Phố Đinh Công Tráng, Hà Nội - Con Phố Thân Quen

Dinh Danh Vung 1.jpg
Cổng cơ quan Bộ tự lệnh Bộ đội Biên phòng - Số 4 phố Đinh Công Tráng

Phố Đinh Công Tráng, Hà Nội, mang tên danh nhân Lịch sử họ Đinh, Ông sinh năm Nhâm Dần (1842), quê làng Trình Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà; ông là một trong những Thủ lĩnh yêu nước tiêu biểu của phong trào khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp xâm lược.

Do có lòng yêu nước thiết tha, khi giặc Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ, Ông đang làm Chánh tổng, đã rời gia đình quê hương, tham gia chiến đấu trong đội quân Hoàng Kế Viêm. Năm 1883, ông có mặt trong trận đánh Cầu Giấy, Hà Nội diệt tên Quan lăm Hăng-ri Ri-vi-e, Đại tá Hải quân Pháp.

Năm 1885, Ông vào Thanh Hóa cùng đồng đội chọn vùng đất của ba làng là làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê để xây dựng căn cứ kháng chiến; mỗi làng có một ngôi đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình của làng kia, nên gọi là căn cứ Ba Đình; nay thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Đinh Công Tráng có kinh nghiệm chiến đấu, với tư chất thông minh, lòng kiên cường dũng cảm, ông đã trở thành Thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Từ đây, Nghĩa quân tỏa đi đánh các nơi, kiểm soát tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam; vì vậy, giặc Pháp điều động lực lượng lớn binh lực quyết tâm đàn áp.

Sau khi chiến khu Ba Đình bị thất thủ, ông cùng Phạm Bành rút về chiến khu Mã Cao ở Yên Định, Thanh Hóa. Ngày 5 / 10 / 1887, bị giặc bao vây, ông đã chiến đấu quyết liệt và anh dũng hy sinh tại làng Trung Yên, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Dinh Danh Vung 2.jpg
Tranh Thủ lĩnh Đinh Công Tráng và Phạm Bành xây dựng chiến khu Ba Đình

den_tho-06_36_21_834.jpg
Đền thờ Đinh Công Tráng bên sông Đáy tại thôn Nham Tràng, xã Thanh Tân, Thanh Liêm, Nam Hà

Danh nhân lịch sử Đinh Công Tráng được Thành phố Hà Nội tôn vinh đặt tên cho đường phố Đinh Công Tráng, nơi nhượng địa của Thực dân Pháp, thường gọi là Đồn Thủy.

Căn cứ Ba Đình được Nhà nước vinh danh đặt tên cho quận Ba Đình, là một trong những quận trung tâm của thành phố Hà Nội, đầu lão chính trị của cả nước. Và được đạt tên cho Quảng trường lớn Ba Đình, ở đó có Lăng Bác Hồ và Trụ sở Quốc hội, Phủ chủ tịch Nước, Phủ Thủ tướng, Bộ Ngoại giao… Nơi đây đã chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày Quốc khánh mùng 2 / 9 / 1945, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Quảng trường Ba Đình là nơi thường xuyên diễn ra các Lễ kỉ niệm trọng đại của Đất nước.

Dinh Danh Vung 3.jpg
Tranh tư liệu: Thủy quân Pháp dưới thuyền đổ bộ đánh thành Hà Nội.

Phố Đinh Công Tráng thời Pháp thuộc, có tên là Béc-tơ-đơ Vi-le (rue Berthe de Villers), được nối từ phố Trần Hưng Đạo đến đường Trần Khánh Dư; sau Cách mạng tháng Tám được đổi tên thành phố Đinh Công Tráng. Những năm 1954 đoạn đầu phố được ngăn lại làm doanh trại Quân đội, sau này là cơ quan Bộ tư lệnh Công an Nhân dân Vũ trang, nay là Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng; vì vậy, phố Đinh Công Tráng còn lại rất ngắn và trở thành con phố cụt, cũng ít người biết đến.

Phố Đinh Công Tráng trước đây, nguyên là phần đất của một trong năm thôn thuyền chài, nơi cư ngụ của ngư phủ đánh bắt cá trên sông Hồng, gọi chung là Thủy Cơ, thuộc tổng Tả Túc, sau đổi là tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương, thành Hà Nội. Địa danh "Thọ Xương", đẹp và thanh bình được nhắc đến trong câu ca dao về thành Thăng Long xưa:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Dinh Danh Vung 4.jpg
Nhà thương Đồn Thủy - Nay là bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và bệnh viện Việt - Xô

Thực dân Pháp xâm lược nước ta, lính Thủy đánh bộ là lính viễn chinh Pháp, tiến quân từ biển vào sông Hồng, rồi đổ bộ lên đóng quân tại nơi đây đầu tiên, để tấn công Thành Hà Nội. Từ năm 1873, khu đất trở thành nhượng địa của Pháp, gọi là Đồn Thủy (nơi doanh đồn của lính thủy). Tại khu Đồn Thủy còn có nhiều cơ sở hậu cần phục vụ binh lính Pháp, như đài nước Đồn Thủy, nhà thương Đồn Thủy (nay khu bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Việt Xô)... Doanh đồn Lính thủy, biệt thự Pháp và vườn hoa Đồn Thủy.

