏi tính sáng tạo cao, lấy được tấm bằng “ kiến trúc sư” là rất khó. Đành phải chấp nhận, cháu còn nói sẽ theo học một ngành Xã hội có dính dáng đến văn hóa, du lịch cho dễ tốt nghiệp và sau này kiếm được nhiều tiền. Trong chuyến về này cháu có ý định du lãm khắp Bắc, Trung, Nam, để lấy tài liệu viết luận văn về những căn hầm của Việt minh và những nét Văn minh của của người Pháp để lại ở Đông Dương. Tôi ở chơi chừng một giờ đồng hồ thì Bắc về. Dũng giới thiệu tôi với Bắc với ý muốn chúng tôi hiểu về nhau nhiều hơn. Tôi cũng đã có thời được hưởng cái lo “ con cái lớn khôn đang tuột khỏi tầm tay của mình”, lo mất con theo cái lý lẽ cổ hủ, lo ảnh hưởng của ngọn triều ô nhiễm của văn hóa ngoại với tuổi trẻ. Tôi hỏi Bắc nhiều về chủ đề mà luận văn Bắc cần tìm hiểu. Bắc nói đang theo học một ngành khoa học xã hội hiện đại liên quan đến văn hóa, chú trọng đến đời sống, tư tưởng hiện đại, hoài niệm, phục hồi văn hóa cổ. Bắc diễn tả cho tôi nghe ý đồ thể hiện cho bạn bè biết một nền văn hóa trong lòng đất, mà dân tộc ta sống và tồn tại. Địa đạo, hầm bí mật những kiến trúc kỳ vĩ chỉ có ở Việt Nam. Bắc còn nói vì có được một chút hiểu biết về kiến trúc Pháp nên muốn sưu tầm một ít tài liệu về những nét Văn minh mà người Pháp còn để lại ở Việt Nam. Nói rồi Bắc cho tôi xem những gì đã sưu tầm được ở Địa đạo Củ Chi – cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Tây Bắc và Địa đạo Vịnh Mốc Thôn Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hai bác cháu trò chuyện có vẻ tâm đầu hợp ý, Bắc đề nghị tôi cùng đi với bố con lên Điện Biên thăm hầm Đờ Cát. Tôi nói với cháu rất muốn đi cùng, nhưng vì có bệnh tim nên không lên miền núi được. Nếu cháu muốn có tư liệu về “ hầm” ở miền Bắc và kiến trúc Pháp thì bác mời bố con cháu về thăm Xuân Trường quê bác, bác sẽ giới thiệu cho. Sau khi trao đổi lại với nhau, hai bố con Dũng đồng ý về thăm quê theo lời mời của tôi.
Hôm sau theo kế hoạch, bố con Dũng thuê một chiếc xe con đưa chúng tôi về thăm Xuân Trường. Năm nay sắp đến thanh minh rồi mà tiết trời còn se se lạnh, khô hanh, thật đẹp cho việc đi du lịch. Chúng tôi rời Hà Nội sớm, về đến thành phố Nam Định mới 8 giờ, tôi nói anh lái xe cho tới một hàng phở bò trước nhà thờ lớn Nam Định. Quán phở này dân lái xe hầu như ai cũng biết. Tôi giới thiệu với Bắc,Nam Định là một trong những tỉnh có nhiều nhà thờ đẹp nhất cả nước, nhà thờ lớn Nam Định là một trong số mười nhà thờ đẹp ấy, số còn lại nằm ở các huyện, riêng Xuân Trường có tới sáu thắng cảnh ( 1- Tòa Giám mục Bùi Chu, 2- Tiểu Vương cung thánh đường Phú Nhai, 3- Đền Thánh Kiên Lao, 4- Nhà thờ Trung Linh, 5- Giáo sứ Thánh Danh, 6- Nhà thờ Phú An).
Từ thành phố Nam Định xuôi theo quốc lộ 21 qua cầu Lạc Quần rẽ phải theo con đường chạy men sông Ninh Cơ là tới thị trấn huyện Xuân Trường, đi tiếp chừng hơn một km là tới xã Xuân Ngọc nơi có Tòa Giám Mục Bùi Chu. Bùi Chu là khu vực đạo Thiên Chúa truyền bá vào sớm và có ảnh hưởng sâu rộng, nhà thờ tập trung với mật độ cao, qui mô lớn. Giáo phận Bùi Chu với hai con sông Hồng và sông Đáy bao bọc là một xứ đạo lâu đời và Tòa Giám Mục có kiến trúc Á Đông điển hình. Vì thế tôi đưa Bắc vào thăm nơi đây trước, cũng là tiện đường về quê. Tòa Giám Mục Bùi Chu ( xã Xuân Ngọc) là một nhà thờ của đạo Kito. Đầu nhà thờ là nhà xứ và các tháp chuông đồng hồ hiệu Farnier đã có từ năm 1848, đây là cổng Tòa Giám Mục, bên trái có Dòng Nữ Đa Minh và Cô Nhi Viện. Ngay tại gian giữa, Bắc thấy sửng sốt và cảm động vì khi ở Pháp, Bắc cũng đã có nhiều lần vào các nhà thờ, nhưng đây là lần đầu tiên thấy tượng Đức Mẹ cho con bú đẹp và uy nghi đến thế .Đức mẹ bồng con ngồi trên võng tía, võng được móc vào hai cây trúc sơn son thiếp vàng. Đây là một bức tượng có một không hai ở Việt Nam. Đức mẹ được Việt hóa với áo dài nhung kim tuyến, quần sa tanh trắng, chân đi hài kiểu quí phái, mái tóc đên óng ánh. Phía trần nhà trên đầu Đức mẹ là một bức phù điêu tuyệt tác tả khung cảnh hiển vinh của các Thánh tử vì Đạo trước vị vua Vinh hiển là Đức Kito Phục Sinh. Lướt qua một số chốn linh thiêng khác, Bắc ghi nhận được một kỳ quan nữa là các nhạc khí của giáo phận quả là rất đặc sắc. Nhạc cụ chế tác độc đáo,tinh vi. Đó là chiếc kèn đồng Trumpet lớn nhất Việt Nam, dài 5m, cao 1,6m, nặng 300 kg là sản phẩm do nghệ nhân Ngô Văn Hòa
( Xóm 4 , xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường) chế tạo. Vì không có nhiều thời gian nên tôi đưa Bắc thăm lướt qua nhà thờ Trung Linh. Trung Linh nằm chỉ cách Tòa Giám Mục khoảng hơn một km. Nhà thờ xây vào năm 1928 đẹp như tranh vẽ, là nơi ưa thích để các cặp uyên ương đến chụp ảnh và tổ chức lễ thành hôn.
