Những người con dòng họ Đinh Mẫn Cấp.

Đinh Đức Đạt

Thành viên mới
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 8 tháng 12 Âm lịch ( tức ngày 05/01/ 2016) là ngày chính kỵ của
cụ Đinh Mẫn Cấp. Là phận cháu đời thứ 5 của Cụ xin có nén tâm hương thắp kính dâng cụ.

Những người con từ trên trời rơi xuống.

Lẽ thường, gọi là phận con cái thì được cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng đến trưởng thành. Nhưng ở quê tôi có những người con do đất mẹ sinh ra. Sau lớn lên, chiến đấu hy sinh cho đất nước. Họ trở thành những người anh hùng, liệt sĩ ; Những bà mẹ sinh ra họ trở thành những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cũng có những người con từ trên trời rơi xuống. Người ta kể rằng, những người con này cũng có cha mẹ. Nhưng lúc sinh bỗng dông bão đầy trời, một tiếng sét lớn như xé toạc mây đen thì họ được sinh ra. Nghĩa là thời điểm chuyển dạ từ trạng thái Thai ( nuôi dưỡng trong bụng mẹ) sang trạng thái Dưỡng ( ra ngoài hít thở khí trời ) được xác định bởi tiếng sét đánh. Những người này, không gọi là được sinh ra, mà gọi là “ Rạch giời rơi xuống”. Thật ra thì cũng chẳng có gì là lạ cả. Đâu đó trên đất nước này, cũng có những con người được sinh ra theo kiểu như vậy.
Về việc sinh nở ở quê tôi có câu tục ngữ:
Đẻ con khôn mát l.. rười rượi,
Đẻ con dại thảm bại cả l.. .
Con người ta ra đời, mỗi người có một số mệnh. Số mệnh phụ thuộc rất nhiều vào phong thuỷ - đất, nơi họ được sinh ra. Đất linh thiêng thì có anh hùng, hào kiệt.
Có một làng quê nhỏ, nằm ở phía Đông- Bắc huyện Xuân Trường có lợi thế phong thuỷ ấy. Nguyên là trên mảnh đất ấy có một ngôi chùa tên là Chùa Một Liêu Thượng. Chùa Một Liêu Thượng còn có tên khác là Chùa Hồng Ân câu đối ở nhà tổ có ghi:
Liêu Thượng kim chung danh tự tại
Hồng Ân bảo các phúc vô biên.
Có nghĩa là Chuông vàng Liêu Thượng tên còn nêu ở đó; Gác báu Hồng Ân ban phúc tuệ mãi vô cùng. Ngôi chùa này tuy nhỏ bé nhưng nằm ở nơi đắc địa, có một cái Tháp chuông đẹp, khác hẳn với những tháp chuông chùa cổ mái cong và nhiều tầng ở đồng bằng Bắc bộ. Nó chỉ có một tầng tháp và thiết kế giống như những tháp thờ của người Chàm ở Nam Trung bộ. Ngôi chùa nằm ở phía bên phải con đường 50 nối từ phố huyện phủ Xuân Trường xuống làng Hạ Miêu đi bến đò Sa Cao để sang Thái Bình ( nơi toạ lạc của Chùa Keo). Trước chùa là nơi gặp nhau của hai nhánh sông; Một nhánh chảy từ Xuân Châu đến rồi hợp với nhánh sông chảy song song với con đường 50. Đứng trấn trước mặt tiền ngôi chùa giáp đường là hai cây bồ đề cao to bề thế, đến hàng nghìn năm tuổi, nơi nhìn sang phía bên kia sông là mả chú Khách. Người ta kể rằng : Thầy địa lý người Tàu thấy mảnh đất này linh thiêng, định chọn làm nơi chôn cất của cải, mồ mả cho họ tộc của mình. Hắn định yểm bằng cách trồng một bụi tre gọi là “ Trúc ngân hồ” với ý là khai thác mảnh đất này, lấy tre xâu tiền đưa về nước. Dân làng biết được thâm ý của chú Khách, ngày ngày lấy nước sôi đổ vào gốc tre. Mấy năm sau chú Khách trở lại thấy tre chết trơ gốc. Tìm không ra của cải, chú phát bệnh mà chết. Thi thể của chú và gốc tre bùa yểm cùng được chôn ở một chỗ. Gọi là mả chú Khách.
