Administrator
Moderator
Vợ chồng Lê Bân thăm nhà Thầy Hoàng Văn Liệu tại Mỹ.
.
Sáng 27/7, Lê Bân với Hoà đến thăm thầy cô Hoàng Văn Liệu tại nhà riêng ở Houston, Texas. Thầy trò hết sức xúc động sau hơn 30 năm mới gặp lại nhau. Điều rất mừng là thầy cô mạnh khỏe, nhất là thầy sau tai biến bị té ngã nay đã phục hồi tốt.
Thầy cô sống trong một ngôi nhà khang trang, thoáng đảng, tự chăm sóc nhau trong sinh hoạt, ăn uống.
Thú vui hằng ngày của thầy là ra vườn nhổ cỏ, tưới cây. Rỗi rảnh ngồi xếp những mảnh nhỏ li ti theo mẫu để tạo thành những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Thầy cho biết để hoàn thành một bức tranh mất cả tháng trời.
.
Thầy Hoàng Văn Liệu bên tác phẩm của mình.
.
Hai vợ chồng Thầy vẫn khỏe mạnh
.
Con cái của thầy cô đều đã có gia đình riêng. Sau thời gian vất vả khi mới sang định cư, các em đều chịu khó học lại và hiện nay rất thành đạt, đều là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư… Cứ vài hôm các em mua thực phẩm mang tới, cuối tuần về sum họp với thầy cô… Lê Bân với Hoà rất hạnh phúc khi được chính tay cô Lan hông xôi, đãi ăn trưa. Thầy phá lệ (vì lý do sức khỏe) khui bia cùng trò cạn chai.
Thầy trò lâu ngày gặp nhau trên đất khách, vui quá, thi nhau kể hết chuyện nọ xọ chuyện kia. LB-DH hết sức xúc động được nghe thầy hồi tưởng lại những ngày lao động cơ cực sau 1975 ở quê nhà, kiếm gạo cơm không đủ để nuôi đàn con. Cũng như những năm tháng mới sang Mỹ làm thuê, làm mướn hết nơi này đến nơi khác, không nơi ăn chốn ở. Có những lúc bế tắc đã định dắt díu nhau hồi hương.
Đặc biệt Lê Bân lần đầu được nghe thầy kể năm 1972 trong bối cảnh nào mà thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng ở trại tạm cư số 5 Non Nước, Đà Nẵng. Rồi việc vất vả giải quyết khó khăn sau Hiệp định Paris 1973 khi đưa trường hồi cư về đóng trên đất Diên Sanh, Hải Lăng. Nội giải quyết đủ phòng học cho hơn 3.000 học sinh thời điểm đó không phải là chuyện nhỏ…
Chuyện còn nhiều nhưng đến thời khắc LB-DH phải chia tay thầy cô trong nỗi niềm lưu luyến. Thầy cô cũng hết sức xúc động vì sức khỏe không cho phép về thăm, gởi lời thăm tất cả quý thầy cô đồng nghiệp và những học sinh thân yêu một thời của thầy cô.
Houston Texas
Lê Bân
.
PS: Thầy Hoàng Văn Liệu làm Hiệu trưởng Trường Trung Học Nguyễn Hoàng từ 1973 đến 1975
Thầy Hoàng Văn Liệu là con của thầy Hoàng Văn Trâm, cố hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Quảng Trị , gia dình thầy đa số là nhà giáo. Anh Hoàng Văn Ân là Trưởng ban Văn nghệ Nguyễn Hoàng Sài Gòn, là em út của thầy Hoàng Văn Liệu.
Bài viết của anh Lê Bân, Nguyễn Hoàng tại Sài Gòn, anh là Biên tập chính tập san Hương Quê Nhà, về thầy Hoàng Văn Liệu, cựu hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, nhân chuyến anh chị Bân - Hoà đi Hoa Kỳ ghé thăm gia đình thầy.
.
Làng Trung Đơn thuộc xã Hải Thành, Hải Lăng, Quảng Trị.
.
Đinh Thanh Hải xin đăng lại bài viết năm 2020, nói về ngôi trường do Ba eng Hoàng Ân tạo dựng, cố Hiệu Trưởng Hoàng Văn Trâm.
.
.
GIẾNG TRƯỜNG - LÀNG TRUNG ĐƠN
Ở làng Trung Đơn thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có một cái giếng trường mà khi nhắc đến bà con dân làng cũng biết, được uống nước ngọt, đường tắm mát... đặc biệt những người học trò của ngôi trường ấy, họ ngoài học những chữ cái đầu tiên còn được học làm người...
Cái giếng nước ngọt mát lành không chỉ dùng riêng cho học trò, mà cả những người dân làng Trung Đơn, Đơn Quế, Hải Thiện, Kim Sanh, Phước Điền.
Một giếng trường tiểu học mang nặng nghĩa tình, của người thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Trâm ngoài sự chăm lo cho sự nghiệp gieo hạt mầm con chữ thì còn chăm chút cho ngôi trường xanh sạch đẹp, môi trường học mà hành, vui chơi và khỏe mạnh. Một con người hoàn thiện cả về trí tuệ và sức khỏe, nắm giữ chìa khóa để bước vào đời rồi dang rộng đôi cánh bay cao, bay xa.
Năm 1957, cùng lúc với việc xây dựng Trường Cộng đồng dẫn đạo Trung Đơn, ông Hiệu trưởng Hoàng Văn Trâm đã cho đào giếng, một cái giếng phía Đông dùng để uống, một cái phía Tây dùng để tắm. Riêng giếng ở phía Tây thì có xây phòng tắm, trần đổ bê tông.
Nước mạch nguồn luôn trong và mát ngọt, không bao giờ khô cạn, đặc biệt giếng trong làng có phèn chua, nhưng giếng của trường thì không.
Người làng Trung Đơn đã ví von giếng nước của trường là: Những giọt nước "cam lồ" trời ban phú mà phun ra từ mạch nguồn.
.
.
Những người theo đạo Phật cho rằng: Nước "cam lồ" là biểu trưng của lòng từ bi. Nước này rưới tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau con người. Đặc điểm của nước cam lồ là vừa ngọt vừa mát. Có câu: "Đầu cành dương liễu vương cam lộ - Một giọt mười phương rưới cũng đầy..."
Tui đã gặp và kết thân với con trai út của người Hiệu trưởng Trường tiểu học ở làng Trung Đơn ấy, eng Hoàng Văn Ân cũng theo truyền thống gia đình làm nghề dạy học. Những người anh chị của eng Ân cũng làm nghề dạy học, trong đó có người anh trai là Hoàng Văn Liệu - trước 1975 làm Hiệu trưởng Trường Trung Học Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị.
Eng Ân có lần đã chia sẻ với tui: Eng là con út trong một gia đình có 12 người con, một người mất lúc nhỏ đi học, một người là thiếu tá VNCH, một người đi Mỹ, một người cũng đi lính VNCH và một người học Y khoa, còn lại là làm nghề dạy học.
Qua eng Hoàng Văn Ân tui đã gặp rất nhiều người con của làng quê Trung Đơn giữa Sài Gòn, họ thân thương, sống nặng nghĩa tình, chân chất sự mộc mạc, cho dù họ có là ai đi nữa vẫn khiêm tốn chứ không hề tự cao, hay kiểu nói lái từ Quảng Trị là Quỷ Trạng.
Lan man
Đinh Thanh Hải