Nói đến kiến trúc nhà thờ trong Giáo phận chính tòa Bùi Chu không thể không đến Tiểu Vương Cung Thánh đường Phú Nhai (xã Xuân Phương) sau năm lần xây dựng, lần đầu vào khoảng thế kỷ thứ 18 và gần đây nhất vào năm 1933, dài 80m, rộng 27m, hai tòa tháp cao 44m. Phong cách kiến trúc Gothic và Baroque mang đậm phong cách Châu Âu, nhưng có nét chụi ảnh hưởng của kiến trúc cổ Việt Nam. Với vật liệu chính là gỗ quí, cung Thánh sơn son thiếp vàng mặt tiền xây theo kiểu Tam quan là những điểm mới mà khi còn học ở Pháp Bắc cũng không thấy ai nhắc đến. Mải mê với kiến trúc đến 11 giờ xe của chúng tôi mới rời khỏi Xuân Phương, cũng may đường Xuân Bắc, Xuân Phong đẹp, rộng và phẳng nên đến khoảng gần 12 giờ cả đoàn đã về đến làng Đông An.
Nói về quê tôi.Điểm đầu tính từ cầu Đá làng Đông An, đi về phía Nam dọc theo con đường làng chia ra các dong, người ta tự qui định tên dong là tên của một ai đó có vai vế trong làng hoặc người có nhà ở đầu dong. Chẳng hạn như dong nhà cụ đội Bắc, dong nhà cụ tổng Cáp, dong đình Đông An.Ở Hành Thiện người ta đánh tên dong bằng con số như dong số 1, dong số 2, dong số 3, dong số 12... Mỗi làng có một ngôi đình làng to, rộng làm nơi thờ thành hoàng chung cho cả làng hoặc để tập chung dân làng hội họp. Nhà tôi qua dong nhà cụ Tổng Cáp cũ, là một cái ngõ nhỏ đi sâu vào. Chả là vì nhà cũ đã bán đi từ lâu, những năm 2000 theo nguyện vọng của mẹ tôi các anh, chị lấy tiền lão thành Cách mạng của cụ mua lại một miếng đất và dựng cho cụ một căn nhà gạch chừng 100 m vuông để dưỡng già. Thành ra bây giờ mỗi lần về quê là có chỗ để tá túc. Trước khi về tôi đã điện cho cậu em lo sẵn cho cơm, gà, rượu để mọi người về đến nhà có đồ ăn.
Ăn uống xong, không nghỉ tôi đã dẫn Bắc đi thăm những dấu tích của “những chiếc hầm bí mật” ở quê tôi. Tôi cũng lưu ý Bắc về đặc điểm của những căn hầm này là đơn chiếc, phải rất “ bí mật” và độc lập. Nó được làm ra chủ yếu để bảo vệ một cán bộ cụ thể (đó chính là cha tôi ông Đinh Thúc Dự). Về cấu tạo nó không được đề cao bằng an toàn và bảo mật. Trước khi tìm hiểu về vấn đề này, tôi muốn đưa Bắc về hoàn cảnh, thời gian, không gian của những năm 1949, 1950 của thế kỷ trước.
Vào giữa tháng 10, 1949, khu vực đồng bằng ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình bị quân Pháp đánh chiếm. Quân Pháp chiếm Phát Diệm, Hành Thiện, Bùi Chu rồi nhanh chóng mở rộng ra các huyện có đông giáo dân. Quân Pháp đã tích cực áp dụng chiến lược chia rẽ lương-giáo để lôi kéo lực lượng Công giáo vào cuộc chiến, dùng giám mục Lê Hữu Từ, nguyên Cố vấn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng ra thành lập khu Công giáo tự trị và tổ chức, riêng các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh và một phần huyện Nam Trực thì trở thành tỉnh Công giáo tự trị. Đầu não của khu Công giáo tự trị đặt ở Bùi Chu.
Đây là thời kỳ mà người dân quê tôi gọi là " Hai năm bốn tháng", ông Đinh Thúc Dự đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch ủy ban hành chính, Trưởng ty liêm phóng, Bí thư Phủ kiêm Phủ đội trưởng huyện Xuân Trường, bí thư huyện ủy Nam Trực. Năm 1950 ông được Đảng giao nhiệm vụ Tỉnh ủy viên tỉnh Nam Định phụ trách công tác kiểm tra, trên thực tế đảm nhiệm luôn công tác Đảng của đặc khu công giáo tự trị, nhằm phá tan chiến lược chia rẽ lương-giáo để lôi kéo lực lượng Công giáo vào cuộc chiến, nhanh chóng xây dựng, khôi phục lại các căn cứ du kích, duy trì tổ chức, cân bằng lực lượng giữa ta và địch.
Về phía đối phương, lo sợ trước sự phát triển, sự khôi phục nhanh chóng các căn cứ du kích của ta, bọn tề dõng, thám báo, chỉ điểm ngày đêm càn quét, lùng sục vây bắt cán bộ, triệt phḠtận gốc phong trào cách mạng, địch phát hiện được gia đình nào chứa cán bộ, cất giấu tài liêụ, vũ khí ngay trên mảnh đất nhà mình thì lập tức người nhà bị bắn chết hoặc bị bắt giam cầm, đánh đập đến chết, nhà cửa bị đốt...
Bọn địch hình thành một hệ thống đồn bốt vây quanh xã như: số 6 (Xuân Châu), Ba Vua (Xuân Thượng), Xéctơ (Hành Thiện), Thủy Nhai (Xuân Thủy), Phong Miêu (Xuân Thành), Liêu Đông (Xuân Tân). Từ các đồn bốt này, địch thường xuyên càn quét, bắn phá vào xã, bắt bớ, bắn giết cán bộ, nhân dân, chúng bắt đi hơn 100 cán bộ, đảng viên của xã đem đi giam cầm, tra tấn ở các nhà thờ hòng đàn áp phong trào ở địa phương.
