Đinh Giao Hữu - Người thợ vẽ và tâm hồn giàu chất quê

Administrator

Moderator
dgh.jpg
Họa sĩ Đinh Giao Hữu đang vẽ một bức tranh quê hương.​
.​
(QT) - Trong tiết xuân se lạnh, khô ráo ở miền tây, người thợ vẽ có tiếng ở phố núi Khe Sanh - ông Đinh Giao Hữu (trú tại khóm 1) đã chọn ngày lành đầu năm mới để khai bút với tinh thần đầy lạc quan. Thả hồn mình vào bức tranh với những gam màu đầy sức sống, ông tái hiện một vùng quê an bình - nơi tuổi thơ ông đầy ắp kỷ niệm cùng chúng bạn cưỡi trâu nô đùa trên cánh đồng thẳng cánh cò bay và hình ảnh những trai làng háo hức đua thuyền trên sông nước mênh mông dưới bầu trời trong xanh vời vợi …
“Họa sĩ” của phố núi
Nhiều người lớn tuổi ở Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) khi nhắc đến người thợ vẽ tài hoa Đinh Giao Hữu đều cho rằng ông có đôi tay “biết nói” bởi không chỉ vẽ đẹp với đề tài phong phú mà ông làm việc gì cũng rất khéo. Hơn 20 năm về trước, từ lúc còn bé tôi đã từng được chiêm ngưỡng tài năng của ông. Tranh ông vẽ như thật, bức nào cũng có hồn, phần lớn ảnh các lãnh tụ hay tranh phong cảnh được treo trang trọng ở nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ở huyện đều do ông vẽ. Ông say vẽ nhiều lúc quên ăn, quên ngủ dù rằng việc vẽ tranh may ra chỉ đủ đắp đổi sống qua ngày.
Trở lại thăm ông Hữu sau nhiều năm, căn nhà cấp 4 đơn sơ, bình dị của gia đình ông vẫn không khác xưa là mấy. Trên các bức tường nhà, nhìn đâu chúng tôi cũng thấy tranh của ông mà đa số là phong cảnh miền quê, phố núi, nhà sàn, sơn nữ, mẹ con… Mỗi bức ảnh chứa đựng một tình cảm riêng của người thợ vẽ.
Đặc biệt, ở bức tường giữa phía trên bàn thờ, ông vẽ một bức tranh lớn rất ấn tượng, đó là cảnh sông nước mênh mông, xa xa là núi rừng, trên bầu trời trong xanh có đàn chim bay về nơi trú ngụ.
Theo như ông lý giải về ý nghĩa bức tranh thì năm trước, người con trai cả của ông do bận công tác xa quê nên không về nhà ăn tết được, ông đặt tên cho bức tranh là “Chim có tổ, người có tông” như thay lời người con vắng nhà. Thương cho con không về sum họp với gia đình ngày xuân được nhưng ông vẫn hy vọng trong lòng con vẫn luôn nhớ về quê cha, đất tổ.
Bên tách trà nóng, ông Hữu kể chuyện đời, chuyện nghề của mình cho tôi nghe. Ngày ấy, gia đình ông quá nghèo, việc học hành đầy đủ chỉ là mơ ước của anh em ông. Yêu vẽ từ khi biết đọc, biết viết, chỉ cần một cây bút chì cậu bé Giao Hữu có thể ngồi hàng giờ để vẽ cảnh làng quê, ngôi nhà tranh đơn sơ, con trâu ra đồng, mẹ gánh hàng ra chợ…
Lớn lên đôi chút, hễ đi đến nhà ai thấy sách hay truyện dài kỳ Giao Hữu đều mượn về đọc. Cậu có thể đọc sách bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào. Có lần, dẫn đàn trâu ra đồng gặm cỏ, ngồi dưới gốc cây cổ thụ say sưa nghiền ngẫm từng trang sách, quên giờ đưa trâu về khiến cả nhà lo lắng chạy đi tìm khắp nơi. Đến lúc nghe tiếng Ba gọi bên tai cậu mới giật bắn mình rời mắt khỏi sách vội chạy lùa trâu về nhà thì lúc đó trời đã xế chiều.
Những bức tranh đẹp được đặc tả trong sách luôn để lại trong trí nhớ của Giao Hữu và được cậu thể hiện sinh động qua từng nét bút. Càng ngày tay vẽ của cậu càng mềm mại hơn, nhiều lúc trong đôi mắt sáng trong nhìn về phía chân trời xa cậu mơ ước được đi học ở trường chuyên nghiệp để trở thành một họa sĩ.
Năm 1975, rời làng quê An Giạ, Triệu Độ, Triệu Phong, ông Hữu cùng gia đình lên Hướng Hóa xây dựng kinh tế mới. Tuổi trẻ bao nhiệt huyết không cam lòng với việc chỉ biết cầm cuốc vỡ đất khai hoang, ông Hữu quyết tâm theo đuổi nghề vẽ bằng cách chọn mảnh đất nhỏ ngay thị trấn để lập nghiệp bất chấp bao thử thách phía trước. Ở miền núi, nghề thợ vẽ bấy giờ chưa được chuộng bởi đời sống của đồng bào nơi đây còn bộn bề khó khăn.
lang que 3456.jpg
Nhà ngoại của họa sĩ Đinh Giao Hữu xưa ở làng An Giạ.​
