Ông lão nặn Tò he làng Kênh, xã Tây Đô, Hưng Hà

XlcmcLHgxm9Ztc6xGySNctPCZQANPMzxtIaJntvYGalBAxSpZ_Erl6926kUwmkHPmOrkrOePBSx9buAQVr1m06rHPH0hupjtoX4aUFcfRuSVbs9FXTkfd0YdA_SCGt3BEX5_ofVj
Những con Tò he, nhân vật trong truyện cổ tích tết Trung thu ((ảnh nguồn internet)

Nói đến chuyện Tam Quốc Diễn Nghĩa, tôi còn nhớ mãi đến Ông lão nặn Tò he bằng bột phẩm mầu ở làng Kênh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình, vùng quê chúng tôi. Mỗi lần đi học qua đấy, chúng tôi thường túm bụm lại xem, rồi nghe ông kể sự tích từng con Tò he do ông sinh ra, mà không muốn dứt ra về.

Chúng tôi học trường cấp 2 Hòa Bình, cả ba xã: Chi Lăng, Tây Đô, Hòa Bình, huyện Hưng Hà, chỉ có một ngôi trường cấp 2, trường nằm bên cánh đồng làng Lếnh, xã Hòa Bình. Chúng tôi phải đi bộ lếch thếch xa gần 4 cây số, qua cánh đồng làng, qua Hàng Phơ nơi bị giặc Pháp ném bom Lapan, thiêu cháy mấy chục con người. Mỗi lần đi qua, tôi lại mường tượng ra những cảnh hồn ma oan khuất của những người dân vô tội là đàn bà, trẻ con kêu khóc thảm thiết, vật vã trong ngọn lửa Lapan; nền nhà, tường đất vẫn còn những dấu vết cháy xém ám đen, nhìn thấy mà rợn cả người. Rồi chúng tôi phải lội qua con ngòi Kênh, tới chợ Kênh, nơi có ông lão nặn Tò he ngồi dưới gốc cây Quéo cổ thụ bên chợ, đầu đình làng và chùa làng; đi bộ tiếp qua cánh đồng là tới trường Cấp 2 Hòa Bình.

JBMpjHAbvWDMzCm0MqW1PAWsO6zbUSfoFXxOdV_4HMpGWzRhVCVrTADqKwQbfyaXtQWuVAX9_RoNm60k148SDyazxfsX-AbW_baxB2-W0qnmjDtx0Igjr3P3hInazLw3TrWrU3S4

Ông già nặn Tò he(ảnh minh họa, nguồn internet)

Ông lão nặn Tò he làng Kênh, có lẽ cả vùng quê chúng tôi chỉ còn lại mình ông vẫn giữ nghề; Ông ngồi dưới gốc cây Quéo cổ thụ, thân cây to đến mấy người ôm, không biết trồng tự bao giờ, tán lá xanh thắm, tỏa bóng rợp mát cả một vùng. Ông lão ngồi đấy, tay vê bột mầu nhanh thoăn thoắt, vừa nặn vừa kể chuyện sự tích từng nhân vật do ông sáng tạo ra, từ cổ chí kim, từ anh em nhà Lưu Bị, rồi đến Chư Bát Giới, Tôn Ngộ Không… đến cô thôn nữ tiễn chồng đi xa... câu chuyện vừa dứt, thì nhân vật cũng vừa hiện lên. Ông lão cầm con Tò he vật đánh đét xuống khay bột, làm bọn trẻ chúng tôi phải giật mình, nhưng con Tò he vẫn không hỏng.

Tôi thích nhất ông nặn những con Tò he theo các tích cổ ngày xưa. Ông nặn ba anh em Lưu - Quan - Trương kết nghĩa Đào Viên, rồi kể chuyện rằng: “Ba người anh hùng hào kiệt thời Tam Quốc, thiên hạ đại loạn, triều đình rối ren, hết loạn giặc Khăn Vàng lại loạn giặc Đổng Trác, ba người gặp nhau ở chí anh hùng, kết nghĩa anh em để tìm đường giúp vua cứu nước. Ba ông uống rượu kết nghĩa tại Vườn Đào, vì không phân được ngôi thứ, ba ông bèn nhờ cụ già phân giải giúp, cụ già chỉ tay về phía cây đào cổ thụ đang nở hoa hồng thắm ở phía xa xa; bảo ba người chạy thi tới đó rồi trèo lên cây. Trương Phi nhỏ người, tính nóng lẩy chạy nhanh leo lên ngọn trước. Quan Công leo đến thân cây thì mệt, dừng lại. Còn Lưu Bị bụng phệ chạy tới ngồi phịch dưới gốc đào. Cụ già phân giải rằng: Cây phải từ gốc, Lưu Bị là anh cả, sau đến Quan Công…”.