Để thực hiện chủ chương: ”Nhanh chóng xây dựng, khôi phục lại các căn cứ du kích, duy trì tổ chức, cân bằng lực lượng giữa ta và địch. Tiếp tục tuyên truyền chiến tranh giải phóng của Đảng, vạch trần những luận điệu phản động, giúp quần chúng hiểu rõ tình hình, vững tin vào thắng lợi của cách mạng. Vận dụng đúng đắn quan điểm chuyên chính vô sản, kiên quyết trừng trị phản động, trừ gian, giành thế chủ động”, nên ông quyết định về nằm vùng ở quê hương .
Ba làng: Làng Đông An, làng Liêu Thượng, làng Văn Phú vùng đất thuộc giáo xứ Cát Xuyên là địa bàn hoạt động của ông trong thời kỳ này. Ông Dự lựa chọn địa bàn này để hoạt động xuất phát từ tình yêu quê hương, tình cảm ruột thịt của mình với dòng họ, phải dựa vào người thân và họ hàng. Mặt khác vì địa bàn phụ trách rộng, phải di chuyển nhiều, quan trọng hơn là việc liên kết được chặt chẽ với Nguyệt Giám là nơi đặt trụ sở của cơ quan huyện . Trụ sở của huyện ủy tạm lánh về ấp Thiên Hành
( Nguyệt Giám) là cơ sở của Đảng do người dân Hành Thiện khai phá từ xa xưa nên rất bí mật và an toàn; Chính vì những điều kiện này nên ông chọn Xuân Thành quê hương làm địa bàn cho hoạt động bí mật của mình.
Xuân Trường nằm ở trung tâm của vùng địch hậu, Bùi Chu trở thành thủ đô của đặc khu công giáo tự trị. Hoạt động của ông Dự ở quê hương, ngày phải ở hầm bí mật, đêm lên hoạt động. Bùi Chu treo đầu ông với một giá cao khủng khiếp. Vì vậy ông ở đâu thì phải ở trong lòng dân và ở đấy phải có hầm bí mật.
Nghe tôi kể về thời kỳ này, Bắc rất hào hứng “ Nghe bác kể về hoàn cảnh và hoạt động của ông Dự, làm cho cháu liên tưởng tới hình ảnh của ông nội cháu ”.
Tôi dẫn Bắc đến vị trí từ đường nơi đặt cái cót thóc làm hầm ngày xưa và kể cho Bắc nghe: ”Sau khi ông Dự lấy vợ thì được ông bố mẹ chia cho ba gian nhà xây hướng Đông, nhìn sang cánh đồng Lang, nhà thờ Cát Xuyên. Phía sau là nhà ông bà nội ở với bác Tổng Thường, bên trái là nhà thờ tổ,(nơi tôi và Bắc đang đứng) kề bên là cơ ngươi nhà cụ Tổng Cáp, phía sau lưng nhà bác Thường là thổ cư nhà bác Hạp. Khi về nhà, ông Dự thường ở trên nhà thờ họ, vì ở đây ông có thể nắm được tin tức từ chỗ ông Thường, nếu có động ông có thể dễ dàng thoát sang nhà cụ Cáp, nhà ông Hạp, qua một đoạn bờ ao là sang được nhà thờ Tổ họ Đinh, lên xóm chùa, rồi đi Xuân Châu, bơi qua sông Hồng từ bến đò Thái Sa sang Thái Bình.
Vì nhà thờ đã treo giá cao cho cái đầu của ông, nên nhà bên nội luôn có người theo dõi, không đào hầm bí mật được, theo sáng kiến của ông Thường thì để che mắt người ngoài và con ở, ông cho chuyển cái cót thóc của ông nội tôi từ trong từ đường ra góc nhà phía gần nhà cụ Tổng Cáp. Dưới đáy cót thóc ông cho thợ mộc đóng một chiếc hòm mà thành của nó được ghép bằng những ống tre già, có một ống nứa nhỏ bằng cái ống sáo để thông hơi, ông bảo" Cái ống này có từ lâu rồi, trước đây mỗi lần cần tiền, ông vót nhọn một đầu, rồi khẽ đâm nghiêng vào cót thóc là có một thúng thóc, có tiển mà không phải xin dì ". Cửa hầm được sửa từ tấm ván chắn bậu cửa nhà thờ.
Thời gian này vào mùa hè năm 1950, vụ chiêm đã thu hoạch xong; Mới tinh mơ Đinh Quang Tuyến đã vội vàng rời nhà đi cho một ngày công tác xây dựng lực lượng ở địa bàn Xuân Phong.Trong đầu ông lúc này đã rõ ràng và đầy đủ những bước, những công việc sẽ phải làm mà ông đã ấp ủ, chả là ông mới xin được ý kiến từ anh Dự đêm qua.
Vừa xuống đến sân gạch, ông nghe thấy tiếng chim kêu nháo nhác, mấy con dơi liệng nhanh sang phía cánh đồng Lang. Ra khỏi cổng ông bắt gặp Đào văn Hanh, Hanh là cháu ngoại gọi ông bằng bác. Ông Tuyến im lặng quan sát cử chỉ của Hanh, Hanh không vào nhà mà đi thẳng về phía cầu Đá. Trong lòng thấy có cái gì đó nghi nghi, ông nhớ lại lời anh Dự nhấn mạnh về nhiệm vụ của người phụ trách Đội tự vệ, người chính trị viên trung đội thường trực huyện đội. Qua cầu Đá thấy Hanh đi thẳng về Cát Xuyên. Không còn nghờ vực gì nữa ông Tuyến vội vã quay lại nhà ông Thường. Trời còn sớm ông Thường đang nằm nghiêng ôm lấy bàn đèn trên chiếc sập gụ giữa nhà, đầu quay về phía ban thờ, mặt nhìn ra sân. Chắc vừa hút xong một điếu nên trông ông dáng điệu mệt mỏi, phê phê, nhưng rất tỉnh táo. Thấy ông Tuyến đi vào, ông ngồi bật ngay dậy: " Có việc gì mà chú sang anh sớm vậy". Ông Tuyến lại gần ghé sát vào tai ông thì thầm rồi quay lưng đi ngay. Ông Thường xắp sếp lại bàn đèn rồi kéo lê đôi guốc mộc đi lên từ đường.Thấy sự lạ cả nhà đều im lặng. Ông đi vòng quanh ngó qua một lượt thấy không có ai, ông mới cẩn thận đến gần cót thóc bí mật, một chân quỳ, một chân duỗi, tay trái chống xuống sàn nhà, tay phải đẩy cái ván chắn bậu cửa ra, đẩy đi đẩy lại mấy lần thấy cửa trơn tru, ông mới nhẹ nhàng lại chỗ ông Dự đang nằm ngủ trong gầm bàn thờ. Ông ghé sát vào tai ông Dự nói mấy câu rồi sau đó dẫn ông Dự vào cót thóc bí mật.
