Xin giúp đỡ tìm cội nguồn dòng họ Đinh làng Chanh trên, Tam đa, Vĩnh bảo, Hải phòng

ĐINH ĐỨC NGÂN

Thành viên mới
Thưa anh Đinh Xuân Vinh (người họ Đinh ở Nông kỳ, Thái bình):
Tôi là: Đinh Đức Ngân là thành viên dòng họ Đinh ở làng Chanh trên, Tam đa, Vĩnh bảo, Hải phòng) Hiện đã nghỉ hưu và thường trú tại Hà nội.
Tôi đã đọc rất kỹ bài viết của anh về Dòng họ Đinh ở Nông kỳ, Thái bình. Tôi thấy anh nắm giữ được rất nhiều tư liệu về nhánh dòng họ đinh tại đây. Muốn hỏi thêm anh có nắm giữ được thông tin hoặc tư liệu về dòng họ Đinh ở quê anh sau khi tụ hội về Nông kỳ thì có phát tích đi đến các nơi khác?
Dòng họ Đinh làng Chanh trên (Tam đa, Vĩnh bảo, Hải phòng) của tôi đã có khoảng từ 15-17 đời, nhưng không còn gia phả để lại. Chúng tôi cũng cho rằng cụ thuỷ tổ đã được phát tích từ dòng họ Đinh ở Thái bình sang nhưng rất thiếu thông tin.
Nếu anh có nguồn thông tin nào về sự kiện đó, mong anh có thể chia sẻ và giúp đỡ để dòng họ Đinh làng Chanh chúng tôi có thể lần tìm về được cội nguồn của mình.
Tôi gửi tới anh một vài thông tin về lai lịch dòng họ Đinh làng Chanh trên của tôi để anh tham khảo và giúp đỡ.
Xin trân trọng cảm ơn anh.
Dưới đây là Lái lịch về dòng họ Đinh làng Chanh trên của tôi:

THÔNG BÁO
Về việc tìm lai lịch dòng họ Đinh làng Chanh trên


Thưa các anh, các chị dòng họ Đinh trong cả nước.