Chúng tôi cứ há hốc miệng, tai lắng nghe ông lão kể chuyện, mắt nhìn tay ông vê bột thoăn thoắt, câu chuyện vừa dứt thì cả ba pho tượng Lưu - Quan - Tương lẫm liệt hiện ra, chúng tôi hâm mộ lắm, nhưng chẳng bao giờ có đủ tiền mua cả ba anh em nhà Lưu Bị, để cho đủ bộ sưu tập.

Ngày ấy, tôi cũng đã đọc trọn bộ Tam Quốc Diễn nghĩa, đọc nhẩy cóc, đọc từ tập sau sang tập trước, không theo thứ tự, vì toàn phải đi mượn; biết chuyện không như vậy, nhưng nghe vẫn cảm thấy khoái. Âu cũng là cách “tiếp thị” của ông lão đối với bọn trẻ con chúng tôi.
a9TS7n3ZDFWIgEvxxNL6bMenRs_FgtsCfqWL_juRlNYWUjMlyo0taLbimDxpdlwZLvxzm_fLb61XkwosbSc1Btr32jcrs_XkSHaMbG_byWULQPXClyr7FTOVmf_sw5Xu6OINeY6x
Lưu - Quan - Trương kết nghĩa Vườn Đào (ảnh nguồn internet)

Trong lớp học cùng xóm còn có anh Năm, anh Khẩn, ba người kết bạn rất thân, cùng rủ nhau đi học, cùng ngồi chung một bàn, cùng ôn bài làm bài và bênh vực nhau mỗi khi bị chèn ép. Khẩn học khá hơn, khi bí, hai chúng tôi thường hỏi bài Khẩn. Chúng tôi tự phong cho mình là ba anh em kết nghĩa Lưu - Quan - Trương. Anh Năm lớn hơn, nhiều tuổi hơn, lại rất hiền lành được tôn làm huynh trưởng Lưu Bị. Còn hai thứ đệ: Trương Phi thì không ai muốn nhận, vì là em út lại vừa đen, có nhiều tật xấu. Khẩn cùng tuổi với tôi, học khá hơn, to khỏe đẹp trai hơn, sau cũng được tôn làm Quan Vân Trường. Còn tôi đen đủi nhỏ hơn, lại có phần nóng tính, hay nghịch ngầm, cũng phải chịu nhận là em út Trương Phi. Những chuyện tôi nghịch ngầm, đại thể như trong giờ giảng bài văn trào phúng “Anh nhà giầu bị chơi khăm”; tôi giỏi vẽ, đã từng đi thi giỏi vẽ ở cụm 5 xã, tự vẽ mình là “Anh nhà giầu” cưỡi ngựa, vẽ Khẩn cắp tráp theo hầu. Khẩn bực bội lắm, đấm tôi rất đau, tôi không chịu đấm lại; vì đánh nhau trong giờ học, bị cô giáo phạt cho điểm 0 rồi đuổi ra ngoài lớp...
T88FirGX56R8JEqdDR0iLQYo-At8SmQ5BExNxEIx6OX4L1W9fdjTf-EWxzzccO9vKEk6yt75XMxHZa3GVyC9Ng7VlykszrqlbsQx-hITZ9ASPj5gDr2o7yPdQ7de6PUFSURd2o6X
Con Tò he là thầy trò Đường Tăng Tam Tặng (ảnh nguồn internet)

Rồi chúng tôi lớn lên, mỗi người một ngả, hình bóng Đình làng Kênh, Chùa làng Kênh, rồi cái Chợ Kênh, cùng với cây Quéo, cây Gạo cổ thụ và Ông lão nặn Tò he ngồi đấy…, như một chuỗi văn hóa làng xã thân thương, mỗi khi nhớ về quê nhà hình ảnh ấy lại hiện lên.

Thế mà! thoáng chốc nhìn lại đã gần cả đời người, ba anh kết nghĩa Lưu - Quan - Trương chúng tôi ngày xưa, giờ người còn người mất. Anh Năm bị bạo bệnh, thành người thiên cổ. Anh Khẩn đi bộ đội Phòng Không đóng ở thành phố Hải Phòng rồi lập gia đình, nghỉ hưu, giờ nhà ở đấy; thỉnh thoảng mới về thăm quê, chúng tôi được gặp nhau, mái đầu đã pha sương, ôn lại chuyện ngày xửa ngày xưa.

Ngôi trường cấp 2 Hòa Bình ngày xưa, nay đã là những thửa ruộng lúa xanh mướt, không còn lại dấu tích gì. Cây Gạo, cây Quéo cổ thụ đã chết, tôi tần ngần đứng nơi gốc Quéo xưa. Đình làng Kênh to lớn thế, sân đình rộng thênh thang, giờ chỉ thấy san sát những nhà. Quê tôi chắc không còn ai nặn được Tò he, hình ảnh Ông lão ngồi dưới gốc cây Quéo cổ thụ, tay thoăn thoắt nặn những con Tò he, với những câu chuyện làm say đắm bọn trẻ con chúng tôi, giờ chỉ còn trong ký ức.

Đinh Danh Vùng
 
Top