Trải qua bao thăng trầm, thể chế thay đổi mà ngôi chùa nhỏ ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn. Xa xưa thời đạo Phật thịnh trị thì không nói, nhưng đến thời nhà Lê đạo Thiên chúa phát triển mạnh mẽ, dần dần hình thành các trung tâm truyền giáo đầu não là Bùi Chu. Năm 1950, dưới sự bảo trợ của Pháp, giám mục Lê Hữu Từ, đứng ra thành lập khu Công giáo tự trị. Tổ chức, riêng các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh và một phần huyện Nam Trực trở thành tỉnh Công giáo tự trị. Thời gian này nhiều chùa thờ Phật, bị triệt phá do sự tranh chấp về lãnh đạo phần hồn người dân giữa Lương và Giáo. Rồi những năm sau cải cách ruộng đất, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Nhiều chùa chiền cũng bị phá hoặc thu lại để là kho hay chỗ hội họp cho Hợp tác xã. Bom đạn của Mỹ ném xuống đồng bằng Bắc bộ khá nhiều nhưng nó vẫn tránh ngôi chùa này ra. Phải chăng mảnh đất ấy có gì linh thiêng huyền bí ?.
Người ta truyền tụng nhau rằng: Ngôi chùa này được Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Không Lộ chọn làm chỗ nghỉ chân ( cho mình và các phật tử đi hành hương lễ Phật ở các chùa Keo (Thái Bình)*, Viên Quang (Nghĩa Xá )**, Chùa Keo (Hành Thiện )***.
Phía bên kia của nhánh sông chạy song song với đường 50 là làng Cựu Đông An. Đây chính là mảnh đất tụ linh, tụ khí. Thế đất của làng Đông An được ghi lại trên câu đối ở đền thờ thần hoàng làng :
Miếu hậu thất tinh sơn củng Bắc
Từ tiền Cửu khúc Thuỷ Triều Đông
Vậy là, phía trước làng là chín khúc sông, bao bọc như chín con rồng chầu, hàng ngày nước thuỷ triều dâng lên, gió Nam cuộn sóng như những chiếc vảy rồng lát trên mặt sông. Thật là một vùng đất phong cảnh hữu tình và huyền bí. Phía sau làng là bẩy cái ao vuông, ứng với bẩy ngôi sao trên trời đêm đêm soi rọi. Dân làng dựng miếu thờ có tên là miếu Thất tinh.
Qua bao đời luân chuyển đến thế kỷ XVIII, vùng đất này thuộc quyền sở hữu của gia đình cụ Đinh Mẫn Cấp. Cụ Mẫn Cấp là một nhà Nho yêu nước, cụ từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục; Đỗ bằng Hương năm 1876 nhưng không ra làm quan về quê làm thầy thuốc và dạy trẻ. Số Cụ “ Thân cư Thê”, mọi sự về cơ nghiệp, con cái đều nhờ vợ. Cụ kết duyên cùng cụ bà Đỗ Thị Lượng . Hai cụ có bảy người con. Trong cái sự mang nặng đẻ đau ấy, các Cụ có hai người con trai. Nói theo dân quê thì với gia thế của Cụ, sự sinh đẻ này thật là mát lòng, mát dạ.
Người con cả của Cụ là Đinh Đức Hợp, còn gọi là Nhất Hợp vì ông thi đỗ đầu trường huyện. Sau ông theo học trường Tây ở dốc Xuân Bảng. Nhưng vì phản đối giáo viên lịch sử giảng sai về truyền thống lịch sử nước nhà nên ông đã bỏ học về nhà làm nghề thầy thuốc, chữa bệnh cứu người. Ông kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Mộc người làng Hạ Miêu. Ông bà sinh hạ được năm người con. Nói về việc đẻ ra con khôn, con dại của hai ông bà, xin lấy từ người con trai trưởng và người con trai út của ông bà làm khởi nguồn cho việc này.