Đến tầm sáu giờ sáng, có một người quen ở bên Cát Xuyên đến báo với ông Thường là đội quân tử vì đạo và lính dõng sẽ sang khám nhà và bắt ông. Nửa tiếng đồng hồ sau, lính dõng và đội quân tử vì đạo ập vào nhà, tên cầm đầu đọc lệnh khám nhà. Để tìm hầm bí mật lính dõng dùng những chiếc " thuốn" bằng thép đường kính 6mm, dài khoảng 2 m có một đầu mài nhọn, đầu kia uốn cong như hình dấu móc của chữ U để làm tay cầm. Dụng cụ này dùng để đi thuốn các vị trí nghi là có hầm bí mật, cót thóc ở nhà Thờ nơi giấu ông Dự cũng bị thuốn ngang, thuốn dọc. Với ý thức cảnh giác cao độ ông Dự đã chuẩn bị chống trả các tình huống khi bị tấn công; vì thường xuyên phải đi về trong đêm nên trong người ông lúc nào cũng có một chiếc bật lửa vỏ bằng đồng. Nằm trong cót thóc ông nghe được tiếng động và tiếng di chuyển cọt kẹt chậm chạp của thuốn. Vì thế dù trong tối ông vần né tránh được, xoay tay đưa chiếc bật lửa để đỡ vào mũi cái thuốn. Nhưng trong một khoảng không gian quá chật hẹp, ông không kịp trở tay nên ông bị dính một vết đâm vào vai, ông bình tĩnh lấy chiếc khăn tay bao quanh cái thuốn rồi đẩy ngược mũi thuốn trở lại để thuốn không đâm sâu vào vai mình và lau vết máu đọng lại trên thuốn. Cũng may là người lính ngụy còn trẻ và chất phác, âu cũng là số trời vậy. Sau gần một giờ khám xét, đào bới khắp nơi không tìm thấy chứng cứ gì, tên đội trưởng ra lệch cho binh sĩ dưới quyền trói ông Thường lại để áp giải ra đình Đông an tra xét. Ông Thường nói:" Tôi là chánh tổng, là người của chính quyền, các ông muốn bắt tôi phải có lệnh ". Tên đội trưởng nói:" Anh em cứ gô cổ ông ta lại và giải ra đình, ông ấy muốn có cái gì sẽ có cái đó".
Sân đình Đông An nằm ở giữa làng kiến trúc theo hình chữ Nhất, đình nhằm hướng chính Đông, trước đình là sân lát gạch rộng khoảng một sào, giáp đường làng và đường lên đồng chùa có xây một bước tường gạch hoa hình thước thợ. Để thị uy, tên đội trưởng, cho tập hợp dân làng về sân đình. Buổi tra khảo ông tổng dùng dình mãi đến giáp giờ Ngọ mới tiến hành được. Ông Tổng Thường bị trói cả chân lẫn tay nằm còng keo giữa sân, đúng là hình ảnh của con kiến nhỏ nằm giữa cái chảo nóng, duy chỉ có nét mặt ông là vẫn cương cường không tỏ ra một chút nao núng. Trong thâm tâm ông cho rằng, người ta sống chết có số, nhân sinh bất hành lạc, thiên tuế diệc vi thương (Ở đời sống không có mục đích, sống không hành lạc thì sống nghìn năm cũng như đứa chết yểu) theo số thì ông không phải là người chết yểu rồi, để xem chúng nó làm gì được. Ông cứ trừng trừng đôi mắt, không rên la, không mắng mỏ. Tên đội trưởng tự vệ đoàn công giáo trong dáng vẻ bối rối nói:" Ông Thường, ông có biết ông mắc tội gì không?". "Tôi sẽ không trả lời ông nếu các ông đối xử bất kính đối với tôi, đề nghị cho tôi gặp cha Khâm.Tên đội trưởng tự vệ đoàn công giáo nói tiếp: " Nhân viên của phòng nhì ( deuxieme bureau) đã báo cho giáo xứ biết hiện ông đang che dấu tên lãnh đạo của Việt Minh - tên Đinh Thúc Dự, lấy danh nghĩa chúa cứu thế yêu cầu ông khai báo thành khẩn". Ông Thường:" Tôi không gặp chú Dự đã lâu lắm rồi, không biết tin tức gì về chú ấy, nếu các ông có tin gì về chú ấy thì cho tôi biết với, tôi xin đa tạ các ông". Tên đội trưởng tự vệ đoàn công giáo trở mặt nói:" Nếu ông một mực không khai, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp mạnh, anh em xử đòn xăng tan". Mấy tên lính đứa thì gậy tre vụt vào mông, vào lưng ông, vài tên lính dõng đi giầy xăng đá thay nhau đá vào ngực ông mạnh đến mức ông ộc cả máu ra miệng. Với thường dân mấy ai có thể chụi đựng được cảnh tra tấn này. Còn đối với ông dù có phải chết ông cũng không thể khai. Là người đọc sách thánh hiền nhằm lúc nhà gặp biến cố chao đảo bởi thời cuộc, là anh cả trong nhà ông không thể bán nghĩa cầu vinh, là người thông minh, cao ngạo ông nghĩ rằng đây là lúc mình là người được chọn trong cuộc đấu đầu lương- giáo. Ông phải thắng trong cuộc giao chiến này. Trời đã về chiều, thấy không khuất phục được ông Tổng Thường, tên đội trưởng tự vệ đoàn công giáo tuyên bố giải tán cuộc tra khảo. Đám lính ngụy lục tục rút về theo đường cầu Đá. Người nhà cáng ông Thường về, ai cũng lo lắng sót xa.