Cũng may cho ông Hữu lúc đó, ở huyện rộ lên phong trào treo ảnh Các Mác, Lênin, Bác Hồ, đường sá đi lại giữa miền núi và đồng bằng còn hiểm trở nên việc mua các bức tranh để treo là rất khó. Nghe danh người thợ vẽ mới từ đồng bằng lên, nhiều người công tác ở các ban, ngành tại huyện tìm đến nhờ anh vẽ. Từ những bức ảnh thật nhỏ xíu được đăng tải ở các tờ báo, bằng tài năng của mình, ông Hữu vẽ lại, phóng to hơn nhiều lần, rõ ràng và không khác gì ảnh chụp. Thành công từ những bức chân dung ấy khách hàng tin tưởng đặt anh vẽ tranh chân dung, phong cảnh, đồ dùng dạy học...
Sống hết mình với nghiệp vẽ
Có một người luôn hy sinh thầm lặng, luôn sát cánh, chia sẻ, động viên và đóng góp ý kiến vào những bức tranh mà tôi thể hiện. Tình yêu ấy luôn thôi thúc tôi sống để vẽ nên những điều kì diệu của thiên nhiên, của cuộc sống. Đó là người bạn đời gắn bó với tôi hơn 30 năm nay”, ông Hữu vừa nói vừa cầm lấy bàn tay chai sần suốt cuộc đời vì chồng, vì con của vợ mình - bà Lê Thị Chắt. “Từ hồi mới lấy nhau về, tôi nói với vợ rằng “anh nghèo lắm, chỉ biết vẽ, không thể làm gì hơn để vợ con sung sướng”, vợ tôi cười hiền bảo “anh yên tâm, sướng khổ có nhau, miễn chúng ta quyết tâm nuôi nấng các con thành đạt là hạnh phúc rồi!”.
Là người khéo tay nên ngoài vẽ ông Hữu có thêm nghề cắt tóc. Khách cắt tóc đến quán ông cũng khá đông, đa phần là người có tuổi và bạn thâm niên của ông. Nhiều lúc thấy vợ vất vả làm lụng chăn nuôi đàn lợn hàng chục con để phụ ông kiếm tiền nuôi các con ăn học, ông thu xếp thời gian giúp vợ thái rau, nấu cám lợn. Rồi mấy năm lại đây, vợ ông đầu tư nấu rượu nếp, lúc rỗi rãi, ông cũng chung tay với bà ủ men, nấu rượu...
Trong số 5 người con của ông bà có 2 người học Ba vẽ rất đẹp, trở thành Kiến trúc sư hiện sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, và 2 người con gái đã tốt nghiệp cao đẳng. Một đời với nghề vẽ, nghề cắt tóc, giờ ông Hữu phần nào yên tâm và rất tự hào về các con. Theo ông, dù đi đâu xa các con mình cũng hướng về cội nguồn, cũng yêu và đam mê nghiệp vẽ giống Ba.
Lúc còn nhỏ, mỗi lần vẽ tranh bao giờ Ba tôi cũng mở những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên... như để tăng thêm nguồn cảm xúc. Ba tôi không học qua một trường hội họa nào, chủ yếu là vẽ theo năng khiếu và đam mê. Nhờ Ba, tôi đã quen được nhiều người bạn họa sĩ của Ba ở Huế, Đông Hà... Quá trình trưởng thành, qua họ tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm hội họa cũng như kinh nghiệm sống. Chúng tôi tự hào khi mình được thừa hưởng năng khiếu vẽ của Ba bởi nghề kiến trúc rất cần đến hội họa, thi tuyển vào đại học môn vẽ mỹ thuật nhân hệ số 2. Dù đi đâu xa, tôi cũng quyết tâm học tập và lao động tốt, luôn hướng về quê hương để phấn đấu không phụ lòng người thân”, Kiến trúc sư Đinh Thanh Hải, con trai ông Hữu bộc bạch.
Giờ đây, nghề vẽ của ông Hữu không còn thịnh hành như trước đây bởi sự phát triển của khoa học công nghệ. Phần lớn khách chỉ đến đặt ông vẽ đồ dùng dạy học, viết các dòng chữ trên băng rôn, lẵng hoa, vòng hoa và viết thư pháp… nhưng ông vẫn đam mê sáng tác những bức tranh cảnh làng quê, sông nước, núi rừng... Nhiều khách quý đến nhà thưởng ngoạn, thấu hiểu được nội tâm của người vẽ, ngỏ ý muốn có được một bức về treo, ông sẵn sàng biếu họ bởi ông xem họ như người bạn tri kỷ. Vì thế, hiện nhiều bức tranh của ông tỏa khắp các miền quê.
Sau hơn 30 năm trong nghề vẽ, dù mái tóc đã điểm màu hoa râm nhưng dường như trái tim của ông Hữu vẫn trẻ mãi với thời gian. Đôi tay ông cầm bút, phối màu ngày càng mềm mại, tinh tường hơn, những bức tranh vẫn chất chứa trong đó tình yêu quê hương tha thiết. “Tôi chỉ có một ước nguyện giản đơn đó là có thật nhiều thời gian để vẽ, để thể hiện hết tình yêu của mình với những vùng đất, con người mà tôi từng gắn bó”, ông Hữu nói lúc chia tay.
.
Bài, ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG
công tác tại: Báo Quảng Trị
.
NHỮNG BỨC TRANH DO HỌA SĨ ĐINH GIAO HỮU VẼ:
lang que 345.jpg
Đường về làng An Giạ.​
.​
Khesanh 1.jpg
Miền núi Khe Sanh quê hương​
.​
lang que 34567.jpg
Nhà sàn bên suối.​
.​
lang que.jpg
Bức tranh quê hương​
.​
lang que 34.jpg
Tuổi học trò đi về trên con đường làng An Giạ, Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị.​
 
Top