Người con trai trưởng của Cụ tên là Đinh Mạnh Thường. Khi sinh ông Thường, trời cũng đổ mưa, có giông, có bão... Sự ra đời của ông đáp ứng đúng sự mong mỏi của người cha quyền quí đang cầu trời - có người nối dõi tông đường. Theo cung cách của các gia đình nhà nho, có hai thủ tục cần làm cho một đứa trẻ mới ra đời là : Đặt tên.Tên là sản phẩm của cha mẹ tặng cho con khi ra đời, gắn bó cả cuộc đời của người con. Nó mang ý nghĩa, hình tượng, âm hưởng của dòng họ. Tên đầy đủ là : Đinh Mạnh Thường. Chữ đệm Mạnh vì là con trưởng. Tên Thường với nghĩa: Đạo thường ( Nhân, Nghĩa, Lễ,Trí,Tín); Còn có nghĩa là đền bù ( Cái được chẳng thể bù cho cái mất). Cụ đặt tên cho con quí của mình như vậy là vì Cụ biết con mình cao số nên lấy nhu chế cương. Hai là Cụ mời thầy bói (Tử vi) đến đoán quyết vận mệnh con mình. Về Tử Vi, thầy sẽ căn cứ chính vào năm, tháng, ngày, giờ sinh của người mới sinh để xác định ra hệ thống sao tại mỗi cung. Rồi thầy kết hợp hệ thống sao với thần thoại "Phong thần bảng" mà giải đoán mệnh lý. Nghĩa là căn cứ vào các sao tọa thủ trên 12 cung của lá số, khai thác những tiềm ẩn trong đó để dự đoán, thường gọi là đoán Mệnh. Thầy nói ông Thường có mệnh cách : Giáp sát thành cách. Mệnh cách là phản ánh điều kiện không gian, thời gian cùng với trạng thái và tình thế thể hiện trong cuộc đời của các tổ hợp sao ở trên lá số. Sao chủ tinh Tử Vi cư ở Sửu đi với Phá quân. Thế Tử Phủ, bạo phát. Đi với Phá Quân, con người vừa anh hùng, vừa bất nhân, bất nghĩa. Xã hội loạn ly là đất phát cho người thủ đoạn và cơ hội. Sao Tử Vi hội chiếu với sao Hoả Linh, Dương Nhẫn thì Tử Vi sẽ trở thành Giáp Sát thành cách. Đây là một phá cách khiến cho cụ Mẫn Cấp phải lo lắng ngay từ khi ông Thường mới chào đời.
Nói đến ông Tổng Thường thì ở tổng Cát xuyên không ai là không biết tiếng ông. Sau này, khi đã trưởng thành, vì không chăm chỉ học hành, không theo nghề thuốc gia truyền nên Cụ Cấp bỏ tiền ra mua một chức chánh tổng cho con. Âu cũng là một cách lo của người cha vì biết mệnh trời của con mà thêm lo lắng. Tuy nhiên, ông Thường lại không biết được tâm ý này mà nắm lấy cơ hội để thoả mãn tham vọng cá nhân của mình. Trong cải cách ruộng đất, người ta qui ông là
“ Địa chủ cường hào gian ác” . Khi đấu tố ông, có lẽ không còn lời xấu nào mà người ta phải tiết kiệm với ông. Nhưng cái “ bất”, nặng nề nhất mà ông phải gánh là mất lòng tin và mất vị thế của người con nối dõi tông đường. Ông sống phóng túng, hống hách, chơi bời đến nghiện hút thuốc phiện nặng, phá tán hết sản nghiệp của ông cha. Ông có quan niệm về cuộc sống là ‘Người ta sống chết có số, nhân sinh bất hành lạc, thiên tuế diệc vi thương (Ở đời sống không có mục đích, sống không hành lạc thì sống nghìn năm cũng như đứa chết yểu)’. Vì cái quan niệm hành lạc’ ấy mà Cụ Quỳ là mẹ kế của ông, người mà vì thương các cháu côi cút nên mới nhận thay chị lấy anh rể để quản lý gia đình phải thốt lên : "Nhà cửa, tiền bạc mất tôi chẳng tiếc, chỉ tiếc là đánh mất ông trưởng của nhà này". Trong