Ở từ đường, ông Dự nằm nghiêng trên chiếc tràng kỷ, bà Lộc( vợ ông) chăm sóc vết thương cho ông trong tâm trạng rối bời. Xế chiều thì bà Vân mới từ Thọ Vực về đến nhà. Vừa gặp mặt bà Lộc đã đem hết sự tình kể lại cho bà Vân, việc lớn như vậy bây giờ chỉ còn có trông cậy vào cô Vân. Bà Vân uống một ngụm nước rồi vội vã lên nhà thờ thăm anh. Sau ít phút trao đổi, bà Vân mở băng vai của ông Dự để kiểm tra rồi quay lại nói với bà Lộc:" Chị lấy nước sôi để nguội pha với một thìa muối rửa vết thương cho anh, để khô rồi rắc vào một ít bột apspirin sau đó băng chặt lại , phòng khi phải di chuyển". Bà Lộc nói:" Vâng, tôi cũng đã làm như vậy, có điều tôi muốn nói với cô là tôi muốn gửi anh Dự vào chỗ cụ Hương Vịnh vì ở nhà mình bây giờ anh Thường đã bị phòng nhì vào sổ đen rồi, anh Dự lại đang bị thương cần được chăm sóc". Bà Vân nói:" Chị cứ bình tĩnh để em sắp xếp, em sẽ hỏi thêm ý của anh Thường rồi quyết định". Chờ cho ông Thường tỉnh hẳn, bà Vân mới sang gặp anh, sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông, bà Vân nói:" Tình hình bây giờ rất phức tạp, nhà mình không còn an toàn nữa, em muốn chuyển anh Dự đến cơ sở khác, ý anh thế nào?". Sau một hồi suy nghĩ :" Ý cô rất hợp ý anh, anh định gửi chú ấy vào chỗ ông Lý Phách. Anh chẳng phải nói nhiều thì cô cũng biết ông Lý Phách với anh là chỗ thân tình, vả lại các anh còn có quan hệ ràng buộc với nhau, từ xưa đến nay anh nói gì ông ấy cũng nghe anh, ngay sau đây anh sẽ nói ông Phách cho các con đào một cái hầm bí mật, chuẩn bị thêm vài việc nữa thì sẽ gửi chú ấy vào trong đó". Nói rồi ông sai anh Khải vào nhà ông Phách mời ông cậu ra nhà chơi. Ông cho người làm lau chùi thêm một bàn đèn nữa và chiếc sập gụ nơi ông nằm, đi đi lại lại chờ ông Phách đến. Trời nhá nhem tối thì ông Phách đến nhà. Từ xa ông Phách đã nói vọng vào :" Nghe tin anh gặp hạn, tôi chửa vào thăm được lại để anh phải gọi thật là ái ngại quá! ". Ông Thường:" Sự đời nó thế, đói thì phải tìm ăn, khát thì phải tìm uống, có cục tức trong người thì phải tìm người giãi tỏ, hỏi tôi không tìm đến cậu thì để tức mà chết à, mời cậu vào xơi điếu thuốc rồi ta nói chuyện". Ông Thường lấy bàn đèn và thuốc đưa cho ông Phách. Hai ông chăm chú châm phiện và hít một hơi. Ông Thường tợp một ngụm nước sôi rồi nói:" Tôi nay đường đường là chánh tổng làng Đông An bao nhiêu năm mà mấy đứa mới mở mắt bên Cát Xuyên coi tôi không ra gì, mượn thế giặc Pháp đánh tôi thậm tệ trước bàn dân thiên hạ, làm nhục gia đình tôi, chèn ép, bức bách tôi hòng bắt tôi khai ra chỗ chú Dự, làm sao tôi chịu nổi, cậu phải giúp tôi giải mối hận này, mặt khác bọn phòng nhì đã đánh hơi thấy sự có mặt của chú Dự, vì vậy tôi muốn gửi chú Dự vào ở chỗ cậu, gọi là để lách nạn. Ý cậu thế nào?". Ông Phách lim dim đôi mắt suy nghĩ, trong cơn phê thuốc ông nói luôn:" Anh gửi chú ấy vào trong tôi cũng thuận cái tình cái lý, nhược một lỗi trong nhà tôi chưa có hầm bí mật". Ông Thường: " Cậu cứ yên tâm, tôi sẽ sai mấy anh em con cháu nhà vào giúp cậu làm việc đó".
Do yêu cầu của Bắc cần tư liệu, sự kiện càng cụ thể càng tốt. Tôi cố gắng cung cấp cho Bắc tất cả những gì mà tôi được nghe, được biết. Sau câu chuyện cái hầm bí mật tại nhà, tôi dẫn Bắc vào quê ngoại tôi xem cái hầm bí mật đào cho bố tôi ở nhà ông ngoại. Thực sự thì bây giờ nó đã bị phá đi từ lâu rồi. cậu em tôi đã xây lên ở đấy một ngôi nhà ngói. Tuy nhiên cậu ấy vẫn còn nhớ và chỉ cho Bắc chính xác vị trí của căn hầm xưa. Cậu ấy đã từng là sĩ quan trong Quân đội, chiến đáu ở chiến trường Căm Pu Chia, sau phục viên về làm chủ tịch xã. Về yêu cầu cung cấp tư liệu cho Bắc cậu ấy vui vẻ kể lại như sau:
Do tình hình làm hầm và tu sửa hầm bí mật ở Liêu Thượng và Văn Phú chưa xong, ông Hàm và ông Phổ báo cáo và xin ý kiến bà Vân ( lúc này bà Vân là bí thư chi bộ Xuân Thành) và đề xuất chuyển ông Dự vào cơ sở nhà thờ họ Đào, nhà ông Chỉ Giám. Hầm bí mật đã làm từ thời ông Giám xây nhà, thiết kế và xây dựng đều do ông và các con ông làm cả. Hầm được làm trên tầng hai nhà ông, ông cho xây một đường máng nước mưa xuống một bể nước lớn đặt ở nhà thờ họ Đào thuộc nhà anh Lạng. Đây là cơ sợ được đánh giá là an toàn. Cửa hầm ăn ra bờ ao, sau lũy tre dày là đường lên cánh đồng làng, lên Xuân Châu, rồi sang Thái Bình.