Làng Chanh trên thuộc xã Tam đa, huyện Vĩnh bảo, Thành phố Hải phòng có một dòng họ Đinh. Tục truyền thì làng này trước đây chỉ có duy nhất một dòng họ, nhưng sau này một số người đã đến lấy vợ trong làng và ở lại lập nghiệp nên từ đó trong làng mới có thêm một vài dòng họ khác như Bùi, Lê, Vũ… nhưng họ Đinh vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn (trên 90%).
Tục truyền thì ông Tổ dòng họ Đinh làng Chanh trên cũng là một người ở nơi khác đến đất này để lập nghiệp. Không rõ là cụ đến rồi lấy vợ ở đây hay đã mang cả gia đình đến đây khai khẩn đất đai và lập nghiệp. Chỉ nghe các cụ truyền miệng lại là ông Tổ dòng họ Đinh làng Chanh trên trong quá trình khai khẩn đất hoang ở đây đã có sự tranh chấp với những người sở tại, và nhiều khi cuộc giành giật ấy phải diễn ra bằng vũ lực, buộc quan tri phủ huyện Vĩnh lại khi đó đã phải xét sử nhiều lần. Vì thế làng Chanh trên ngày xưa còn được người ta đặt cho cái tên “Làng Chanh đồng”.
Có thể nói: cả huyện Vĩnh bảo ngày xưa chỉ duy nhất có làng Chanh trên thuộc xã Tam đa là có người của dòng họ Đinh. Ngày nay trên địa bàn huyện đã có thêm một gia tộc họ Đinh ở làng Gừng, xã Trung lập. Đó là gia tộc ông Đinh Văn Bàn nguyên gốc là một người trong dòng họ Đinh làng Chanh trên, sau cải cách ruộng đất (1956) ông đã đến và cư trú tại đó.
Ngày nay; con cháu dòng họ Đinh (Chanh trên) đã bươn trải đến rất nhiều nơi trên đất nước Việt nam như: Hải phòng, Hà nội, Thái nguyên, TP Hồ Chí Minh, Mỹ tho, Tây nguyên (thậm chí đến cả Cộng hòa Séc -Tiệp khắc và Mỹ)… để mưu sinh. Nhiều người trong số họ đã rất thành đạt, nhưng lai lịch của dòng họ mình thì đến tận bây giờ vẫn cứ là một ẩn số.
Nếu tạm tin vào lời phán của nhà ngoại cảm (Ông Liên ở Gia lộc, Hải dương) thì dòng họ Đinh làng Chanh trên đến nay đã sang đời thứ 15. Những người cao tuổi trong dòng họ (đời 11) đến nay chỉ còn có vài người như: Ông Mật, ông Lực, ông Vỵ, ông Sơn, ông Chắp, ông Ngân (ngành cả); ông Định, ông Lạng, ông Cộng, ông Thành…(ngành ba) và ông Hướng (ngành hai). Quan hệ huyết thống trong ngành cả đã được xác định tương đối chính xác, còn Quan hệ huyết thống trong các ngành hai và ba so với ngành cả thì hiện tại chưa có đủ căn cứ để xác định, mà chúng tôi tạm sắp xếp theo trà lứa của tuổi tác và cách xưng hô của các thế hệ đi trước mà phiên ngang sang so với ngành cả để con cháu trong dòng họ có cái nhìn tương đối về quan hệ huyết thống trong dòng họ mình.
Có thể nói; thế hệ của chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để đi tìm câu trả lời cho lai lịch dòng họ Đinh làng Chanh ta, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra manh mối. Qua tìm hiểu về lịch sử, chúng tôi đã tạm thống nhất với nhau theo một giả thuyết sau:
1. Sau sự kiện Đỗ Thích giết hại cha con Vua Đinh Bộ Lĩnh ở cố đô Hoa lư thì nhà Đinh tan tác. Một số người đi lên vùng Kim bôi (Hòa Bình), một số chạy vào Thanh hóa và sau đó một số người lại quay lại hợp tác với số người chạy về phía Nam định, Thái bình. Và những người họ Đinh ở Hưng hà (Thái bình) sau đó đã di cư sang các huyện Vũ thư, Kiến xương và Tiền hải (di cư theo hướng đường sông). Sau đó nhiều đời thì người Thái bình đi làm ăn ở Hải phòng, Quảng ninh mới phát tích dòng họ Đinh ở Thái bình sang Hải phòng (Vĩnh bảo, An lão, nội thành Hải phòng) và sang cả Quảng ninh.
2. Chúng tôi thiên về giả thuyết này nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra manh mối.
3. Mặc dầu cố công nhưng tất cả chúng tôi giờ đây đã già cả (người thì xấp xỉ 90 tuổi, trung bình là trên dưới 80 tuổi, còn người nhỏ tuổi thì cũng xấp xỉ 70 tuổi rồi). Cho nên có thể nói chúng tôi không thể tìm được nguồn gốc tổ tiên của dòng họ Đinh làng Chanh mình. Nếu muốn biết rõ lai lịch dòng họ mình thì các thế hệ tiếp theo của dòng họ Đinh làng Chanh trên phải tiếp tục tìm hiểu để nắm bắt thông tin về dòng họ.
Dù chưa tìm ta tung tích dòng họ, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng: Với giả thuyết chúng tôi gợi ý trên, cùng với sự năng nổ và trách nhiệm của các thế hệ đi sau (mà nòng cốt là các người con họ Đinh đã tích cực đóng góp cho việc xây dựng nhà thờ dòng họ và các công trình phúc lợi của làng ta), cộng thêm với sự bùng nổ của Intenet và sự giúp đỡ của tất cả bà con họ Đinh trong cả nước mà nhất là bà con họ Đinh ở Thái bình, Nam định thì một ngày không xa Lai lịch về dòng họ Đinh làng Chanh trên, xã Tam đa, huyện Vĩnh bảo, Thành phố Hải phòng sẽ được hé mở và sáng tỏ.
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến những thế hệ hậu duệ của dòng họ và những người anh em họ Đinh trong cả nước (nhất là anh em họ Đinh ở Nam định, Thái bình) đã cung cấp thông tin và chứng cứ giúp cho dòng họ Đinh làng Chanh trên chúng tôi từng bước lần tìm ta tung tích của mình.
Chúng tôi gửi lại cho các bạn “Vài nét về lai lịch dòng họ Đinh làng Chanh trên” để các bạn có điểm tựa bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình.

Hà nội ngày 25 tháng 03 năm 2010
TM/ CÁC ÔNG ĐỜI 11 DÒNG HỌ ĐINH LÀNG CHANH TRÊN
Đinh Đức Ngân (Hà nội).