một buổi gặp mặt nhân ngày giỗ của cụ Mẫn Cấp, có một người cháu đời thứ 11 nhận xét thông qua cuộc đời của ông Thường để nói về những nét giống nhau của các cậu “Ấm” của ngành Mẫn Cấp, và để giải thích cho những thành công, cũng như thất bại ở thế hệ họ như sau :Tất cả các con cháu Cụ ( Mẫn Cấp) đều giống Cụ; Thành đạt thì lá số có “ Thân cư ở cung Thê”. Nam tử thì cao to, đẹp trai, hay rượu, gái… Nhưng không bằng mấy bà Cô. Bằng chứng là trong số con trai không có ai là anh hùng, không có ai có học hàm, học vi cao. Những người có sự nhiệp đều là bộ đội và đều anh dũng hy sinh vì đất nước. Anh ta còn đưa ra một công thức biện bạch cho mình là : “ Tổng các đức tính của người cha ( lý tưởng, nhân phẩm, đạo đức…) cộng với tổng các điều kiện sống vật chất, tinh thần của người con bằng một hằng số ( constant ). Và lấy ví dụ rằng : Như ông Tổng Thường ngày xưa làm chánh tổng ăn chơi, bạo ngược …, thì bù lại anh Mẫn, anh Năng đã hy sinh cho Tổ Quốc, là liệt sĩ. Bà Diễm (vợ ông Thường), người một đời vì chồng vì con mới trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng tôi cho rằng anh chàng này khéo nguỵ biện chứ chẳng qua chỉ là phiên dịch cái công thức này từ câu tục ngữ của ông cha : “ Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Suy ra ý của cậu ta là : ‘Nếu cha mẹ hiền lành đạo đức, tử tế thì con cái sẽ thực dụng , ăn chơi cho hợp với thời cuộc’.
Người con út của ông Nhất Hợp tên là Đinh Thúc Dự. Sau khi ông Dự sinh được ba tháng thì mẹ là bà Mộc lâm bệnh và mất. Nói điều này để thấy ông là người được cha mẹ sinh ra như bất cứ một con người bình thường nào khác. Nhưng tư chất của con người, sự mất mát tình cảm, sống trong khổ hạnh…tạo ra ông, một con người hoàn toàn khác. Sau khi bà Mộc qua đời, ông Nhất Hợp tái giá với em ruột vợ là bà Nguyễn Thị Quỳ, bà Quỳ chỉ sinh cho ông một người con gái duy nhất đặt tên là Đinh Thị Mậu (tức là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Vân). Bà Mậu mới được sáu tháng tuổi thì ông Nhất Hợp qua đời, tất cả sáu anh chị em của ông Dự đều được nhà nho, lương y nổi tiếng Mẫn Cấp nuôi nấng và dạy bảo. Vì vậy mà ông Dự chịu ảnh hưởng tinh thần dân tộc, tinh thần Đông Kinh nghĩa thục, chống lại cường quyền áp bức của thực dân, phong kiến. Ông giác ngộ lý tưởng Cộng sản rất sớm. Tháng 3 năm 1933 đã là trở thành người bí thư chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở địa phương. Tháng Tám năm 1945ông Dự đã lãnh đạo chi bộ Đảng CSĐD xã Xuân Thành và quần chúng nhân dân trong huyện thực hiện thành công lệnh tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện lỵ Xuân Trường và Giao Thủy không mất một viên đạn và không đổ một giọt máu, là do có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo tài tình, biết vận dụng thời cơ của ông Đinh Thúc Dự. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách. Năm 1950, ông vinh dự được bầu là một trong hai đại biểu chính thức của tỉnh Nam Định đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2.