Bà Vân sau khi thăm dò thêm ý của ông Tuyến thì quyết định chuyển ông Dự vào cơ sở nhà ông Chỉ Giám. Ở đây ban ngày ông có thể nghỉ ngơi, đi lại , làm việc ở trên tầng hai, có động thì thoát xuống bể nước ở từ đường họ Đào. Về ăn uống bà nói với bà Lộc giao cho cô Phúc con là em gái của bà Lộc, một là để che mắt chỉ điểm, hai là không làm phiền đến bà con. Cơm cháo và thức ăn do ông Vịnh làm, Phúc con trong vai người đi câu cáy mang tiếp tế đến cho ông Dự (kể cả ở Liêu Thượng hay ở Văn Phú).
Hàng đêm về sáng các xã phía đông bắc của huyện Xuân Trường phải gánh chịu đạn đại bác của quân đội Pháp bắn lên từ các tàu tuần tiễu trên sông Hồng, cho nên hầu hết các gia đình trong các xã đều có hầm tránh đạn, người dân gọi là tăng xê. Cụ Hương Vịnh là người cẩn thận, làm việc gì cũng kỹ lưỡng, phòng xa. Hầm của cụ được đào ngay giữa nhà, ở khoảng trống trước hương án thờ tổ tiên, với ý là được nương nhờ sự che chở của tổ tiên. Hầm rộng 1m 20, dài 1m 80 kích cỡ của một chiếc chiếu, thành hầm được chống bằng một khung gỗ và tre già, nắp hầm được lát một lớp ống tre ghép khít vào nhau như một tấm mành mành, trên được lèn đất thịt gan gà và đặt cỗ hậu sự của cụ bằng gỗ vàng tâm. Trên nền cái hầm tránh đạn sẵn ấy, ông Hàm bàn với ông Phổ, đào thêm một đường hào xuyên thủng tường nhà ra bờ ao nhà anh Thụ và một đường vào gian buồng ngủ của hai cụ. Cửa hầm nằm giữa cái hòm đựng thóc và gường ngủ. Ông Phổ chia chiếc hòm thóc thành hai ngăn, cắt tấm ván đáy hòm thay bản lề để biến nửa hòm thành một cánh cửa làm lối xuống hầm. Vì trong buồng luôn tối, nên dù ở trên gường hay ở trong hòm đều có thể xuống hầm một cách dễ dàng. Công việc tu sửa hầm được tiến hành bí mật và khẩn trương chẳng mấy chốc đã hoàn chỉnh. Ông Hàm lại báo lại công việc cho bà Vân. Được tin bà Vân đồng ý ngay, bà chỉ hỏi thêm ông Hàm về lối thoát của đường hầm. Bà được biết là từ bờ ao nhà anh Thụ sang bên kia có hai lối thoát. Một lối đi vào nhà ông Đào Văn Luân, ông Luận là cơ sở tin cậy, một lối khác qua nhà ông Giang, có đường tắt qua Văn Phú, đi Thượng Phúc, đi Xuân Châu. Đường làng ở giữa nhà ông Giang và ông Luận đi thẳng lên đồng, đi thẳng sang Xuân Châu,đi Thái Bình.
Theo báo cáo của mấy chị phụ nữ thì cơ sở chỗ nhà ông Chỉ Giám là rất gần nhà tên Hanh và đang bị tên Hanh nhòm ngó. Cô Phúc con cũng báo cáo với chị Vân là mới đây khi mang cơm cho anh Dự thì bị tên Hanh chặn lại kiểm tra. Theo nguồn tin từ chỗ bà Phúng, bà Đông Thành trên phố huyện thì thời gian này Hanh thường xuyên xuất hiện trên phố huyện để gặp gỡ người của nhà thờ Trung Linh và Bùi Chu. Thời gian này ngoài sự chỉ điểm của tên Hanh, thì còn có sự lùng sục của một số nữ giáo dân, họ giả là những người dân đi bán hàng rong, dùng mã tấu để tìm hầm bí mật. Vì những lý do đó nên bà đồng ý di chuyển chỗ ở cho ông Dự về nhà cụ Hương Vịnh ngay khi có thể.
Cũng giống như ở quê nội, nhà ông ngoại luôn luôn bị Việt gian, chỉ điểm nhòm ngó. Ông Dự cũng không thể ở lâu tại đó.
Vì công việc ông Dự luôn luôn phải di chuyển đến các cơ sở như Thọ Vực, Trà Bắc, Hải Hậu, Trực Ninh... Để an toàn và thuận tiện cho các hoạt động của ông, ông Hàm đề nghị với bà Vân, trước hết hãy đưa ông Dự về ở tại nhà ông giáo Thỏa ngôi nhà ở đầu làng Văn Phú. Tùy theo tình hình thì ông Dự có thể ở Liêu Thượng hay Văn Phú và khi cần thiết thì có thể cử ông Đậu lo việc liên lạc và bảo vệ . Nhà ông Thỏa tuy không đào hầm bí mật nhưng rất thuận tiện cho các hoạt động di chuyển. Ông Dự có thể làm công việc bình thường, lúc nào cần đi thì đi, có động thì di chuyển đến cơ sở có hầm bí mật. Trước nhà ông Thỏa là chiếc cầu đá ông Đốc nối với đường 50 đi Thủy Nhai, Hành Thiện. Sau nhà là đường lên đồng Văn Phú, sang Thượng Phúc, đi Hạc Châu, đi Thái Bình.