Phần thứ nhất
Vài nét về lai lịch dòng họ Đinh làng Chanh trên.
------------------o0o-----------------

Trên đời, không ai là không muốn biết về quá trình hình thành và phát triển của gia đình mình và dòng họ mình.
Tuổi trẻ người ta mải mê học tập và mong muốn phấn đấu để thành đạt trong cuộc sống, nên có thể có đôi lúc người ta quên đi bổn phận phải tìm hiểu kỹ về lai lịch tổ tông mình, thậm chí có người còn có cảm giác là có tìm thì cũng chẳng ích gì cho cuộc sống hiện tại, cho nên họ cứ mải mê đi tìm con đường thăng tiến cho riêng mình.
Đến lúc về già người ta đã có trong tay nào là gia đình hạnh phúc, nào là kinh tế đầy đủ, hoặc đã công thành danh toại…nhưng tất thảy họ đều nhận thấy mình còn nợ một cái gì đó trong đời mà mình chưa trả được. Đó là nguồn gốc gia đình mình, tổ tông mình, nó được hình thành và phát triển như thế nào ? và có ảnh hưởng gì đến sự thành đạt và phát triển của từng thành viên trong cộng đồng dòng tộc ?
Những người dưới đây gồm: Đinh văn Mật ; Đinh văn Vỵ ; Đinh văn Kính ; Đinh văn Vây; Đinh văn Chắp, Đinh Văn Định và Đinh văn Hướng đã bỏ công tìm hiểu về lai lịch dòng họ Đinh của Làng Chanh trên những mong tìm được một điều gì đó để lý giải về quá trình hình thành và phát triển của dòng họ với mong muốn tìm ra đôi điều để lý giải cho sự thành đạt hoặc còn khó khăn, vướng mắc của các bậc con cháu trong cuộc sống hiện tại, cũng như những việc cần phải giải quyết tốt hơn trong tương lai.
Nhưng như người xưa đã từng nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” thì đủ biết mong muốn của các vị có nhiệt huyết trên là một chuyện, còn làm được việc đó đến đâu thì lại là một chuyện khác.
Có thể nói: Các đời tiền nhân của dòng họ ta chưa ý thức được việc để lại gia phả cho đời sau là một việc cần thiết nên chưa làm và chưa có gia phả dòng họ để lại, hoặc tuy có làm nhưng do việc phân công người bảo quản và lưu giữ không được tốt nên đã bị thất truyền, làm cho bây giờ các vị nhiệt tâm phải mò mẫm tìm hiểu từ truyền thuyết người trước kể lại rồi so sánh, đối chiếu với hiểu biết của những người cao tuổi, thậm chí cả những điều tâm linh do bói toán, xem quẻ mà dịch ra. Tuy vậy, lai lịch chính xác về dòng họ Đinh cũng không thể có thông tin đầy đủ, nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn ghi chép lại để con cháu trong dòng họ có một cái sườn để tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin nhằm từng bước hoàn thiện về gia phả dòng họ mình, chứ cứ bỏ hoài và cho qua thì muôn đời lai lịch về dòng họ vẫn chỉ là những giả thiết chứa đầy ẩn số.

Theo ông Liên ( một thầy tướng số, kiêm nhà ngoại cảm ở Hải dương) thì dòng họ Đinh làng Chanh trên không biết xuất sứ từ đâu, nhưng đã ở trên đất làng Chanh trên đến nay được mười ba đời, tức khoảng 260 năm trước. Như vậy, theo ông Liên thì ông tổ họ Đinh chúng ta đã đến đất làng Chanh này lập nghiệp vào những năm 1700 sau công nguyên. Đây là thời kỳ họ Trịnh ở đàng ngoài đang hoành hành và ức hiếp vua Lê đến đỉnh điểm. Vua chỉ là cái bóng không quyền thế, còn mọi quyền hành đều tập trung vào tay chúa Trịnh. Ở đàng trong Chúa Nguyễn cũng đã tạo dựng được bề thế to lớn, và: Các cuộc chiến tranh liên miên nhằm giành giật ngôi báu giữa hai nhà Trịnh- Nguyễn cũng đã đến đỉnh điểm. Cùng đường vua Lê Chiêu Thống đã phải cầu viện nhà Thanh ở Trung quốc để duy trì sự tàn tạ của nhà hậu Lê, mà thực chất là nước ta đang bị quân Mãn Thanh xâm lược và giày xéo, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Anh em nhà Tây sơn đã phát động phong trào nông dân vùng lên, rồi Nguyễn Huệ tự xưng vương kéo quân ra Bắc hà để diệt họ Trịnh và quân Thanh…
Trở lại mảnh đất ông tổ họ Đinh chúng ta đến lập nghiệp từ 1700 ta thấy: trước đó 150 năm (khoảng năm 1550) ở làng Trung am, xã Lý học, Vĩnh bảo, Trạng Trình nguyễn Bỉnh Khiêm đã sinh ra và về ở ẩn tại quê. Đây là mảnh đất bồi ra biển, nên có thể khảng định làng Chanh ta đã được hình thành trước làng Trung am là một lẽ tự nhiên của quá trình hình thành và phát triển của dải đất huyện Vĩnh lại ngày xưa và huyện Vĩnh bảo bây giờ.
Vấn đề đặt ra và cần được lý giải là: Ông Tổ dòng họ Đinh ta là người từ đâu đến đất này lập nghiệp? Ông đã mang cả gia đình đến đây lập nghiệp hay ông đến một mình và lấy vợ tại đây? và trước khi ông tổ dòng họ Đinh ta đến ở thì mảnh đất này do ai quản lý, nó được chuyển giao cho ông tổ họ Đinh ta theo thể thức nào?(Ông Tổ dòng họ ta tự khai khẩn đất hoang hay mua lại hoặc được bên ngoại cho thừa kế?...) Và cái tên làng “Chanh đồng” ngày xưa có liên quan gì đến việc hình thành nên mảnh đất của ông tổ dòng họ mình?..