Ông Dự có cách cục là : Sát, Phá, Lang. Cách cục này nói lên rằng: Cuộc đời nhiều biến động, tuổi trẻ gian nan, có mưu lược, tài năng, nhẫn nại. Có năng lực sáng tạo, có tài hoạch định, phân tích, tư duy, dũng cảm quyết đoán khắc phục được khó khăn để đạt đến thành công. Có chức tước, vinh hoa. Do Thất Sát tọa cung mệnh gặp Tiệt lộ không vong nên cách cục này có xu thế biến hóa thành cách ' Thất Sát triều đẩu’ . Là mệnh cách Sát, Phá, Lang. Năm 40 tuổi đại hạn, tiểu hạn nhập cung Thìn - Thiên la (cung Mệnh) thì hung hiểm trùng trùng, vận mệnh tất sẽ có biến động.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc, Ông Dự được Trung ương Đảng điều động sang quân đội phụ trách hậu cần phục vụ Chiến dịch Quang Trung. Đây là trận chiến cuối cùng của ông. Sau chiến dịch Quang Trung, trong một chuyến đi công tác ở vùng hậu địch, ông đã anh dũng hy sinh, khi ấy ông mới 39 tuổi.
Nói về ông Dự, không thể không nói về người vợ yêu thương và mẫu mực của ông. Ông kết duyên cùng bà Đào Thị Lộc, thời con gái bà đẹp và đảm đang nhất làng Liêu Thượng. Ông bà chung sống với nhau chỉ vẻn vẹn mười hai năm, nhưng tính ra thì thời gian gần gũi bên nhau chỉ được vài ba năm hạnh phúc. Sinh thời, bà sống tình cảm và hay tâm sự : “Tuy chỉ được ở gần ông Dự một quãng thời gian ngắn ngủi, nhưng bà thấy thực sự là hạnh phúc vì có được một người chồng mẫu mực, thuỷ chung và các con đều khôi ngô tuấn tú ”. Bà suốt cả cuộc đời “ ở vậy , thờ chồng nuôi con” đúng là mẫu phụ nữ Đông Á điển hình của sự thuỷ chung, hiền thục, thay chồng nuôi dậy con cái và công tác xã hội. Bà được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng “ Có công với nước”. Ông bà sinh hạ được bốn người con .Tất cả các con của ông bà đều đã trưởng thành và hoàn thành sự nghiệp. Cháu con đông vui, học hành tiến bộ. Một thế hệ mới đầy triển vọng và tin cậy đang vui sống chan hoà. Thực tế ấy cũng phần nào nói lên công đức mà ông bà để lại cho đời sau.
Cùng với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ việc một con người ra đời không còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên cho nên các yếu tố về phong thuỷ, dòng giống không còn mang ý nghĩa thiêng liêng như xưa nữa. Chẳng hạn như : Có người muốn duy trì tên dòng họ thì đi thuê đẻ. Có đôi vợ chồng có con trai rồi vẫn bỏ nhau, con nhỏ đi theo mẹ và mẹ nó bắt đứa con mang họ mẹ. Ngày xưa các cụ rất kiêng kỵ về chuyện nam nữ quan hệ trước hôn nhân, như câu phú: ” Sao Thai mà ngộ Đào Hoa / Tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng”. Bây giờ thì không còn đúng nữa, Thanh niên họ sống “thử” rồi mới lập gia đình.Vì vậy câu chuyện về “những người con từ trên trời rơi xuống” của ngành họ Mẫn Cập chắc sẽ dừng lại ở thế hệ đời thứ 11.