Trong thời gian này, dưới sự hướng dẫn của anh em ông Hàm, ông Phổ, mấy anh em con cháu của ông Thường và ông Phách như: Anh Giáp, anh Ất, anh Khải, có thêm sự giúp sức của các ông Luận và ông Giang. Hầm bí mật chỗ nhà ông Phách được tiến hành làm gấp . Hầm vẫn theo mẫu như đã làm ở nhà cụ Vịnh. Hầm hình chữ nhật rộng khoảng 1m20, dài khoảng 1m80, vừa làm lối vào, vừa làm cửa hầm, sao cho việc ra vào thuận tiện mà dễ che dấu, tiếp theo là phần thân hầm, do không có điều kiện nên thân hầm được đào như một đường giao thông hào, qua căn nhà ba gian phía phải nhà thờ là nhà bếp và là nơi ở của cụ Hợi. Cụ Hợi là em gái của cụ Phách, vì cụ bị bệnh tâm thần nên cụ ở vậy. Để đảm bảo bí mật nên bà Diễm là vợ ông Thường phải vào đón dì Hợi ra nhà chơi, khi hầm làm xong mới đưa cụ về. Đường hào được đào đến tường nhà ngang thì phải dừng lại, vì móng nhà được đổ bằng đá dăm, sỏi trắng, vôi, có thêm muối và mật, thứ bê tông không cát này khi đã đông cứng càng để lâu càng cứng, không thể đục đẽo được. Thế là hầm không có đường thoát. Được tin bà Vân, kịp thời chỉ đạo để mọi người làm căn hầm mới. Cũng là hợp ý vì bà muốn các căn hầm bí mật phải được đào khác nhau. Một chiếc hầm mới được đào ngay dưới nền của cái chuồng trâu, nằm vuông góc với dẫy nhà ngang. Cửa hầm nằm dưới đống rơm cho trâu ăn hàng ngày, được làm bằng hai miếng van thôi ( là ván quan tài của người chết đã được cải táng). Giao thông hào kéo dài đến tận bờ ao, cửa thoát được che khéo léo bởi những cây khoai ngứa xanh tốt. Qua cái ao rộng khoảng nửa mẫu ruộng là đường lên xóm trên, đi ra cánh đồng Văn Phú, đi Xuân Châu, đi Thượng Phúc, qua bến đò Sa Cao sang Thái Bình.
Dưới sự chỉ đạo cụ thể và trực tiếp của ông Dự các đồng chí cán bộ, đảng viên đi về hoạt động bí mật thường phải bám vào cây chuối hoặc thuyền ấu qua sông Hồng trong những đêm mùa đông gió bấc và dưới làn mưa đạn của địch, đã có đồng chí nằm lại dưới lòng sông. Ban ngày nằm hầm bí mật hay náu mình dưới những đám bèo tây trôi nổi trên sông, ẩn mình nơi miếu hoang đổ nát, kè đá bên sông, trong cảnh đói khát, rét mướt, bệnh tật. Đêm đêm lăn lội về làng gianh giật với địch từng tấc đất, từng người dân, nhen nhóm phong trào, gây dựng cơ sở, tất cả vì Đảng, vì dân, vì quê hương. Cán bộ hậu địch của ta rao riết hoạt động, nhanh chóng tổ chức lại, khôi phục các căn cứ du kích, duy trì tổ chức.
Cuối năm 1950 tình hình chiến sự biến động lớn, Tướng Jean de Lattre de Tassigny thiết lập vành đai trắng trải từ tuyến trung du Hồng Gai, Đông Triều, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hà Đông đến Ninh Bình. Tướng Đờ Lát huy động mọi lực lượng thực hiện kế hoạch bình định đồng bằng Bắc Bộ, cùng pháo binh cơ giới và lực lượng ngụy quân mở các cuộc bao vây, tấn công vào căn cứ địa của ta. Được sự hỗ trợ đắc lực của quân đội Pháp và các lực lượng tự vệ đoàn của nhà Thờ, bọn tề dõng, thám báo, chỉ điểm ngày đêm càn quét, lùng sục vây bắt cán bộ, triệt phḠtận gốc phong trào cách mạng. Trong điều kiện xã hội ấy, Hanh lộ nguyên hình là tên nhân viên phòng nhì của Pháp. Lệnh hành quyết Hanh đã được tổ công tác đặc biệt của lực lượng vũ trang Xuân Thành thực thi vào ngày 19 tháng 6 năm 1950 ( tức ngày mồng năm, tháng năm, năm Canh Dần).
Cùng thời gian này, hoạt động của Việt gian, phản động tay sai tại địa phương cũng lộ mặt. Ở xóm 5 Đông An có: Phạm Phác, Hoàng Cao, Phạm Thị Sâm... làm tay sai chỉ điểm, dẫn tề dõng đến vây quét, bắt bớ cán bộ, Đảng viên. Ở Cát Xuyên có Đoàn Liên Trì nổi lên như một thủ lĩnh của bọn phản động, thường tổ chức phục kích ban đêm tại các chốt trọng yếu trên địa bàn nhằm đón bắt cán bộ ta đi hoạt động. Thực hiện nghị quyết về chuyên chính với kẻ thù của cách mạng một mặt các tổ công tác đặc biệt của lực lượng vũ trang xủ lý những tên Việt gian phản động có nợ máu với cách mạng, mặt khác ta chủ động tổ chức “ phản phục kích”, bố trí lực lượng phục kích lại tiêu diệt một số tên, đốt một số điếm canh,giải tán việc ngủ tập trung... Ta thực sự làm chủ tình hình hoạt động về ban đêm, đảm bảo an toàn cho các hoạt động của cán bộ cách mạng.
Tôi dẫn Bắc đi tiếp vào Văn Phú, nơi có một chiếc hầm “bí mật” và những tấm lòng dũng cảm trung kiên của người dân Văn Phú đã cứu sống cha tôi qua một cuộc vây ráp ác liệt của kẻ thù. Đấy là nhà của bà Đào Thị Phúc ( Phúc lớn). Bà Phúc là em gái của mẹ tôi. Bà là vợ của ông Trinh Văn Giáp. Ông Giáp là con trưởng của ông Trịnh Văn Phách. Tôi nhờ dì tôi chỉ cho Bắc vị trí căn hầm cũ. Cũng may là miếng đất trước đây là khu làm chuồng lơn, chuồng trâu, sau này vào hợp tác, con cái đi thoát ly hết ông bà đi theo vào thành phố Hồ Chí Minh, nhà ở để lại cho cô con gái út nên bỏ không. Tôi nhờ dì tôi kể lại cho Bắc nghe về việc gia đình cất giấu ông Dự và trận càn vây bắt ông năm ấy. Bà là nhân chứng sống còn lại duy nhất của sự kiện này.
