Ý nghĩa sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) trong tiến trình lịch sử Dân tộc

N9FIZe5UFwe_EOIMI4x9sr0XYChbwgV_BCIXNX9Ps0T6ruSrN37rfxhSDa54sTOibB99DU_EJqJE1orzYdELEAARYya_-mPXZ9TNmW2mxtYTFECjALMT6tIGZEzq1z8JEPNKsRti


Ra đời trong đấu tranh dẹp loạn, Nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập, xuất hiện trên vũ đài lịch sử với ngọn cờ thống nhất đất nước. Mặc dù chỉ kéo dài 12 năm (968 - 980), trải qua hai đời Vua, nhưng trong quá trình tồn tại, bằng tổ chức quản lý và hoạt động cụ thể, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh đã có những đóng góp lớn lao về mọi mặt, giữ vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Một là, Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời vào năm 968 đã chấm dứt tình trạng phân tán, cát cứ kéo dài, mà “Loạn 12 sứ quân” chỉ là một hiện tượng điển hình; cùng với đó, quốc gia dân tộc được thống nhất với cương vực lãnh thổ riêng.

Tình trạng phân tán với xu hướng tách khỏi sự ràng buộc của bộ máy quản lý nhà nước tập trung chính là di sản nặng nề do quá khứ để lại, buộc dân tộc ta vào thế kỷ X phải từng bước loại trừ để cùng nhau tồn tại và phát triển. Vì vậy, sự xuất hiện của Đinh Bộ Lĩnh với vai trò dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia dân tộc. Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh, từ quá trình ra đời đã giáng một đòn quyết định, chặn đứng mọi âm mưu chia rẽ đất nước của các thế lực phân tán tồn tại dai dẳng từ trước, hướng tới thống nhất, tập quyền, phù hợp với yêu cầu của lịch sử. Đồng thời, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh đại diện cho lợi ích và sức mạnh của cộng đồng các giáp, xã… tượng trưng cho sự đoàn kết, tập hợp các lực lượng vì mục đích độc lập, tự chủ và thống nhất.

Đây là thành tựu được các sử gia nhìn nhận và đánh giá rất cao. Thậm chí, đối với sử gia phong kiến, vấn đề “thống nhất quốc gia” còn là một tiêu chí để xem xét tính “chính thống” của một triều đại. Chính vì vậy, sự kiện thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt được coi là mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc ta (“Chính Thống Thuỷ”). Do đó, các bộ chính sử, từ Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV), Đại Việt sử ký tiền biên (thế kỷ XVIII) đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX) đều xác định: Triều đại nhà Đinh với sự thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt là mốc mở đầu phần Bản kỷ hoặc Chính biên.

P101001.JPG

Hai là, với việc thiết lập triều đình riêng do một hoàng đế đứng đầu, có niên hiệu riêng, quản lý một lãnh thổ riêng biệt, sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt chính là sự khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước vừa mới được khôi phục sau một thiên niên kỷ lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc.

Đối với Việt Nam, một nước nhỏ bé ở bên cạnh một đế chế hùng mạnh, rộng lớn như Trung Hoa, thì việc đặt tên nước, xưng đế hiệu, định niên hiệu mang một ý nghĩa lớn về ý thức tự tôn, tự cường dân tộc.

Trong lịch sử dân tộc, trước Đinh Tiên Hoàng, có 2 vị vua nổi dậy khởi nghĩa thời kỳ Bắc thuộc, khi thành công cũng xưng Đế. Đó là Lý Bí, sử gọi là Lý Nam Đế (544-548) và Mai Thúc Loan, sử gọi là Mai Hắc Đế (713-722); tuy nhiên, ngay sau đó, đất nước ta lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Tiếp đó, vào những thập niên đầu thế kỷ X, kể từ Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ đến Ngô Quyền, mặc dù đã giành được quyền tự chủ, nhưng để giữ sự hòa hiếu với phương Bắc, chỉ xưng là Tiết độ sứ hoặc xưng Vương.