Trở lại với người cháu đời thứ 11, người có nhận xét đã nói ở trên. Anh ấy là con út của các loại út trong gia đình nhà ông Nhất Hợp. Tên khai sinh là Tấn Anh. Để phá thế đội sổ thì đặt tên là Anh. Ai gọi tên thì theo thứ tự bảng chữ cái là đã nhảy lên hàng đầu rồi. Đúng là cuộc sống muôn vẻ, nhưng cũng không thể vượt ra khỏi lẽ tự nhiên. Khi cậu ấy sinh, thời điểm vào cuối mùa Xuân trời còn chưa sáng cùng may mưa, sấm chớp ầm ầm. Mới đầu khi có sét đánh thì cậu ấy ra được phần đầu; Vì sức yếu nên người mẹ không cố tiếp được. Cuối cùng để cứu người, các bác sĩ phải xử lý bằng phẫu thuật. Cũng may nhờ phúc tổ, nhờ sự gửi gắm của người thân, nhờ sự điêu luyện của bác sĩ phẫu thuật nên cậu ấy vẫn ra đời an toàn. Thời kỳ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, việc mổ đẻ đột xuất (kiếu bán âm, bán dương) như thế này là rất hiếm; Chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của người bác sĩ phẫu thuật. Chẳng thế mà sau này, khi nói chuyện lại với mẹ cậu ấy, một người bạn thân là nữ kỹ thuật viên gây mê trong kíp mổ nhận xét rằng : “ Thằng nhà mày là “rạch giời rơi xuống”, chứ đẻ như mày thật là khổ quá. Mổ rồi mà vẫn không chụi ra, đến mức bác sĩ phải lấy kẹp kéo ra, vết sẹo trên đầu nó là do việc ấy”. Người mẹ thương con an ủi với bạn là : “ Thôi cô ạ. Sinh mẹ tròn con vuông là may lắm rồi. Có tý vết sau này lớn lên mà nó có sẹo đầu sẹo cổ là ăn giỗ cả làng đấy, thì không sợ con mình bị thiên hạ bắt nạt ”. Từ giờ, ngày, tháng, năm sinh của cậu ấy. Có người quen gieo cho một quẻ theo Bát quái Tứ Trụ thì được quẻ: Lôi Thuỷ giải. Tượng quẻ là âm dương giao hoà. Sấm (Chấn) động và mưa ( Khảm) đổ bao nhiêu khí u uất tan hết là giải. Ý nói Hiểm ( Khảm) sinh ra nạn, nhờ động ( Chấn) nên thoát nạn nên gọi là giải. Thận trọng hào 3, hào này âm nhu, hào này bất chính, bất trung mà ở trên cùng của nội quái, tức như kẻ tiểu nhân ở ngôi cao, không khác kẻ tầm thường lại ngất ngưỡng ngồi xe người sang trọng chỉ tổ xui cướp đến cướp đồ của mình mà thôi. Hào 5 khuyên phải tuyệt giao với bọn tiểu nhân thì mới thành công được.
Nhà ở khu tập thể bộ đội, trong ngõ Quỳnh, ngõ chật hẹp và lộn xộn. Ngay từ năm lớp ba cậu theo học lớp chuyên Toán trường Trung Hiền của quận Hai Bà Trưng, chỗ ngã Tư Chợ Mơ. Cứ một mình một xe Mini Liên Xô chiến đấu. Đến năm cấp hai thì thi đậu vào lớp chuyên Toán của trường Ngô Sĩ Liên vẫn chiếc xe đạp ấy một mình lo lấy chuyện học hành. Tuổi thơ thật ngoan ngoãn và chăm chỉ. Cấp ba, thi vào trường phổ thông trung học Trần Phú, nhưng vì học lệch nên không đủ điểm cậu ấy đành phải xin vào trường Phan Đình Phùng, từ năm học này con ‘Lợn vàng’ (1983) như được thả vào rừng. Đầu tiên lấy lý do là phải đi học xa, bắt mẹ đổi chiếc xe Honda 82 thêm tiền mua cho chiếc xe Suzuki Viva 110 phân khối. Chữ Chấn là Long là bay lên, là xe cộ, máy bay trong số mệnh làm cho cậu ấy mê mệt, thời gây hoạ bắt đầu; Nó đồng hành cùng với việc sắm những xe phân khối lớn. Vì thấy có nhiều bạn mới có biểu hiện lêu lổng. Hết năm học mẹ cậu cậy cục xin chuyển cho cậu ấy về trường Việt - Đức. Cậu ấy nhanh chóng hội với một số bạn nhà có điều kiện, hợp với sở thích của mình. Chiến tích đầu tiên của cậu ấy là cùng bạn học vào Bình Đà mua pháo về bán. Được biết tin này bố mẹ cậu rụng rời chân tay vì lo cậu lạc vào ma trận buôn bán, làm ăn quá sớm. Thời kỳ này thanh niên nhiễm độc ma tuý bắt đầu bùng phát. Cậu ấy nhanh chóng gia nhập hàng ngũ “thợ cày đường phố”. Có biết bao nhiêu trận đâm xe, đi viện để khâu vá thân thể, mặt mũi; Tất cả những vụ việc này chỉ để đong đầy cho sự lo sợ, khổ hạnh của mẹ cậu. Về chuyện đua xe có lần vì quá bức súc bố cậu, bảo cậu : “ Ai cũng thích đi xe với tốc độ cao, nhưng mấy ai đã thích đâm đầu vào cột điện. Bây giờ hai bố con mình ai dùng xe của ấy, ta thi đâm vào cột điện với tốc độ cao xem sao, con có giám không? Thật ra với tình trạng của con như thế này thì không cần phải thi bố cũng đâm”. Nói nặng, nói nhẹ cũng chẳng có câu nào lọt tai cậu. Cậu đùng đùng bán xe 110 phân khối xoay thêm tiền để lấy vế chiếc Suzuki FX125 phân khối, màu Én bạc. Bố cậu mặt xanh như tàu chuối, nhưng đành im, sợ cậu phát khùng thì nguy mất. Cậu chưa kịp hành sự gì thì có một tin buồn đến với cậu. Sự thể là cậu có một người bạn thân đi xe xuống Hải Phòng bị tai nạn bất tỉnh; được đưa về cấp cứu ở bệnh viện Việt-Pháp, cậu ấy có vào chăm sóc bạn được một đêm thì người bạn đó ra đi. Cậu ấy buồn phiền, ở lỳ trong nhà mấy ngày và sau đó thì không đua xe nữa. Ấy tưởng là bão gió đã tạm yên, nhưng ở đời lớp sóng sau lại trùm lên lớp trước. Ít lâu sau khi đã nguôi ngoai, cậu viết cho bố mẹ một lá thư để nói về đòi hỏi cuối của mình là bố mẹ cho thêm tiền để đổi chiếc xe FX125 lấy chiếc xe Dylan - 150, hứa là sẽ ngoan ngoãn tập trung vào học để thi Đại học. Bố mẹ cậu cũng chẳng còn cách gì đành thuận theo cậu. Được một thời gian cậu lo chuyện học hành. Đến đúng hôm thi xong tốt nghiệp PTTH. Cậu gọi điện về báo không ăn cơm nhà để đi liên hoan với bạn ở trên Hồ Tây. Đến tầm 21 giờ thì anh công an hộ khẩu sang thông báo là cậu ấy bị cảnh sát Điều tra bắt giữ ở số 8 Hồ Thuyền Quang về tội gây rối trật công cộng (cùng bạn bè dùng hung khí đánh nhau ở Hàng Bài ). Bố mẹ cậu cậy nhờ mọi cách để đưa cậu về nhà. Thì ra, vì nể bạn cậu chỉ chở bạn đến Sinh Từ ( Nguyễn Khuyến ) mua giao phay, chở bạn đi giải quyết việc cá nhân nên mới bị Công an tạm giữ. Cơn sóng này đè cậu xuống, cậu thi trượt đại học, thay vào dự định đi du học thì bố mẹ cậu chấp nhận cho cậu học Cao Đẳng Ngân Hàng thuộc ĐHBK Hà nội (tâm lý vì sợ mất con, nơi đất khách quê người). Đi học được ít lâu thì không thấy cậu đi xe nữa mà toàn thấy bạn đến đón. Hỏi cậu thì cậu bảo là “ bạn đón để không đi học muộn giờ”. Hỏi ra mới biết cậu ‘ Cá độ bóng đá‘ đã đặt xe mất rồi. Ra trường để tách khỏi bạn bè cũ, bố cậu xin cho cậu làm phụ việc ở Đài TH. Một hôm vào dịp tết cậu hỏi bố cậu: ” Tết đến rồi bố muốn quà gì để con mua tặng bố ? ”, nghe có vẻ quan tâm. Bố cậu cười chua chát và nói rằng:” Tao chỉ muốn làm con cho mày, để những dịp như thế này không phải lo nghĩ gì. Ung dung mà nhận lỳ xì, quà biếu…”. Thật ra ông