Bà kể rằng: “ Để triển khai nghị quyết “phá tề, trừ gian”. Nhà ông Phách ở giáp chùa Văn Phú được bố trí cuộc họp quan trọng này. Như đã nói trên ông Phách đã có một căn hầm bí mật đảm bảo yêu cầu an toàn và bảo mật. Bà tự giới thiệu về quan hệ, ông Phách bố chồng tôi được xem như là ruột thịt với ông Dự. Chị gái ông Phách là bà Diễm ( bà mẹ Việt nam Anh hùng) là vợ của ông Thường, tôi là vợ của ông Giáp - con trai cả của ông Phách lại là em dâu của ông Dự,tôi luôn thay chị tôi quan tâm chăm sóc cho anh rể tôi. Vì cuộc họp được bố trí ở nhà tôi, ttooi cũng được giao nhiệm vụ phục vụ, nên tôi biết rất rõ. Về bảo vệ cuộc họp, các anh ấy bố trí: Chồng tôi và chú Ất là cơ sở bảo vệ vòng ngoài . Vòng trong là những du kích vừa làm nhiệm vụ bảo vệ lại kiêm luôn nhiệm vụ hậu cần để cho gọn nhẹ và đảm bảo bí mật. Nhiệm vụ này được giao cho Đinh Văn Tiềm . Hôm ấy, sau khi họp xong, theo truyền thống hiếu khách, ông Phách sai tôi giết hai con gà và nấu một nồi cơm nếp mời mọi người cùng ăn. Tiềm đề nghị với tôi là được làm nhiệm vụ giết gà. Sau khi hoàn tất việc y nhanh chóng thủ ngay một chiếc chân gà đi ra, không để ai hay biết. Trong bữa ăn vì có thói quen hay nhường nhịn và cũng là ý thích của mình, Chị Vân tìm chân gà và phát hiện ra “ hai con gà chỉ có ba cái chân?”. Ăn xong mọi người nhanh chóng ra về. Riêng ông Dự vẫn ở lại cơ sở nhà ông Phách.Trời vừa rạng sáng, ông Giáp đánh trâu đi cày, vừa ra tới ngõ thì phát hiện ra lính dõng Cát Xuyênđang lố nhố ở đầu dong, ông vội vã báo chochú Ất đưa anh Dự xuống hầm. Ất vừa trở lại nhà thì năm, sáu tên dõng dưới sự chỉ huy của tên Trì đã ập vào,lệnh cho mọi người không ai được di chuyển. Ông Phách ở trên từ đường chậm rãi ngồi hút thuốc.Tên Trì hô hét quân lục soát khắp nhà, ngoài vườn, trùm sang nhà ông Tam, ông Tiên, ông Hòe bên cạnh. Lục lọi cả tiếng đồng hồ mà không bắt được ai. Tên Trì chĩa súng ngắn vào đầu ông Phách quát: “ Thằng Dự đâu?”. Ông Phách bỏ tẩu thuốc điềm tĩnh nói: ” Dạ thưa, không có ai ở đây cả, thằng Dự là ai mà tôi chưa biết”. Trì hất mạnh khay cốc chén ra sân vỡ kêu loảng xoảng. Tên Trì lại hét lên :” Mày giấu nó ở đâu mau lôi ra đây tao tha tội cho. Chúng tao biết, tối qua nó về đây họp mày còn chối hả!”. Ông Phách trả lời:” Ông nói thế nào ấy chứ, tối qua chẳng có ma nào tới đây”. Tên Trì sấn đến trước mặt ông, tay trái vả thẳng vào mặt làm ông khịu người xuống giường.Tên Trì rút trong túi ra một chiếc chân gà dísát vào mặt ông Phách :” Cái gì đây mà còn chối với cãi”. Ông Phách vẫn điêm tĩnh trả lời : ” Khổ quá nhà tôi có nuôi gà qué gì đâu, làm gì có gà mà giết”. Tên Trì lại dằn giọng: ”Mày không nuôi thì nhà khác nuôi, đem về đây, họp xong giết ăn còn chối cãi gì nữa”. Ông Phách giật mình, làm sao mà tên Trì biết rành rẽ chuyện họp đêm qua, mà ngay cả người như ông cũng không rõ bằng. Vậy nhất định trong anh em du kích đã có kẻ quay đầu. Ông càng tỏ ra bình tĩnh hơn. Bọn lính tìm mãi trong nhà, ngoài vườn, dùng thuốn săm chuồng trâu, chuồng lợn, chỉ thấy mùi nồng nặc mà không phát ra đươc điều gì. Gần hai tiếng sục sạo, không thu đươc kết quả , tên Trì cùng đồng bọn đành phải rút quân về. Qua sự việc, ông Dự thầm cám ơn những tấm lòng quả cảm của các thành viên trong gia đình ông Phách và căn hầm bí mật của nhà ông. Ông cũng không quên nhóm họp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lệnh điều tra xác định kẻ phản bội nguy hiểm này. Chỉ ít lâu sau đội võ trang tuyên truyền huyện đã xử lý hắn” .
Cũng thời gian này, ta mở hai chiến dịch : Trần HưngĐạo ( Đông Xuân 1950- 1951) vào tuyến trung du Vĩnh Yên, Hoàng Hoa Thám vào Đông Bắc ( Mạo Khê) để kéo dãn bộ phận quân Pháp khỏi đồng bằng Bắc Bộ nhằm phát triển chiến tranh du kích ở đây. Bằng mọi lỗ lực ta quyết tâm chọc thủng vành đai trắng, nối thông đồng bằng Bắc Bộ với chiến khu Việt Bắc. Ở Xuân Trường phong trào du kích chiến tranh được phát động thành cao trào, khí thế cánh mạng hừng hực dâng lên cao làm cho địch hoang mang lo sợ, dẫn đến lực lượng của chúng phải co cụm. Chính quyền Cách mạng lãnh đạo mọi hoạt động của địa phương công khai và dân chủ. Ông cảm thấy thanh thản hơn trong lòng, vững tâm bàn giao lại công việc đang làm cho các đồng chí mình để nhận nhiệm vụ mới mà cách mạng yêu cầu. Nhờ sự đùm bọc yêu thương của nhân dân và những chiếc hầm bí mật ông đã vượt qua được những ngày tháng bám trụ khốc liệt trên mảnh đất quê hương. Có thể còn có những tấm lòng, những chiếc hầm nữa đã che trở cho ông trên địa bàn hoạt động Trực Ninh, Giao Thủy mà tôi chua được biết, nên cũng chẳng thể kể hết cho Bắc được. Mong muốn với một chút tư liệu này có thể giúp cho Bắc hoàn thiện hơn cho luận văn nói về “Những chiếc hầm bí mật” của mình, Tôi cũng xin nhờ Bắc bằng cách thể hiện nào đó gừi lời cám ơn của tôi những người dân, những căn hầm đã đùm bọc che trở cho cha tôi trong những ngày kháng chiến.







 
Top