Dinh Danh Vung 5.jpg
Đài nước Đồn Thủy trong Công ty nước sạch TP - Trên phố Đinh Công Tráng

Trên phố Đinh Công Tráng vẫn còn đài nước Đồn Thủy, chứng tích một thời Pháp thuộc. Bọn chủ Tây gọi đài nước này là Đài Cuối vì ở cuối Thành phố, để phân biệt với Đài Đầu là Đài nước phố Hàng Đậu ở đầu Thành phố. Đài nước nằm trong khu quân sự Đồn Thủy, rất thuận lợi cho việc cung cấp nước trại lính và nhà thương quân sự, vì thế cũng rất ít người Hà Nội biết đến. Cạnh đài chứa nước, trước đây còn hàng chục nấm mồ giặc Pháp, đã bỏ xác trong các cuộc tấn công Thành Hà Nội. Ngày nay nơi đây chỉ còn tấm bia ghi lại tội ác xâm lược của giặc Pháp.

Dinh Danh Vung 6.jpg
Cổng cơ quan Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cuối phố Đinh Công Tráng

Phố Đinh Công Tráng, nay thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; con phố nhỏ thân quen, mỗi lần bước chân trên con phố ngắn ngủi ấy, tôi như được trở lại chính ngôi nhà thân thương của mình. Cuối con phố cụt là cổng vào cơ quan Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cổng cơ quan uy nghiêm hoành tráng; phía bên trong cơ quan liền kề với đơn vị Bộ tư lệnh Thủ đô và Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, cũng chắn ngang cuối phố Phạm Ngũ Lão. Đối diện phía bên kia, qua phố Trần Hưng Đạo là bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Các đơn vị Quân đội trên đều nằm trong khu vực Đồn Thủy khi xưa.

Phố Đinh Công Tráng nối với phố Trần Hưng Đạo, đường phố rợp bóng sấu cổ thụ, kẹp giữa hai đường phố là vườn hoa hình tam giác cũng rợp bóng cây xanh, người dân, khách về công tác và khám chữa bệnh ở Viện 108 nghỉ ngơi thư giãn.... Thật tiếc, sau này, Thành phố lấy đất vườn hoa Đồn Thủy, xây dựng trạm Điều tiết - Biến áp điện… Con Phố nhỏ mất hẳn đi vẻ đẹp, thoáng đãng vốn có.

Dinh Danh Vung 7.jpg
Cổng mới Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng ra phố Trần Hưng Đạo

Đã mấy chục năm công tác và sinh hoạt “Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” tại cơ quan Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng; tôi có biết bao kỷ niệm vui buồn gắn liền với con phố nhỏ này. Từ Phố nhỏ ấy, sáng sáng, chúng tôi chạy dài thể dục ra tận Hồ Gươm… Rồi lại tối tối, chúng tôi cùng bạn bè trong tập thể cơ quan, bách bộ qua ngã sáu phố Trần Hưng Đạo, dọc theo phố Lê Thánh Tông, lên Tràng Tiền vào xem Hiệu sách, xem Phòng Triển lãm, vào Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, hay dạo phố Đinh Tiên Hoàng, bên Hồ Gươm lộng gió... có lần dạo lên tận phố Hàng Ngang, Hàng Đào...

Dinh Danh Vung 8.jpg
Phòng khám bệnh trên phố Đinh Công Tráng

Từ con phố nhỏ này, tôi ra bến Phà Đen, đi tầu thủy dọc theo sông Hồng, hay ra bến xe khách Kim Liên để về thăm nhà… Cũng từ con phố nhỏ này, chúng tôi, những Chiến sĩ Biên phòng, không kể ngày đêm lên đường làm nhiệm vụ dài ngày trên các tuyến Biên giới - Biển đảo xa xôi trên cả nước. Bạn bè ai hỏi “Đơn vị Bạn ở đâu” ? - “Mình ở Đồn Thủy”, mọi người tưởng mình đóng quân tận miền biên ải, biển đảo xa xôi. Phố Đinh Công Tráng, phố nhỏ thân quen, con phố tôi yêu, mỗi tấc đất Thủ đô Ngàn năm Lịch sử, Ngàn năm Văn hiến, đã thấm đẫm máu đào của bao thế hệ Cha ông để bảo vệ và xây dựng lên Thủ đô Hà Nội yêu dấu.

Đinh Danh Vùng
 
Top