chỉ muốn bảo con mình là tao chỉ muốn mày là một người bình thường cho tao yên. Ông cũng thấy lạ và có ý cảnh giác. Đúng là cậu quí tử có ý nhờ bố nói với người anh họ xin cho cậu chiếc xe Volswagen-Beetle cổ để cậu gia nhập hội xe này. Thú chơi này thật thanh tao, nhưng cũng thật tai hại. Về sau cậu lập gia đình có con nhưng bao nhiêu thời gian, tiền bạc, bao nhiêu sự quan tâm cậu giành hết cho xe. Bố mẹ có nhắc nhớ cậu về việc phòng ngừa tệ nạn hút hít thì cậu bảo rằng : ” Con đủ khôn để không đi vào vết xe đổ của ông Tổng Thường”. Cậu sống vô trách nhiệm và bừa bãi, đến mức vợ không chịu đựng nổi. Có lần hai, ba giờ sáng cậu mới về nhà, vợ cậu không mở cửa, không nghe điện thoại; Sáng dậy vợ cậu thấy tờ giấy đề : ‘ Vì không liên hệ được; Tôi ở khách sạn Khăn quàng Đỏ, nhà A3 phòng 404 .khi cần liên hệ trực tiếp ’. Cũng vì cái đam mê xe cổ này mà hai vợ chồng không ở được với nhau. Thật là một thiệt thòi lớn cho con trẻ.
Quẻ Lôi Thuỷ giải lại còn nói: ” Dẹp loạn xong nên khoan hồng với kẻ lầm lỗi, không đa sự. Không thể bằng áp đặt để duy trì trật tự cũ mà ngăn cấm những cái mới thâm nhập vào lối sống của con người họ. Và với họ phương thuốc hiệu nghiệm nhất là công việc và sáng tạo. Hy vọng những thiên thần mới của dòng họ Đinh Mẫn Cấp đứng vững được trên mặt đất này. Sống theo gương ông Dự, bà Vân, Ông Trung, Ông Tuyến, Anh Mẫn, anh Năng và biết bao anh hùng liệt sĩ khác của dòng họ.
Viết tại Làng Đông An, Xã Xuân Thành, Huyện Xuân Trường.
Tháng 8/2016.

* Chùa Keo Thái Bình (Thần Quang Tự): Ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ban đầu có tên là Nghiêm Quang Tự, đến năm 1167 mới đổi tên là Thần Quang Tự; Vì Giao Thuỷ có tên Nôm là Keo nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo. Nguyên thuỷ chùa do Thiền sư Không Lộ xây dựng ở ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông tại hương Giao Thuỷ, phủ Hà Thành ( nay thuộc huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định). Sư tổ của chùa chính là Lý Triều Quốc sư Dương Minh Không ( Pháp hiệu là Không Lộ).
** Chùa Viên Quang . Chùa Viên Quang được xây dựng bên bờ Nam của một nhánh sông Hồng thuộc hương Giao Thuỷ, huyện Giao Thuỷ, lộ Thiên Trường. Bắt đầu từ năm 1121 đến năm 1122 thì xong lúc đầu đặt tên là chùa Diên Phúc. Chùa do Thiền sư Giác Hải sáng lập, xây dựng ngay trên quê hương mình, nay là Viên Quang thuộc Nghĩa Xá, Xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường.
*** Chùa Keo Hành Thiện. Theo văn bia chùa Nghĩa Xá cho biết : Chùa Viên Quang xây dựng bên hữu chùa Long Kiều. Chùa Long Kiều thời Lý ở hành cung Hải Thanh ( nay là làng Hành Thiện). Chùa Thần Quang do Thiền sư Không Lộ xây dựng vào thời Lý. Do sông Hồng đổi dòng và sự thay đổi địa lý lịch sử, hành chính… nên địa danh Long Kiều không còn tồn tại. Căn cứ vào tư liệu còn lại, đặc biệt là phong cách thờ tự (ngoài là thờ Phật, trong là thờ Thiền sư Không Lộ) nên người ta cho rằng Chùa Thần Quang (Keo) là chùa Long Kiều xưa. Chùa Keo

( Hành Thiện ) thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường.
 
Top