Rồi câu đồng giao: “Thứ nhất cô ả Thanh Hoa
Thứ nhì Bửu lạng, thứ ba Thạch Sùng
Thứ tư ông Khiếu Hà đông
Thứ năm Sở Bãm Chanh đồng giàu thay”.

Là câu đồng giao nói về năm người giàu có nhất Bắc kỳ trong đó có ông tổ dòng họ Đinh ta là một câu có thực hay chỉ là một câu bóng gió, khôi hài? Và các địa danh “Hà Đông, Chanh đồng” liệu có phải là địa danh của phủ Hà đông, Vĩnh bảo Việt nam hay là một địa danh ở Trung quốc ? vì câu “sư tử Hà đông” đích thực là câu thành ngữ của Trung quốc, và Thạch Sùng cũng đích thực là tích cổ Trung quốc, còn tỉnh Hà đông của Việt nam mới chỉ được chế độ phong kiến và đế quốc Pháp cho thành lập năm 1905 còn trước đó nó lại thuộc đất Hà thành. Từ đó mà luận ra thì câu “Sở Bãm Chanh đồng” đâu có phải là nói về ông Tổ dòng họ Đinh làng Chanh trên của ta?
Rồi trước đó hàn nho như ông Nguyễn Bỉnh Khiêm mà còn có giấy bút ghi chép và để lại am Bạch vân biết bao sách vở có giá trị, thì một ông “giàu có thứ năm Bắc kỳ”sao lại không có một dấu ấn gì để lại ? Và dù không để lại bằng chữ và gia phả thì các bằng chứng về sự giàu có đó chẳng lẽ lại không được để lại bằng hiện vật như nhà cửa, lăng tẩm ?...và nếu có thì tại sao sau bao lần ta dồn mồ mả để dồn điền, cày xới biết bao nhiêu mà không phát hiện thấy bất cứ một hiện vật nào?

Xem ra cái giả thuyết ông tổ dòng họ ta là một người giàu có thứ năm Bắc kỳ và ông xuất hiện đến nay là đời thứ 13 thì đời thứ 1 (1700) là rất thiếu luận chứng khoa học để thuyết phục người nghe. Tuy nhiên dù chưa có căn cứ khoa học nhưng toàn thể họ Đinh ta cũng tạm cho là như thế và đã góp công, góp sức để tu tạo lại nhà thờ tổ và xây được một khu lăng mộ tổ dòng họ với một ngôi mộ tổ còn hiện vật sót lại do ông Liên chỉ tìm và 3 ngôi mộ huyền để làm nơi thắp hương tưởng niệm của 3 ông cụ tổ của ba ngành, còn sau này nếu con cháu các ngành có tìm thấy mộ phần của cụ tổ ngành mình thì sẽ làm thủ tục di cốt các cụ về đặt tại nơi đã xác định vị trí mộ phần ở khu lăng mộ tổ.
Vì thế, có thể nói lai lịch về ông tổ dòng họ Đinh ta đến nay vẫn cứ là một ẩn số, cần được mọi người tiếp tục sưu tầm và hoàn thiện trên cơ sở của phép biện chứng và khoa học.


Hà nội ngày 3 tháng 3 năm 2005
ĐINH ĐỨC NGÂN​
 
Top