Do đó, việc đặt quốc hiệu “Đại Cồ Việt”, rồi xưng đế (được bề tôi dâng tôn hiệu “Đại Thắng Minh Hoàng Đế”) thể hiện một cách rõ ràng ý đồ của Đinh Bộ Lĩnh khi so sánh, đặt mình ngang với các Hoàng đế Trung Hoa; phủ nhận những tên gọi nước ta trước đó mà triều đình phong kiến phương Bắc đặt cho, như: An Nam, Giao Châu… Tiếp đó, việc Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của các Hoàng đế Trung Hoa nữa, định niên hiệu mới là Thái Bình (năm 970) mang một ý nghĩa lớn lao; biểu hiện ý chí độc lập, tự chủ, không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc ngày đó.

Như vậy, với việc đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, xưng Hoàng đế và định niên hiệu là Thái Bình, một lần nữa khẳng định sự tự tin vào sức mạnh dân tộc, khát vọng về một đất nước thái bình, hưng thịnh của Vua Đinh Tiên Hoàng.
HsT2W9lnrpAuZPOi_hNgHcD5hmHRVKUlSpfv-6s-Qg1_3mcDC6afXsjEXVxhPacnTCXOR7gTNn60X1Nn4mI3ymjb7ib7zFwav32kdOUhjqRgYPKUdt25W4UeAsJCqoKC4IyjbmjV

Ba là, Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) với tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại tuy sơ khai nhưng đã mở ra một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc - thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ lâu dài với sự nối tiếp nhau của các nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.

Trước Nhà nước Đại Cồ Việt, lịch sử nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của nhà nước sơ khai thời Văn Lang - Âu Lạc, lại có các nhà nước tồn tại ngắn ngủi trong thời kỳ đấu tranh chống Bắc thuộc như: Nhà nước của Trưng Nữ Vương, nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế, rồi các chính quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương, họ Ngô. Nhưng phải đến khi Nhà nước Đại Cồ Việt được ra đời, một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước mới được khai mở.

Với việc tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ gồm một đội ngũ quan lại có phân công, phân nhiệm rành mạch và việc chia đất nước thành các đơn vị hành chính mới, Nhà nước Đại Cồ Việt là một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền độc lập, tự chủ, hoà hợp và mở rộng, gắn bó với cộng đồng giáp, xã; đối ngoại mềm dẻo trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền của dân tộc. Trên cơ sở ban đầu đó, các vương triều sau còn phải tiến hành sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh và củng cố cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong quá trình hình thành và xác lập chế độ phong kiến loại hình phương Đông ở nước ta.

Hơn nữa, bằng những hoạt động đối nội và đối ngoại phù hợp, Nhà nước Đại Cồ Việt đã đưa lịch sử nước ta vào một bước phát triển mới chưa từng có (so với trước đó), khôi phục lại thế đứng hiên ngang cho đất nước, cho dân tộc. Nhờ vậy, từ đây, đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt, bằng sức sống bền bỉ và năng động của mình đã vươn lên mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với mọi âm mưu và hành động xâm lược của giặc ngoại xâm, giữ một vị trí quan trọng trong khu vực trước những biến động lớn đã từng xảy ra và còn tiếp diễn ở nhiều thế kỷ sau này.

MT-558409-2_Opt.jpg

Như vậy, kể từ thế kỷ X, trên hành trình lịch sử Đại Cồ Việt - Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam, Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) mãi mãi xứng đáng với vị trí mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc. Như lời sử thần Lê Tung trong Việt giám thông khảo tổng luận nhận định: “Đinh Tiên Hoàng nhân khi nhà Ngô loạn lạc, dẹp được 12 sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi… sang chế triều nghi, định lập quân đội. Vua chính thống của nước Việt ta thực bắt đầu từ đấy…”. Hay, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lịch sử nước Nam ta” cũng dành cho Đinh Tiên Hoàng nói riêng, Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) nói chung những lời tốt đẹp:

Đến hồi thập nhị sứ quân
Bốn phương loạn lạc muôn dân cơ hàn
Động Hoa Lư, cõi Tiên hoàng
Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh
Ra tài kiến thiết kinh dinh”.

Báo Ninh Bình - Bài Tuyên giáo Tỉnh ủy
 
Top